Bức tranh kinh tế - xã hội Hà Nội sau 10 năm mở rộng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính, diện mạo đô thị Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế tăng trưởng nhanh, ổn định. Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí đầu tầu, là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế cả nước.

Tăng trưởng kinh tế gấp 1,9 lần, FDI dẫn đầu

Trong 10 năm 2008 - 2018, kinh tế Hà Nội tăng trưởng bình quân 7,41%/năm, gấp gần 1,3 lần mức tăng bình quân chung cả nước là 6%; Quy mô GRDP năm 2017 đạt 519.568 tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với năm 2008; GRDP bình quân đầu người theo đó tăng lên, năm 2017 đạt 86 triệu đồng (khoảng 3.910 USD/người), gấp 2,3 lần so với 1.697 USD/người vào năm 2008. Đặc biệt, thu nhập của người nông dân đã tăng từ 13 triệu lên 38 triệu đồng/người/năm (khoảng 2,92 lần)...
 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các DN tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển”. Ảnh: Phạm Hùng
Tổng mức bán lẻ tăng từ 132.837 tỷ lên 288.955 tỷ đồng (2,18 lần); Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 6,9 tỷ USD lên 11,78 tỷ USD (1,7 lần). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng tăng, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm. Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao tiếp tục được phát triển.

Khách quốc tế từ 1,3 triệu lượt năm 2008 tăng lên 4,95 triệu lượt năm 2017 (tăng xấp xỉ 4 lần). Thị phần khách quốc tế tăng lên chiếm xấp xỉ 40% lượng khách cả nước. Hà Nội tiếp tục khẳng định là trung tâm du lịch, là nguồn phân phối du khách lớn của khu vực phía Bắc, cầu nối đưa khách du lịch trong ASEAN và các nước trong khu vực.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khả quan, đặc biệt nhờ cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, 7 tháng đầu năm 2018, Hà Nội vươn lên dẫn đầu cả nước về FDI. Số DN trên địa bàn không ngừng tăng lên. Tín dụng tăng trưởng tốt, bình quân hàng năm đạt khoảng 21,7%. Thu ngân sách giai đoạn 2008 - 2017 liên tục đạt và vượt dự toán, bình quân hàng năm tăng 12,69%/năm. Năm 2017, thu ngân sách ước thực hiện 212.276 tỷ đồng, gấp 2,93 lần năm 2008. Cân đối ngân sách luôn đảm bảo theo dự toán T.Ư và HĐND TP giao, góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
 
Các chính sách, an sinh xã hội được đảm bảo. Tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội đã giảm từ 8,43% đầu năm 2009 xuống còn 1,69% cuối năm 2017; hiện nay trên địa bàn không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn. GD&ĐT được chú trọng đầu tư, chất lượng được giữ vững.

10 năm qua hạ tầng kỹ thuật của TP được đầu tư rất mạnh, bộ mặt đô thị, nông thôn đã có nhiều thay đổi, tạo diện mạo mới cho Thủ đô. Nhiều dự án khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang hình thành: Văn Quán, Mỹ Đình, Mỗ Lao, An Khánh về phía Tây; Việt Hưng, Vinhomes Riverside về phía Đông; Linh Đàm, Garmuda về phía Nam; Ciputra ở phía Bắc;… cùng với các khu đô thị mới trong vành đai 3 như Royal City, Times City, Trung hòa Nhân Chính… Các công trình giao thông, dự án trọng điểm được đẩy nhanh. Bên cạnh đó, hạ tầng nông thôn được chú trọng đầu tư, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đến nay đạt 76,17% - dẫn đầu cả nước, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.

Sức mạnh tập thể, phát huy lợi thế và ứng dụng KHCN

Ngay từ sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 15/2008/QH12, TP triển khai tích cực công tác tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính TP Hà Nội, tạo ra sức mạnh mới đoàn kết, đồng tâm hợp lực giải quyết những khó khăn trước mắt, thực hiện tốt các yêu cầu nhiệm vụ của Thủ đô trong tình hình mới, tạo không khí phấn khởi của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô. “10 năm qua, dù bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động, thách thức, nhất là sự chênh lệch về mức độ phát triển giữa các vùng miền, lượng công việc phải thực hiện lớn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, phát huy lợi thế, vượt qua thách thức”- Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Đức Chung chia sẻ.
 
TP cũng huy động tối đa mọi nguồn lực tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung làm cơ sở để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Tập trung cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Triển khai đồng bộ, có hiệu quả việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng CNTT trong tiếp nhận và giải quyết TTHC tại cơ quan hành chính. Nâng cao xếp hạng chỉ số PAPI.

Là địa phương sớm đi đầu ứng dụng CNTT, Hà Nội đã đẩy mạnh đầu tư và thực hiện ứng dụng CNTT một cách bài bản trong giảm thời gian, chi phí thực hiện các quy định của Nhà nước, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lĩnh vực tư pháp, đăng ký kinh doanh, các lĩnh vực khác. Ứng dụng trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều lĩnh vực, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong giáo dục triển khai hệ thống sổ điểm điện tử, lĩnh vực y tế, quản lý đô thị... Hà Nội là TP đầu tiên triển khai diện rộng hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử cho Nhân dân và hệ thống quản lý tầm soát ung thư sớm trên địa bàn... ứng dụng iParking tại các điểm trông giữ phương tiện có hiệu quả... KH - CN thực sự trở thành đòn bẩy, động lực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
 Sản xuất thiết bị điện tử tại Khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải
Hướng đến tăng trưởng xanh

Hà Nội đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 3 năm 2018 - 2020 đạt trên 7,4%/năm (theo cách tính mới), tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; dịch vụ chất lượng cao đóng vai trò trọng yếu trong cơ cấu kinh tế; GRDP bình quân/người đến năm 2020 đạt 140 - 145 triệu đồng; năng suất lao động bình quân tăng 6,5%/năm; tốc độ kim ngạch xuất khẩu 13 - 14%/năm; Huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 2,5 - 2,6 triệu tỷ đồng.

Để thực hiện được các nhiệm vụ nêu trên, Hà Nội đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm lớn. Trong đó nổi bật là việc tập trung quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của Thủ đô. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế, triển khai đồng bộ 3 đột phá chiến lược, bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh, bền vững; phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Xây dựng chính quyền đô thị, ứng dụng các thành tựu công nghệ hiện đại từ cuộc CMCN 4.0 để hoàn thiện hệ thống quản lý và cơ sở hạ tầng quy hoạch đô thị, từng bước xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành TP thông minh trong tương lai gần.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế T.Ư Nguyễn Đình Cung nhận xét, trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế và hợp tác kinh tế vùng, địa bàn Thủ đô rộng và trọng điểm luôn đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi cao, có tính chất đặc thù. Các xu hướng toàn cầu như đô thị hóa, số hóa, lưu động hóa, những thay đổi trong thị trường lao động cũng như quá trình biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên thiên nhiên đang tạo ra những ảnh hưởng rõ rệt. Các đô thị đang đứng trước thách thức phải tìm ra giải pháp và các mô hình kinh tế mới để thích nghi.

Ý thức được vấn đề này, lãnh đạo TP Hà Nội nhấn mạnh, mục tiêu trọng tâm là xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội một cách bền vững, với hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử, với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh. Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành TP “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao; có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi.

Cụ thể chiến lược tăng trưởng xanh là yêu cầu cấp thiết

“Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là một trong những TP có tốc độ phát triển mạnh trong vài thập kỷ gần đây. Trong quá trình vận động, Hà Nội chịu nhiều áp lực dân số lớn, quá tải giao thông... bởi các tác động từ điều kiện kinh tế - xã hội - môi trường từ định hướng phát triển vùng, các quan hệ liên kết nội ngoại vùng. Việc cụ thể hóa chiến lược tăng trưởng xanh là một yêu cầu cấp thiết”. - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế T.Ư Nguyễn Đình Cung

Động lực phát triển kinh tế Bắc Bộ

Tỷ trọng đóng góp của Hà Nội trong Vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ và cả nước dù chỉ bằng 21,2% và 1% về diện tích, 41,7% và 8,1% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp tương ứng 51,1% và 16,46% về GRDP, 54,1% và 19,05% về thu ngân sách, 20,3% và 5,51% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kinh tế Thủ đô xứng đáng giữ vị trí đầu tầu và là động lực phát triển Vùng KTTĐ Bắc Bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước.


Ngành công nghệ thông tin Hà Nội có bước phát triển nhanh

Xây dựng đô thị thông minh an toàn, thân thiện được thực hiện dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng 4.0. CNTT Hà Nội có bước phát triển nhanh. Đến hết năm 2017, có 11.018 DN CNTT, trong đó 4.955 DN hoạt động lĩnh vực phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT; 589 DN sản xuất, lắp ráp, cung cấp sản phẩm, dịch vụ phần cứng - điện tử; 5.474 DN buôn bán các sản phẩm CNTT. TP đã công nhận Khu CNTT tập trung Cầu Giấy; phê duyệt chủ trương đầu tư Khu Công viên phần mềm (xã Nguyên Khê và Tiên Dương, huyện Đông Anh); khai trương và chính thức đưa Vườn ươm DN CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội đi vào hoạt động có hiệu quả từ ngày 9/1/2017, đến nay đã có 14 nhóm khởi nghiệp được chính thức tiếp nhận trên tổng số 27 hồ sơ dự án/ý tưởng đăng ký.