Doanh nghiệp còng lưng “gánh” phí BOT

Trâm Anh - Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thuế, phí, lệ phí, lãi suất… là những chi phí chính thức dưới dạng các con số trực quan, song đó chỉ là một phần.

Chi phí phi chính thức về thời gian, cơ hội, chi phí ngầm... mới lớn hơn nhiều so với các con số chi phí trên giấy tờ. Các diễn giả đều có nhận định chung như vậy tại buổi tọa đàm “Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy DN tư nhân phát triển” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 23/8.

Cần công khai chi phí

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông dẫn câu chuyện phí BOT để minh họa cho những gánh nặng về chi phí không hợp lý mà xã hội đang phải gánh chịu. "Chúng ta làm BOT không theo một quy định nào cả” - ông Đông đặt vấn đề.

“Khi triển khai các dự án BOT giao thông, chúng ta cứ nói chung chung là hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và DN? Thế nhưng thế nào là hài hòa" - ông Đông nêu câu hỏi và bức xúc: “Nếu hài hòa thì tại sao khi triển khai những dự án đầu tư theo hình thức BOT các cơ quan chức năng lại không công khai, minh bạch? Tại sao không thể công khai được cụ thể chi phí xây dựng là bao nhiêu, chi phí đó đã có sự cọ xát cạnh tranh thị trường hay chưa?” Theo ông Đông, để giải quyết, giảm những chi phí không hợp lý cho DN và người dân thì phải làm quyết liệt, các bộ, ngành và các đơn vị liên quan cần đối thoại trực tiếp với nhau. Cần phải công khai hóa, chứ không thể để tù mù được.

Trạm thu phí đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn. Ảnh: Thanh Hải

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tư nhân Việt Nam Ngô Văn Điển cũng phàn nàn rằng, DN đang phải "gánh" rất nặng chi phí BOT khi chỉ riêng QL1A đã tồn tại hàng chục trạm thu phí. "Chủ nghĩa thân hữu đang làm méo mó mọi thứ, khiến DN nặng gánh chi phí chính thức và phi chính thức" - ông Điển nói.

Theo các chuyên gia, nhiều dự án BOT giao thông xuất phát từ sự thỏa hiệp giữa nhà đầu tư (NĐT) và một số quan chức nhà nước. NĐT đề xuất và nhà nước cho chủ trương, chứ không phải từ quy hoạch tổng thể của ngành giao thông và được Quốc hội hay HĐND cấp tỉnh, TP phê duyệt. Chính vì vậy mà hình thành nhóm lợi ích (mối quan hệ giữa NĐT và một số quan chức nhà nước) từng dự án riêng lẻ. Nhóm lợi ích này sẽ đầu tư chi phí để chạy, lách luật với mục đích phê duyệt dự án và chỉ định thầu không thông qua đấu thầu công khai, minh bạch theo đúng Luật Đầu tư công; Luật Đấu thầu.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông khẳng định, để khu vực tư nhân chiếm tỷ trọng cao hơn trong nền kinh tế, DN cần có môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, giảm được chi phí bất hợp lý, giảm được sự trao đổi trực tiếp giữa con người và con người trong hoạt động hành chính. Có nghĩa phải xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp các dịch vụ công thông qua trực tuyến. “Càng công khai minh bạch bao nhiêu giảm thiểu được chi phí phi chính thức bấy nhiêu. Phải điện tử hóa tất cả dịch vụ công để tránh tiếp xúc trực tiếp, phát sinh tiêu cực…” - ông Đông chia sẻ.

Hàng loạt địa phương lên tiếng

Trong một diễn biến khác, mới đây UBND các tỉnh, TP như Bình Định, Đồng Nai, Cần Thơ… đã đề nghị Bộ GTVT xem xét cho điều chỉnh giảm mức phí qua một số trạm BOT nằm trên địa bàn.

Cụ thể, UBND tỉnh Bình Định đề xuất giảm phí BOT qua 3 trạm, tại các vị trí Km1148+1300, huyện Hoài Nhơn, tuyến QL1; Km1212+550, thị xã An Nhơn tuyến QL1 và Km49+550, huyện Tây Sơn, tuyến QL19. Mức giảm phía UBND tỉnh Bình Định đề nghị lần lượt là 50% với vé quý, 40% với vé tháng và 20% với vé lượt trong phạm vi cách trạm 3km. Đối tượng được giảm là của người dân và DN sinh sống, hoạt động quanh khu vực trạm thu phí. Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh xây dựng phương án giảm giá dịch vụ tại trạm Quán Hàu (Quảng Bình) đảm bảo hài hòa lợi ích các bên trên nguyên tắc không ảnh hưởng đến tính khả thi về phương án tài chính của 2 dự án BOT QL1 tuyến tránh TP Đồng Hới và dự án BOT QL1 đoạn K672+600 - Km704+900. Một dự án BOT cũng đang nhận nhiều phản ứng từ phía người dân và lái xe tại An Giang, Kiên Giang đó là trạm thu phí T2 đặt tại Km 50+050 QL91, đoạn qua khu vực Thới Hòa 1, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Trạm phí này được đặt ở cuối QL91, ngay sát nút giao của QL80 nên xe đi từ QL80 đi vào Long Xuyên (An Giang) bắt buộc phải nộp phí dù chỉ sử dụng chưa tới 500m trên tuyến nối BOT. Cùng với đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi UBND tỉnh, Sở GTVT Đồng Nai và Công ty CP đầu tư Đồng Thuận - nhà đầu tư BOT tuyến tránh Biên Hòa và nâng cấp cải tạo QL1 về việc miễn, giảm mức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các hộ dân xung quanh trạm thu phí Km1842+912, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom.

Tương tự, Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL38 đoạn nối QL1 với QL5 qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương theo hình thức hợp đồng BOT cũng đang được nhà đầu tư hoàn thiện các công đoạn cuối cùng để nghiệm thu. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng và thu phí chính thức trong tháng 9 tới, trạm thu phí đặt tại vị trí Km11+625, QL38 thuộc địa phận xã Tân Chi, huyện Tiên Du (Bắc Ninh). Công ty CP BOT38 đã khảo sát các phương tiện ô tô của Nhân dân quanh trạm thu phí. Tuy nhiên, UBND tỉnh Bắc Ninh và Công ty CP BOT3 8 chưa xác định cụ thể phạm vi ảnh hưởng của các hộ dân có ôtô xung quanh vị trí đặt trạm. Vì thế, nhà đầu tư đề nghị Bộ GTVT xem xét, hướng dẫn nhằm xác định mức độ bán kính ảnh hưởng làm cơ sở lập danh sách đối tượng được giảm giá, tính toán phương án tài chính trình Bộ chấp thuận.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần