Bức tranh “Cô gái Thỏ” được bán với giá 25.000 USD

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bức tranh “Cô gái Thỏ” của họa sĩ trẻ Nguyễn Phan Bách được bán đấu giá với số tiền lên tới 25.000 USD tại Nhà Đấu giá Chọn (Chọn Auction House) cho thấy tranh của các họa sĩ Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà sưu tầm tranh và giới tài phiệt.

Vì sao “Cô gái Thỏ” có giá 25.000 USD?

Sự xuất hiện của ông Christopher, Tổng giám đốc điều hành Playboy tại Việt Nam dường như làm cho phiên đấu giá tranh lần thứ hai của “Chọn Auction House” (ngày 19/03/2017, tại 27 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) trở nên sôi nổi hơn. Một nhà sưu tầm tranh có mặt hôm đó đã nói: “Muốn mua bức tranh nào thì kiểu gì ông ấy cũng thắng”. Với tiềm lực tài chính mạnh như Playboy, người ta không ngạc nhiên khi ông Christopher đã đấu giá thắng bức tranh “Cô gái Thỏ” với giá 25.000 USD, sau nhiều lần tăng giá.
Bức tranh “Cô gái Thỏ” của họa sĩ trẻ Nguyễn Phan Bách (con trai nhà văn nổi tiếng Nguyễn Huy Thiệp) được sáng tác trong series 6 tác phẩm giới hạn của anh và đang được giới thiệu tại hệ thống Saatchi London. Một trong số đó đã thuộc về một nhà sưu tầm tại London.

Trong bức tranh “Cô gái Thỏ” là hình cô gái khỏa thân, đeo chiếc mặt nạ thỏ, tay phải đặt trên chiếc đèn. Trong quan niệm biểu tượng học của người phương Đông, chiếc đèn không chỉ là ánh sáng, mà còn là sự soi rọi con đường đi, còn là biểu tượng của thời gian. Thời gian thì cứ thế trôi đi. Con người thì ngày càng làm ra những sản phẩm công nghiệp, công nghệ hiện đại hơn để phục vụ cho mình. Bóng đèn điện, Tivi, những chiếc Iphone đời thượng... Nhưng ngọn đèn- biểu tượng của ánh sáng, của sự soi đường, của niềm tin và hy vọng thì cứ sống mãi trong tâm khảm người phương Đông.

Vì sao ông Christopher lại quyết mua bằng được tác phẩm “Cô gái Thỏ” của Nguyễn Phan Bách? Chúng ta hãy nghe chính ông Christopher: “Tôi cảm nhận chiều sâu của tác phẩm này. Đây là sự giao thoa văn hóa Đông- Tây”.
Vâng, thương hiệu Playboy và mẫu thiết kế logo hình tượng con Thỏ đã trở thành một trong những mẫu thiết kế ấn tượng nhất và có ảnh hưởng nhất trong lịch sử thiết kế đồ họa, quảng cáo... Con thỏ đã được chọn làm biểu tượng của Playboy. Hàng hóa của Playboy có thể được tìm thấy trong hầu hết bất cứ nơi đâu, bao gồm cả đồ trang sức, quần áo, tiện ích.v.v... Giải trí, văn hóa, hàng hóa của Playboy đang bắt đâu hấp dẫn người Việt Nam hơn. Có thể vì thế mà khi đi tới cuộc đấu giá này, “Biểu tượng giải trí và văn hóa Playboy tại Việt Nam”- ông Christopher đã khẳng định “Cô gái Thỏ” phải thuộc về Playboy!”.

Thú chơi của những nhà sưu tầm chuyên nghiệp

Tình cờ có mặt tại phiên đấu giá, thú thực, tôi không nghĩ của nó lại thành công như vậy. Mặc dù mọi thứ chưa thật hoàn mỹ, nhưng cung cách tổ chức của Nhà đấu giá Chọn có thể nói là chuyên nghiệp. Điều đáng ghi nhận không chỉ bởi, với 15 bức tranh của 10 họa sĩ đã được các nhà sưu tầm nghệ thuật và những người yêu mến hội họa “rinh” hết ngay trong hơn 2 tiếng đồng hồ đấu giá đầy sôi nổi, mà qua phiên đấu giá tôi bất chợt nhận ra rằng, làn sóng đầu tư các tác phẩm nghệ thuật bắt đầu lan rộng tại Việt Nam qua Nhà Đấu giá Chọn (Chọn Auction House), đặc biệt là có sự tham gia của giới tài phiệt phương Tây như Ông Peter Ryder, Tổng giám đốc Quỹ Indo Capital (người đấu thắng 3 tác phẩm của các tác giả Nguyễn Trọng Kiệm, Đinh Quân và Cao Thương); ông Christopher, Tổng giám đốc điều hành Playboy tại Việt Nam (người đấu thắng tác phẩm “Cô gái Thỏ” của Nguyễn Phan Bách); giới ngân hàng, tài chính, các nhà sưu tầm nghệ thuật nổi tiếng của Việt Nam như nhà sưu tầm trẻ -bà Ngô Tường Tuyết Ngân (đấu thắng tác phẩm “Bửa ăn gia đình” của Nguyễn Như Ý); Nữ doanh nhân và sưu tầm nghệ thuật Lan Vũ (thắng tác phẩm “Khôn cùng” của danh họa Phạm Lực).