Bóng ma Covid-19 tái xuất hiện đẩy giá dầu thế giới sụt hơn 1%

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu đi xuống trong phiên 15/6 trước lo ngại về đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 2 tác động tiêu cực đến sự phục hồi của nhu cầu.

Thị trường “vàng đen” chịu áp lực giảm giá trong phiên giao dịch đầu tuần khi số ca nhiễm mới gia tăng tại Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ, làm dấy lên những lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai vốn sẽ ảnh hưởng đến đà phục hồi nhu cầu nhiên liệu.
Cụ thể, giá dầu Brent sụt 15 xu Mỹ, tương đương 0,4%, xuống còn  38,58 USD/thùng, trong khi đó giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ hạ 49 xu Mỹ, khoảng 1,3%, về mức 35,77 USD/thùng.
 Giá dầu tiếp tục giảm trong phiên 15/6 do lo ngại về đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ hai.
“Đợt tái bùng phát dịch Covid-19 tại một số nước càng gia tăng thêm mối lo ngại rằng thời gian để nhu cầu đối với mặt hàng nhiên liệu phục hồi về mức bình thường như trước thời điểm dịch bệnh lây lan sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến”, ông Warren Patterson, người đứng đầu chiến lược hàng hóa của ING nhận xét.
Sau gần 2 tháng không phát hiện các ca nhiễm Covid-19 lây lan  trong cộng đồng, ngày 15/6, Trung Quốc công bố thêm 36 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm lên 79 trường hợp sau khi phát hiện ca đầu tiên hôm 12/6.
Ổ dịch mới đã kích hoạt một làn sóng sợ hãi trên khắp Trung Quốc. Sự tái xuất đột ngột của Covid-19 ở Bắc Kinh, một trong những nơi được coi là an toàn nhất Trung Quốc, làm dấy lên những lo sợ về một làn sóng Covid-19 thứ 2. Nó cũng gợi nhắc lại những biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn dịch bệnh lây lan nhưng khiến nền kinh tế của Trung Quốc gần như bị đình trệ.
Dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng tại Mỹ khi ghi nhận hơn 25.000 ca nhiễm mới chỉ trong ngày 14/6, trong bối cảnh ngày càng nhiều bang, trong đó có Florida và Texas, có số ca nhiễm mới cao kỷ lục.
Dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi, song còn chật vật. Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 5 đã tăng 4,4% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Mặc dù vậy, mức tăng này thấp hơn so với mức kỳ vọng, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Á vẫn đang nỗ lực để hồi phục sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Giới phân tích trước đó dự kiến sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 5 sẽ tăng 5,0% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi nhiều doanh nghiệp nối lại hoạt động sản xuất, tiếp sau mức tăng 3,9% hồi tháng 4 - đánh dấu mức tăng đầu tiên kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc cuối năm 2019.
Giá dầu Brent và ngọt nhẹ WTI đã giảm khoảng 8% trong tuần trước, tuần giảm giá đầu tiên kể từ tháng 4, trước những lo ngại về tình hình dịch Covid-19.
Bjornar Tonhaugen, người đứng đầu nghiên cứu thị trường dầu mỏ của Rystad Energy cho rằng những lo ngại về sự gia tăng gần đây trong số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ và khả năng xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai đang đè nặng lên giá “vàng đen”.
Trong khi đó, theo nhiều nguồn thạo tin, một ban giám sát của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ nhóm họp vào ngày 18/6 để đánh giá liệu các nước đã thực hiện đúng cam kết trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục hiện tại chưa, nhưng cuộc họp này sẽ không đưa ra quyết định nào.
Iraq, một trong những quốc gia thành viên chưa tuân thủ thỏa thuận, đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu thô vào tháng 6, các quan chức Iraq tiết lộ với hãng Reuters hôm 14/6.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần