Nhân sỹ Bùi Bằng Đoàn – người có đóng góp to lớn với cách mạng Việt Nam

Trần Long - Ảnh: Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 9/9, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Văn phòng Quốc hội và Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Bùi Bằng Đoàn với cách mạng Việt Nam”.

Tham dự hội thảo có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Bí thư T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên T.ƯĐảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Thanh Long. Đại biểu TP Hà Nội dự hội thảo có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng.
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tham luận tại hội thảo.
Cụ Bùi Bằng Đoàn (Sinh ngày 19/9/1889) trong một gia đình nhà Nho tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc TP Hà Nội). Ngày 6/1/1946, tại cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên được tổ chức trong phạm vi toàn quốc, cụ Bùi Bằng Đoàn với chức danh cố vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I và đã trúng cử đại biểu của tỉnh Hà Đông với số phiếu bầu rất cao. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, cụ Bùi Bằng Đoàn được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Thường trực Quốc hội. Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I (tháng 11/1946), cụ được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Trên cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội (nay là Chủ tịch Quốc hội), cụ Bùi Bằng Đoàn đã phát huy vai trò, trách nhiệm và có những đóng góp cho hoạt động lập pháp, nhất là việc tập hợp lực lượng đoàn kết toàn dân, kháng chiến chống Pháp...
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, cụ Bùi Bằng Đoàn là người có nhân cách tốt đẹp của một người chí sĩ yêu nước, vì nước, vì dân, có tài năng đức độ. Trên cương vị của một nhà lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, cụ đã luôn nêu cao tinh thần “Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư” và đem tài năng, trí tuệ, sức lực để bảo vệ Tổ quốc, Nhân dân, phục vụ cách mạng.
Tham luận tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nêu rõ, ghi nhận những cống hiến, công lao, đóng góp to lớn của cụ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã truy tặng cụ Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương độc lập hạng Nhất. Đồng thời, TP Hà Nội đã đặt tên một con đường mang tên Bùi Bằng Đoàn.
Phát huy tinh thần yêu nước của cụ Bùi Bằng Đoàn cũng như các bậc tiền bối khác, Hà Nội đẩy mạnh xây dựng Thủ đô và tập trung vào các nội dung như: Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt có bản lĩnh chính trị vững vàng, trong sáng về đạo đức, lối sống, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường; phấn đấu xây dựng TP Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Đặc biệt, nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn, Hà Nội nguyện tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sự phát triển bền vững của Thủ đô. Đó là ý chí, quyết tâm, hành động cách mạng thiết thực, có ý nghĩa cao đẹp nhất để tưởng nhớ, tri ân chí sĩ yêu nước Bùi Bằng Đoàn với những đóng góp to lớn của cụ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của Đảng bộ Hà Nội trong thời kỳ mới.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần