Bụi mịn - “sát thủ thầm lặng”

Phương Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại các TP lớn, ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm do bụi mịn PM 2.5 đang trở thành “sát thủ thầm lặng” với nhiều người dân.

Chất lượng không khí không đảm bảo có thể gây bệnh về đường hô hấp, tim, ung thư.
Bụi mịn PM 2.5 sinh ra từ đâu?
Ô nhiễm không khí thường được đánh giá bởi ô nhiễm hạt gồm bụi lơ lửng, bụi mịn PM 2.5, bụi PM10 và cả các chất khí SO2, NO2, CO, O3, CO, VOCs (các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi)…Bụi PM 2.5 là tác nhân ô nhiễm quan trọng nhất đối với sức khỏe do có khả năng lắng đọng, thẩm thấu, di chuyển trong phổi.
Theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng không khí xung quanh của Bộ TN&MT, bụi PM 2.5 là tổng các hạt bụi lơ lửng có đường kính động học nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micro, chưa đến 1/30 - 1/20 đường kính của sợi tóc.

"Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến hệ hô hấp sẽ gây nên tình trạng kích ứng đường hô hấp. Vì thế, những người có bệnh lý hô hấp như phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản hoặc nhiễm trùng đường hô hấp, tình trạng khó thở tăng lên, đáp ứng điều trị kém đi.

Ngoài ra, nếu tiếp xúc lâu dài với nồng độ ô nhiễm trong không khí cao cũng dẫn đến các bệnh lý khác. Người già, trẻ em và những người mắc bệnh phổi, bệnh tim mạn tính là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất. Bên cạnh đó, những loại khẩu trang giấy, vải chỉ ngăn được bụi lớn, không ngăn được bụi nhỏ như PM 2.5, PM 10 mà cần dùng các loại khẩu trang đặc biệt như N95." - GS.TS Ngô Quý Châu 

- Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

Theo TS Trần Thị Tuyết Hạnh - giảng viên Sức khỏe Môi trường, Đại học Y tế công cộng, bụi trong không khí nói chung và bụi PM 2.5 thường phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau. Chẳng hạn từ khí thải của các phương tiện giao thông, hoạt động của các nhà máy công nghiệp, hoạt động xây dựng, đốt rơm rạ, đun nấu và sưởi ấm bằng than, củi, từ khói thuốc lá… Người dân sống ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có mật độ giao thông cao, nhiều công trình xây dựng, nhà máy… nên có nguy cơ bị phơi nhiễm với bụi PM 2.5 và các chất ô nhiễm không khí.
Tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính
Ảnh hưởng đến sức khỏe của bụi mịn sẽ tùy theo thành phần, tính chất có thể sẽ dẫn đến nhiễm độc, ung thư, hen… Nhóm dễ bị ảnh hưởng là người cao tuổi, phụ nữ có thai, có thể gây ảnh hưởng bào thai, trẻ em, người có bệnh sẵn… TS Trần Thị Tuyết Hạnh phân tích, vì có kích thước rất nhỏ nên bụi PM 2.5 rất nguy hiểm, có khả năng đi sâu vào tận các phế nang trong phổi và vào máu. Mỗi ngày con người hít thở khoảng 10.000 lít không khí hoặc hơn tuỳ vào lứa tuổi và hoạt động thể lực. Nếu nồng độ bụi PM 2.5 trong không khí cao thì mức phơi nhiễm hàng ngày lớn, từ đó tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe cấp tính và mãn tính.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, phơi nhiễm với bụi PM 2.5 làm tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong. Cụ thể là các bệnh như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính viêm phổi, các chứng bệnh hô hấp, tim mạch, tiểu đường và ung thư phổi. Vì thế, các chuyên gia khuyên, trong những thời điểm khi chỉ số AQI (các chỉ số về mức độ an toàn của không khí) ở mức kém, xấu đến nguy hại (thể hiện bằng màu cam, đỏ, tím, nâu) người dân nên giảm các hoạt động thể lực, hạn chế ra đường đặc biệt là giờ cao điểm. Nếu phải ra ngoài đường thì nên sử dụng khẩu trang loại tốt có thể lọc bụi PM 2.5.
Tại gia đình, nên mở cửa sổ thông gió vào những ngày chất lượng không khí ngoài trời tốt để giúp giảm nồng độ bụi, chất ô nhiễm không khí tích tụ trong nhà và không hình thành nấm mốc. Đồng thời chú ý hạn chế thắp hương, đốt vàng mã, thường xuyên vệ sinh nhà sạch sẽ để loại bỏ bụi, vi sinh vật, nấm mốc gây bệnh, trồng một số loại cây trong và xung quanh nhà có khả năng làm sạch không khí…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần