Bóng đá Việt: Thầy ngoại sống trong… âu lo

Văn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bóng đá Việt Nam từng đón rất nhiều HLV ngoại quốc đến làm việc nhưng rất nhiều người đã thất bại, khăn gói ra đi. Mới nhất HLV Mihail Marian đã phải nói lời chia tay FLC Thanh Hoá sau gần 5 tháng làm việc.

Ra đi rồi bóc mẽ
Sau khi thanh lý hợp đồng với FLC Thanh Hoá, HLV Mihail đã công khai trên một số tờ báo về lý do ông rời đội bóng xứ Thanh. Từ việc ông bị nhóm cầu thủ bẻ ghế, phản ứng thái quá, không chấp hành đấu pháp rồi xé rào, vi phạm nội quy của đội trước trận đấu. Đó là chưa kể, ông thầy người Romania còn tố cựu trợ lý của mình âm mưu lật đổ ghế của ông. Nói chung, những lời bóc mẽ đó đương nhiên tạo được cú sốc với người hâm mộ (NHM) cũng như giới chuyên môn. Bởi từ trước đến nay, hiếm có nhà cầm quân nào đủ dũng cảm để nói lên những “mặt trái” tại các CLB ở V.League.
 Ông Mihail Marian khi còn là HLV FLC Thanh Hóa.
Và lần này, sau khi không còn làm việc ở Việt Nam nữa, ông Mihail đã thẳng thắn chia sẻ những chuyện hậu trường của đội bóng xứ Thanh với mục đích nói lại cho rõ nguyên nhân nào khiến ông sớm phải bật bãi khỏi vị trí HLV trưởng dù V.League mới trải qua được 4 vòng đấu. Nhiều người ủng hộ HLV Mihail đã mạnh dạn nói lên những điều thầm kín trong đội bóng và đấy là chuông cảnh báo đối với các đội bóng khác nếu như cầu thủ muốn “tạo phản”. Nhưng ở góc độ khác lại chỉ trích ông thầy người Romania rằng không biết bảo ban cầu thủ dẫn đến việc họ “bật” lại chính mình rồi thành tích không được như mong muốn và cái kết là phải ra đi. Bất luận thế nào thì có thể khẳng định mối quan hệ giữa HLV Mihail và các học trò ở FLC Thanh Hoá đã rơi vào cảnh cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt và điều đó đã khiến cho thành tích của đội bất ổn định, bị các ứng viên vô địch khác như Than.QN, Hà Nội bỏ xa trên bảng xếp hạng.

Phải biết “chiều” cầu thủ mới trụ được lâu?

Vấn đề được đặt ra sau khi HLV Mihail ra đi, là phải chăng các HLV ngoại muốn tồn tại tại V.League thì cần phải biết chiều cầu thủ, thuận theo ý tập thể thì mới có cơ hội tại vị lâu. Thực tế, trước đây đã có 1 HLV nổi tiếng đúc kết sau khi chia tay đội bóng đó là: “Ghế HLV có 4 chân thì cầu thủ giữ 3 chân”. Tức là cái ghế của các nhà cầm quân có vững hay không là do cầu thủ quyết định?! Câu nói đó sau này bị rất nhiều HLV bức xúc khi cho rằng làm thầy mà không nói được học trò (dẫn đến việc phải ra đi) thì thể hiện sự bất lực, kém tài.

Thật ra, từ lâu, ở V.League luôn có “luật ngầm” đó là HLV và cầu thủ phải là một thì mối đoàn kết trong tập thể mới được đảm bảo. Và rất nhiều nhà cầm quân thành công ở V.League từ thầy ngoại cỡ Calisto đến Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng đã gặt hái được thành công trong việc đưa đội nhà đăng quang ở V.League. Ở đó, các ông thầy này đều thể hiện được cái uy với cầu thủ nên thành thử học trò không có cơ hội để “bật” mình. Đặc biệt với trường hợp Lê Thuỵ Hải quá dị biệt khi dù không có bằng A HLV theo tiêu chuẩn AFC nhưng ông luôn nhận được cái… bằng lòng từ lãnh đạo, cầu thủ nên việc ông đưa Bình Dương trở thành đế chế của bóng đá Việt Nam một thời cũng không phải là điều quá ngạc nhiên. Nói thế để thấy rằng, với môi trường bóng đá Việt Nam, đôi khi phải hiểu được tập tính của lãnh đạo, cầu thủ thì mới có thể yên thân làm việc và không bị gánh nặng… bẻ ghế treo lơ lửng trên đầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần