Bùi Thị Minh Hằng - Sự thật về một nhân vật đang bị lợi dụng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - LTS - Bản chất thực sự của nhân vật Bùi Thị Minh Hằng là như thế nào? Hằng có phải đang chống phá, gây mất trật tự trị an trong xã hội hay đang bị lợi dụng với những mưu đồ xấu?... Tất cả sẽ được sáng tỏ trong loạt bài viết "Bùi Thị Minh Hằng - Sự thật về một nhân vật đang bị lợi dụng".

Bài 1: Vì sao Bùi Thị Minh Hằng phải đưa vào cơ sở giáo dục ?

Ngày  8/11/2011, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 5225/QĐ-UBND áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục đối với Bùi Thị Minh Hằng về hành vi gây rối trật tự công cộng. Qua xác minh, Hằng sinh năm 1964, quê quán ở thôn Liên Châu, Hồng Châu,Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Hộ khẩu thường trú hiện nay  ở 106 Lê Hồng Phong, Phường 4, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo quyết định nói trên của UBND thành phố, Hằng đã có hành vi gây rối trật tự công cộng, nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự (theo Quy định tại điều 25 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002). Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục đối với Bùi Thị Minh Hằng là 24 tháng, kể từ ngày được đưa đi chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục. Nơi chấp hành quyết định là cơ sở giáo dục Thanh Hà, tại xã Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. 

Nhớ lại thời điểm cuối năm 2011, Bùi Thị Minh Hằng liên tục có những hành vi gây rối trật tự công cộng quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Sau mỗi lần vi phạm, Hằng đều được tuyên truyền, vận động, giáo dục nhiều lần. Tuy nhiên, Bùi Thị Minh Hằng vẫn ngoan cố, thách  thức chính quyền, bất chấp pháp luật, liên tục có hành vi gây rối trật tự công cộng, bản thân không có nơi ở cố định.

Với những vi phạm này, căn cứ vào điểm c, khoản 1, Điều 3 NĐ 76/2003/NĐ-CP ngày 27/6/2003 của Chính phủ; điểm đ khoản 1, Điều 1 Nghị định 125/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 76/2003/NĐ-CP ngày 27/6/2003, Bùi Thị Minh Hằng đủ tiêu chuẩn để đưa đi cơ sở giáo dục.

Ngày 27/10/2011, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đã đề nghị Hội đồng tư vấn thành phố đưa Bùi Thị Minh Hằng đi cơ sở giáo dục,  thời hạn 24 tháng. Ngày 1/11/2011, Hội đồng tư vấn thành phố đã có báo cáo đề nghị UBND TP Hà Nội ra Quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục đối với Bùi Thị Minh Hằng. Ngày 8/11/2011, UBND thành phố có Quyết định số 5225/QĐ-UBND về việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục thời hạn 24 tháng đối với Bùi Thị Minh Hằng.

 Trung tá Đào Vũ Đông, Phó Giám thị trại Thanh Hà cho biết: "Cơ sở giáo dục Thanh Hà có 3 phân khu quy mô quản lý 3.000 - 3.500 trại viên, nhưng hiện nay có 1.800 trại viên. Trường hợp trại viên Hằng được trại tiếp nhận từ 28/11/2011 từ Công an quận Hoàn Kiếm. Chúng tôi nói việc chị đúng hay sai sẽ có cơ quan chức năng trả lời còn khi đã vào đây là phải thực hiện đúng theo quy định của trại".

 "Tại đây, chúng tôi tổ chức cho các trại viên một số hoạt động vui chơi, trong đó chị Hằng cũng tham gia. Đợt gần đây nhất tổ chức hoạt động gặp mặt chị em nữ nhân dịp 8/3. Trại viên Hằng thời gian đầu tỏ ra lễ phép với cán bộ nhưng sau đó lại đòi hỏi nhiều thứ không được phép. Khi không đáp ứng được nguyện vọng đã tỏ ra không tôn trọng với cán bộ. Theo quy định, đối tượng được thăm gặp bao gồm bố mẹ anh chị em ruột, vợ hoặc chồng, cô dì chú bác ruột, con đẻ nhưng phải có xác nhận của chính quyền địa phương người đi thăm gặp ấy có mối quan hệ này. Còn đối tượng khác là cơ quan tòa án, công an, viện kiểm soát và các ban, ngành đến làm việc công việc có liên quan. Tại cơ sở giáo dục này, các trại viên được học văn hóa, học tôn trọng người khác, hành vi, lời nói, quyền và nghĩa vụ trách nhiệm của trại viên...", Trung tá Đông kể.

Tại trại Thanh Hà chúng tôi cũng đã được gặp một số trại viên để nghe họ tâm sự về cuộc sống cũng như sinh hoạt trong trại. Một trại viên nữ cho biết "Các trại viên cho biết ở đây đều được các cán bộ tạo điều kiện tốt nhất. Vào đây chúng em ai cũng ý thức được tội lỗi của mình để cải tạo thật tốt, mong sớm được về với gia đình. Song với chị Hằng lại khác. Từ lúc vào trại đến bây giờ, chị ấy luôn gây chuyện, không chấp hành nội quy của trại".

Có thể nói, Quyết định 5225/QĐ-UB của UBND TP Hà Nội đã thể hiện rõ chủ trương khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Nói vậy là bởi việc xử lý hình sự đối với Bùi Thị Minh Hằng là hoàn toàn có cơ sở. Nhưng nhằm giữ nghiêm kỷ cương phép nước, việc đưa Bùi Thị Minh  Hằng vào cơ sở giáo dục là cần thiết, để quản lý, cải tạo và giáo dục Bùi Thị Minh  Hằng trở thành công dân tốt.

Nghị định 76/2003/NĐ-CP của Chính phủ

Điều 3. Đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục

1. Đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục bao gồm những người có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây có tính chất thường xuyên (có từ hai lần vi phạm trở lên trong một năm), nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn  hoặc chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng không có nơi cư trú nhất định :

c) Gây rối trật tự công cộng; chống người thi hành công vụ;

Nghị định 125/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 về quy định và hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục:

Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 3. Đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục

1. Người có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây có tính chất thường xuyên (có từ hai lần vi phạm trở lên trong thời hạn 12 tháng), nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng không có nơi cư trú nhất định:

d) Gây rối trật tự công cộng; chống người thi hành công vụ".

 

Bài 2: Sự thật về “nhân vật của năm...”

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần