Bóng đá với người Hà Nội

Nhà văn Đỗ Phấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ giữa thế kỷ XIX khi bộ luật bóng đá Cambridge ra đời ở nước Anh cho đến năm 1912 bóng đá lần đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội. Việt Nam tự hào là nước có những tiếp cận rất sớm với môn thể thao túc cầu này. Ở Hà Nội không chỉ đàn ông thích bóng đá. Đàn bà và trẻ con cũng là những khán giả cuồng nhiệt.

 Cổ động viên Hà Nội cổ vũ trên sân Hàng Đẫy. Ảnh: Duy Anh
Những năm đầu sau hòa bình lập lại 1954, Nhà nước đã có những quan tâm đặc biệt đến tất cả các bộ môn thể thao nghiệp dư, phong trào. Sân vận động Hàng Đẫy đã được xây dựng vào năm 1957 làm nơi thi đấu khá nhiều môn thể thao, chủ yếu là đá bóng. Đây cũng là sân vận động đầu tiên và duy nhất ở Hà Nội lúc ấy có khán đài cho người xem. Hai sân còn lại là Cột Cờ và Long Biên chỉ có mặt sân dành cho các đội bóng. Khán giả đứng ngồi tùy thích, dĩ nhiên không bán vé.
Sân Hàng Đẫy mở ra một sinh hoạt hoàn toàn mới lạ cuốn hút thị dân ngay từ những ngày đầu hoạt động. Những cuộc thi chạy, nhảy, diễu hành, lái mô tô và nhất là những giải đấu bóng đá nghiệp dư thường niên luôn chật ních khán giả. Các đội bóng dần được thành lập hoàn toàn là những cầu thủ phong trào ở vài câu lạc bộ mới. Nổi lên có Thể Công (Câu lạc bộ thể thao quân đội), Đường sắt, Công an Hà Nội, Dệt Nam Định, Than Quảng Ninh. Những giải đấu thường được tổ chức ở Thủ đô nên tuyên truyền cho nó cũng phần lớn là báo chí, đài phát thanh của Hà Nội thực hiện.

Những năm chiến tranh, nhiều hoạt động văn nghệ thể thao có phần hạn chế bởi người ta tránh tụ tập đông người phòng khi bom đạn. Sân Hàng Đẫy vẫn hoạt động đều đặn. Những trận bóng đá vẫn diễn ra quanh năm. Người Hà Nội yêu quý sân vận động và các cầu thủ của mình vẫn không bao giờ vắng mặt cổ vũ.
Ngay từ khi mới xây dựng và qua vài lần sửa chữa, những trận cầu hay luôn kín đặc cả bốn khán đài. Có lẽ đó là nơi tập trung đông người nhất, khoảng hơn 2 vạn người với dân số Hà Nội chỉ độ hơn 30 vạn. Như vậy, cứ 15 người Hà Nội thì có một người đến sân xem đá bóng là một kỷ lục không bao giờ còn có cơ hội phá vỡ. Những trận cầu hay, đám thanh niên và trẻ con không có vé thường đứng rất đông ở cổng. Họ chờ bảo vệ sân mở cổng tháo khoán. Cũng có lúc là a la xô đẩy bật cổng tràn vào. Những ngôi nhà cao tầng quanh sân trên đường Cát Linh, Trịnh Hoài Đức… cũng đầy người đứng trên ban công, sân thượng ngóng sang xem.

Sân Hàng Đẫy không bao giờ đủ chỗ cho khán giả yêu thích môn bóng đá. Người Hà Nội lúc ấy đa số thưởng thức bóng đá bằng tai. Họ phải nghe tường thuật qua đài phát thanh. Thật kỳ lạ khi một bộ môn thể thao mang nhiều chất nghệ thuật thị giác như bóng đá lại được người ta tường thuật trực tiếp bằng lời và đã thành công khi thính giả của bóng đá luôn là con số áp đảo so với khán giả thực sự trên sân. Những tường thuật viên có cách miêu tả cặn kẽ tình hình từng đường bóng, từng cầu thủ, cho đến cả không khí của khán giả trên sân. Cách tường thuật này còn để lại di sản của nó cho đến tận hôm nay. Khi mà tường thuật viên trên tivi vẫn liên hồi kể lể chẳng cần biết những gì anh ấy nhìn thấy thì khán giả tivi cũng rõ mười mươi.

Người Hà Nội không có vé xem trực tiếp trên sân nhưng cũng không muốn “nghe” bóng đá một mình ở nhà. Họ tụ tập thành nhóm mở radio cỡ lớn vừa nghe vừa bình luận thêm vào. Sôi nổi và đông đúc nhất có lẽ là mấy chiếc loa công cộng ở Bờ Hồ. Những chiếc loa hình nón úp có âm lượng lớn và âm sắc tuyệt hay. Những cầu thủ được xướng tên trên loa bằng cả biệt danh rất gần gũi thân thương. “Ba Đẻn vừa dắt bóng qua hai hậu vệ…”, “Phúc vẩu vừa tung cú sút cận khung thành Công an Hà Nội”…
Phải mãi đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước người Hà Nội mới tạm đủ tivi để xem tường thuật bóng đá trực tiếp. Tất nhiên tivi lúc này đen trắng và chi chít muỗi nên không thể nom rõ mặt cầu thủ. Không phải nhà ai cũng có tivi, người Hà Nội san sẻ niềm hạnh phúc cho nhau bằng cách kê tivi nhà mình ra vỉa hè cho hàng phố cùng xem. Nước chè, thuốc lào, thuốc lá, ai có gì tự mang ra góp vui rất hào sảng. Những trận bóng quốc tế tường thuật thâu đêm vẫn đông nghịt người xúm quanh chiếc tivi Neptune đen trắng cho đến sáng. Bao nhiêu khúc mắc mâu thuẫn hàng xóm láng giềng được dịp giải tỏa dễ dàng.

Có lẽ khán giả Hà Nội là những người hiền lành, công tâm hơn cả trên sân cỏ. Dù có là cổ động viên của đội nhà cũng luôn ca ngợi những bàn thắng hay, những đường bóng đẹp của đối thủ. Chưa bao giờ thấy khán giả Thủ đô bị tai tiếng về những hành động phi thể thao trên sân cỏ dù rằng mức độ cuồng nhiệt cổ vũ của họ là không hề thua kém bất kỳ ai.

Chúng ta loay hoay với bóng đá chuyên nghiệp đã vài thập kỷ rồi. Nhưng hình như quên mất một điều kiện tiên quyết làm nên bóng đá đẹp như nó đã từng, đó là tổ chức, điều hành và thi đấu tất cả vì khán giả. Có được số lượng khổng lồ khán giả Hà Nội nhiệt thành yêu quý bóng đá suốt mấy chục năm qua là không hề dễ dàng. Nhưng để mất đi lại là việc hoàn toàn có thể xảy ra.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần