“Bông hồng Bảo tàng” và ký ức về báu vật thiêng liêng

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng ký ức về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim của nữ cán bộ bảo tàng Hoàng Thị Nữ. Ký ức ấy như một báu vật thiêng liêng mà mỗi lần chạm vào đều khiến bà xúc động khôn nguôi.

35 năm công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, là một Tiến sĩ Sử học chuyên ngành nghiên cứu về Bác Hồ, với bà Nữ, mỗi chuyến đi sưu tầm tài liệu về Bác là một câu chuyện đáng nhớ. Hàng vạn tài liệu, hiện vật (gốc), hàng nghìn bức ảnh, hàng trăm cuộn phim ghi lại hoạt động của Bác là khối tư liệu vô giá, là những kỷ vật thiêng liêng đã ăn sâu vào máu thịt của nữ cán bộ Bảo tàng. 
Thầm lặng sưu tầm, nghiên cứu báu vật quốc gia

Hà Nội giữa những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi tìm đến ngôi nhà số 10, ngõ 49 phố Vạn Bảo (phường Liễu Giai, quận Ba Đình) - nơi ở của nhiều cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong đó có bà Hoàng Thị Nữ. Căn phòng nhỏ của bà Nữ hiện ra trước mắt chúng tôi là một bảo tàng mini với những cuốn sách, những bức ảnh quý về Bác được bố trí, gọn gàng, ngăn nắp, khoa học, tinh tế. Trên tường của phòng khách, bà treo 3 bức tranh phong cảnh, nhưng giữa những bức tranh luôn có sự liên kết nhất định về màu sắc, hình dáng và nội dung. Nếp nhà và cách bài trí giản dị cho thấy “chị Hai 5 tấn quê ở Thái Bình” từ cổ xưa thuộc vào bậc gia phong, nền nếp…
 Bà Hoàng Thị Nữ (áo kẻ), cùng ông Vũ Kỳ (Thư ký riêng của Bác Hồ - thứ nhất hàng đầu) tiếp nhận 'Quyển sách bằng đá' do Hội Công nhân và Lao động Việt Nam tại Pháp tặng vào tháng 5/1990.
Ở tuổi thất thập, bà Nữ vẫn giữ được nét đẹp của người phụ nữ Việt. Mái tóc pha sương cùng nụ cười hồn hậu, giọng nói hào sảng, có lúc nghẹn ngào vì xúc động, bà kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện thú vị trong 35 năm công tác, gắn bó với kho hiện vật là nơi sưu tầm, lưu giữ, kiểm kê những tư liệu, kỷ vật của Bác Hồ.

Như những thước phim quay chậm, bà lần lượt đưa chúng tôi trở về những năm tháng lịch sử, ghi lại những khoảnh khắc, hoạt động của vị cha già dân tộc. Minh mẫn lần giở những cuốn sách mà bà tham gia viết về Bác: “Hồ Chí Minh — biên niên tiểu sử”, “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 — 1933”. “Những tên gọi, bút danh, bí danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Danh nhân Hồ Chí Minh”, “Bác Hồ với Trung Quốc”, “Bác Hồ với Thái Bình – Thái Bình làm theo lời Bác”... bà tâm sự: “Chưa bao giờ tôi làm hỏng những tư liệu quý này, chỉ có điều là nhiều lần khóc vì phải bàn giao tài liệu cho đơn vị khác quản lý, tiếc vì những gì mình đã gắn bó lâu năm”. Sống gần hết cuộc đời, bà vẫn tâm niệm: "Hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời bà là vinh dự được nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và phát huy những tài liệu về Bác Hồ".

Như bà chia sẻ, ngoài trực tiếp sưu tầm, tiếp nhận tài liệu hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong nước và quốc tế, bà còn tham gia xác minh, cung cấp tư liệu để xác minh các sự kiện lịch sử liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, bảo đảm độ chính xác cao. Đặc biệt, phải giữ gìn làm sao để tuổi thọ của tài liệu, hiện vật được kéo dài nhất. Một công việc đòi hỏi sự tỉ mẩn, chăm chút, kiên nhẫn, bền bỉ, điều đó đủ hiểu, những kỷ vật của Bác cùng công tác bảo quản tài liệu đã thấm vào máu thịt của bà Nữ thế nào.

Bền bỉ làm theo lời Bác

Ngày qua ngày, bà Nữ dành thời gian nghiên cứu, bổ sung hồ sơ khoa học cho từng tài liệu hiện vật… “Thế nên, ai đó đưa ra một kỷ vật gì liên quan đến Bác mà tôi đã từng quản lý, định hình trong giây lát, tôi có thể đọc được cả thời gian, địa điểm và lịch sử kỷ vật đó. Kỷ vật về Bác thiêng liêng, quý giá, quan trọng lắm, nên không thể không cẩn thận” - bà Nữ chia sẻ. Có lẽ, điều này đúng với tính cách và con người của bà - lớp cán bộ đầu tiên của Bảo tàng. Bước vào nghề sưu tầm tư liệu về Bác Hồ từ những năm tuổi 20, những trải nghiệm trong 35 năm công tác đã mang đến cho bà một phong cách riêng - phong cách của người cán bộ đảng viên luôn làm theo lời Bác.
 Bà Hoàng Thị Nữ.

Đưa ánh mắt hướng về những cuốn tư liệu quý, nữ Tiến sĩ Sử học tiếp tục đắm mình trong những câu chuyện quá khứ. Bà kể: "Có một năm Hà Nội mưa to sau cơn bão số 3, các tuyến phố đều ngập nước. Buổi tối hôm ấy, tuy đã về nhà, nhưng lo nước sẽ tràn vào kho bảo quản tài liệu, hiện vật của Bác, những di sản vô giá của quốc gia sẽ bị ngập nước. Nghĩ đến đây, hơn 10 giờ đêm, tôi quyết định lội nước ngang lưng dọc phố Đội Cấn hơn 2km đến Bảo tàng để kiểm tra kho. Quả nhiên khi đến nơi, sân cơ quan đã ngập nước, một số phòng làm việc cũng bị nước ngấm vào qua đường ống. Tôi cùng bộ phận trực cơ quan kịp thời xử lý, ngăn không cho nước vào kho hiện vật. Xong việc, người rét run, nhưng cũng thở phào nhẹ nhõm vì kho được an toàn”.

Mỗi dịp tháng 5 về, lòng người càng thêm bồi hồi nhớ Bác. Với người nữ cán bộ ấy, mỗi chuyến đi sưu tầm tài liệu là một câu chuyện đáng nhớ. Rồi bà kể về chuyến đi sưu tầm, khảo sát các di tích liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, năm 1941 - 1943, 1965. Giới thiệu cuốn sách “Bác Hồ viết di chúc”, giọng nghẹn ngào nhớ lại khoảnh khắc khi bàn giao các bản thảo bản di chúc của Bác Hồ, bà tâm sự: “Ngày đó, được ủy quyền của bác Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác Hồ), tôi có nhiệm vụ bàn giao các bản gốc di chúc của Bác Hồ cho Cục lưu trữ Trung ương. Tôi ký bàn giao mà tay run bần bật. Lưu giữ bao nhiêu năm kỷ vật thiêng liêng của Bác mà nay bàn giao cho nơi khác. Thật xúc động…”.

Tháng 5 về mang theo nhiều cảm xúc bất chợt. Lần giở những chiếc bao thư chứa nhiều bức ảnh mà bà đã chụp, nữ cán bộ Bảo tàng lấy ra những bức ảnh quý ghi lại những hoạt động liên quan đến tư liệu về Bác. Mỗi bức ảnh là tư liệu lịch sử chất chứa đầy ý nghĩa. Đã trở thành thói quen, với mỗi bức ảnh, bà Nữ ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ những mốc thời gian, sự kiện, địa điểm… Và dĩ nhiên, khi hỏi nội dung bức ảnh, bà đọc vanh vách thông tin của bức ảnh ấy.

Sau những năm cống hiến không mệt mỏi, năm 2004, bà về nghỉ hưu và vẫn luôn bền bỉ học tập Bác Hồ trong công việc đời thường. Hiện bà là Bí thư Chi bộ 10, Đảng bộ phường Liễu Giai. Hàng chục năm qua, bà thực hành tiết kiệm, nuôi lợn nhựa và hũ gạo tiết kiệm, tham gia tổ tiết kiệm của phụ nữ ở cơ quan, tổ dân phố... Bao giờ bà Nữ cũng làm việc có kế hoạch cẩn thận, tỉ mỉ, có lịch cụ thể các công việc chính phải làm trong ngày, trong tuần và cố gắng thực hiện theo lịch đó. Đặc biệt, hiện nay bà Nữ còn lưu giữ được các quyển sổ ghi công việc làm hàng ngày của mình từ những năm 80 đến nay. Đó là thói quen và cũng là nếp làm việc của bà.

Bà Vũ Thị Nhị - nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh tâm sự: “Nói đến công tác “kho” phải nói đến chị Nữ, một người có kinh nghiệm lâu năm lại tâm huyết với công việc. Chị Nữ là người say nghề, đam mê với việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản các tài liệu liên quan đến Bác Hồ. Để bảo quản, giữ gìn và phát huy giá trị của các tài liệu, hiện vật của Bác Hồ cần sự tỉ mẩn và kiên nhẫn và bằng sự tận tâm của mình, chị Nữ đã làm rất tốt...”.

Đôi bàn tay rám nắng nhuốm màu thời gian, nâng niu tấm hình có nữ cán bộ Bảo tàng ngày còn trẻ dẫn đầu đoàn tiếp nhận hiện vật là tác phẩm nghệ thuật về Bác Hồ đã ố vàng, bà vẫn gìn giữ như một báu vật. “Nhớ Bác, suốt đời tôi cố gắng sống tốt và làm những việc tốt cho con cháu, cho cuộc đời. Mong sao cho cán bộ, lãnh đạo mình học được cái tâm, tấm lòng của Bác với dân với nước” - bà Hoàng Thị Nữ xúc động nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần