Bóng đá Việt trở lại guồng quay

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau ASIAD, bóng đá Việt trở lại với guồng quay của nó. Các giải đấu quốc nội đã chính thức bước vào giai đoạn mãn cuộc. Đây cũng chính là thời điểm mà các nhà tổ chức giải đặc biệt quan tâm đến sự “an toàn” của đại cuộc.

Từ cuộc đấu công văn
Ngay sau ASIAD, làng bóng đá lại nóng lên với cuộc đấu giữa VPF và đội bóng Bình Dương xung quanh lịch thi đấu trận bán kết lượt về Cúp Quốc gia 2018. Số là theo lịch cũ, trận đấu giữa Bình Dương và Hà Nội FC sẽ diễn ra vào chiều 5/9. Thế nhưng, thành công của Olympic Việt Nam tại ASIAD khiến lịch thi đấu cũ bị xáo trộn. Ngày 4/9, các tuyển thủ Olympic Việt Nam mới được phép trở về CLB sau rất nhiều hoạt động mừng công, vinh danh. Trong đó, riêng Hà Nội FC đã có đến 7 cầu thủ tham gia thành phần Olympic Việt Nam. Chính vì điều này khiến đội bóng Thủ đô không thể tham gia trận bán kết lượt về với Bình Dương vào ngày 5/9 do các cầu thủ cần có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sau ASIAD.
 Một pha tranh bóng trong trận Hà Nội FC gặp SHB Đà Nẵng. Ảnh: Phạm Hùng
Về lý lẫn tình, VPF phải điều chỉnh lịch thi đấu để không làm khó những cầu thủ từng mang vinh quang về cho Tổ quốc. Thế nhưng, mọi việc trở nên phức tạp khi Bình Dương quyết không chấp nhận điều chỉnh lịch theo ý của VPF. Họ yêu cầu được tuân thủ lịch thi đấu đã được ban hành. Thậm chí, ban lãnh đạo đội bóng này cho rằng, nếu có lùi lịch thì họ chỉ chấp nhận lùi một hai ngày. Điều này khiến BTC giải bối rối bởi bên cạnh việc các cầu thủ Olympic Việt Nam chiếm đa số tại Hà Nội FC bị quá tải mà còn làm ảnh hưởng đến lịch thi đấu V.League vốn bắt đầu bước vào giai đoạn nước rút.

Cuộc chiến công văn qua lại giữa BTC giải và VPF đã diễn ra suốt một tuần qua. VPF khẳng định họ điều chỉnh lịch thi đấu vì tình thế bắt buộc và có quyền thực hiện điều đó vì cái chung. Trong khi đó, Bình Dương lại cho rằng, VPF đang bênh Hà Nội FC muốn các cầu thủ của đội bóng này có cơ hội nghỉ ngơi. Đỉnh điểm của cuộc đấu này là Bình Dương dọa bỏ giải trong khi VPF cũng không có dấu hiệu cho thấy sẽ xuống thang.

Thời gian qua, bóng đá chứng kiến xu hướng ngược đó là việc các đội tuyển thường xuyên lập chiến tích ở đấu trường châu lục, thậm chí là thế giới. Hầu hết các đội tuyển đều giành vé đến VCK châu Á, có đội tuyển còn dự World Cup. Thế nhưng, tại đấu trường khu vực, chúng ta chưa có được thành tích như ý muốn.

Nhiều người cho rằng, cuộc đấu công văn kể trên xuất phát từ việc quyền lợi bị ảnh hưởng. Nhưng, không khó để nhận ra rằng, đằng sau màn đấu công văn chính là những toan tính nơi hậu trường. Sắp đến đại hội VFF và những nhân vật quyền lực trong làng bóng đá đang muốn mượn những cuộc tranh chấp để thể hiện quyền lực, thậm chí là “phá giá” đối thủ trước sự kiện quan trọng. Câu chuyện về lịch thi đấu bỗng chốc chuyển sang cuộc đấu ngấm ngầm giữa những ứng viên và nếu không khéo, nó sẽ bị đẩy sang một bước ngoặt khôn lường có thể ảnh hưởng đến đại cuộc.

Đến cuộc chiến kim tiền

Trước khi bước vào giai đoạn cuối của mùa giải, có ít nhất hai đội bóng xảy ra cuộc đình công liên quan đến chuyện tiền bạc. Tại Nam Định, HLV Văn Sỹ đã phá tan luật im lặng bằng cách đăng đàn tố lãnh đạo địa phương không quan tâm đến đội bóng. Khoản tiền hỗ trợ 20 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh đến nay vẫn chưa được giải ngân khiến tình hình tài chính của cầu thủ lâm vào tình cảnh bi đát. Lương, thưởng bị nợ, các cầu thủ cảm thấy bất an khi sắp hết hợp đồng nhưng ban lãnh đạo đội bóng không có động thái xúc tiến gia hạn.

Không chỉ Nam Định, tại Cần Thơ, hơn 10 cầu thủ gửi tâm thư lên lãnh đạo đề nghị giải quyết dứt điểm chuyện tiền nong. Theo các cầu thủ này, đội bóng hiện nợ họ tiền lót tay và nếu không sớm được giải quyết, các cầu thủ sẽ tiến hành đình công, không tập luyện và thi đấu.

Một điểm chung giữa Nam Định và Cần Thơ là cả hai đội bóng đều đang khát điểm trong cuộc đua trụ hạng. Thông thường, ở cạnh vực thẳm, các cầu thủ sẽ được động viên nhưng nay họ thay vì gồng mình kiếm điểm thì phải đấu tranh đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình. Một lần nữa sự chuyên nghiệp và sức khỏe về mặt tài chính của các đội bóng lại được nhắc đến. Sự thiếu ổn định về tài chính khiến các đội bóng tại V.League không có được sự ổn định về phong độ. Nhìn rộng ra, bóng đá vẫn chưa thể tự đi trên đôi chân của mình và chính điều đó khiến cho sân chơi V.League luôn phải đối diện với rủi ro.