Bùng nổ các gói hỗ trợ lao động trên toàn thế giới trong dịch Covid-19

TS. Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra hàng loạt vụ phá sản ở mỗi quốc gia, cũng như trên toàn cầu; kéo theo đó là việc giảm tổng cầu xã hội và gia tăng nạn thất nghiệp, gây áp lực mạnh đến công tác bảo đảm an sinh, thu nhập, việc làm theo cả quy mô quốc gia và quốc tế. Trong bối cảnh đó, nhiều nước đã tung ra các gói cứu trợ trị giá hàng tỷ USD để giúp DN và người lao động vượt qua khó khăn trước mắt…

Cảnh báo số lượng thất nghiệp tăng mạnh
Theo báo cáo đánh giá sơ bộ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) “Covid-19 và thế giới việc làm: Tác động và giải pháp”, cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động do dịch Covid-19 gây ra có thể làm tăng thêm 25 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu, so với số lượng người thất nghiệp sẵn có là 188 triệu người trong năm 2019.
Covid-19 tác động đáng kể đến các nền nền kinh tế châu Á. (Ảnh minh họa: SCMP)
Hàng triệu người lao động sẽ phải rơi vào tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, giảm giờ làm và tiền lương và rớt xuống dưới chuẩn nghèo. Nhóm lao động tự làm ở các nước đang phát triển, vốn thường là tấm đệm giúp làm nhẹ bớt độ xung của những tác động do những thay đổi đột ngột mang lại, thì lần này sẽ không còn tác dụng vì những hạn chế di chuyển đối với con người và hàng hóa.
Giảm số lượng việc làm đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu nhập lớn cho người lao động, ước tính con số này tương đương từ 860 tỷ USD đến 3,4 nghìn tỷ USD trong năm 2020. ILO ước tính, sẽ có thêm từ 8,8 đến 35 triệu người lao động rơi vào đói nghèo trên khắp thế giới, so mức ước tính trước đây cho năm 2020 (là giảm 14 triệu người).
Ngoài ra, tác động của cuộc khủng hoảng việc làm tới một số nhóm lao động sẽ không đồng đều và làm gia tăng bất bình đẳng. Những người bị ảnh hưởng lớn bao gồm những người được bảo vệ ít hơn và làm những công việc được trả lương thấp, nhất là lao động trẻ và lao động cao tuổi.
Phụ nữ và lao động di cư cũng thuộc nhóm này. Lao động di cư dễ bị tổn thương vì họ thường không được hưởng đầy đủ quyền lao động và an sinh xã hội. Trong khi đó, phụ nữ thường chiếm số đông trong nhóm các công việc lương thấp và các ngành kinh tế bị tác động bởi dịch bệnh.
ILO cũng kêu gọi thực hiện các biện pháp khẩn cấp, quyết đoán; trên diện rộng và đồng bộ ở cả ba trụ cột: Bảo vệ người lao động tại nơi làm việc, kích thích nền kinh tế và việc làm và hỗ trợ việc làm và thu nhập.
Những biện pháp này bao gồm: Mở rộng an sinh xã hội, hỗ trợ khả năng giữ việc làm (như giảm thời giờ làm việc, nghỉ phép có lương và các trợ cấp khác); giảm thuế và hỗ trợ tài chính cho các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa; hỗ trợ cho vay và hỗ trợ tài chính đối với một số ngành kinh tế cụ thể; tăng cường đối thoại xã hội - đối thoại giữa người lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức đại diện của họ; xây dựng niềm tin của công chúng và các tiêu chuẩn lao động quốc tế cập nhật…
Bài toán đau đầu cho các nền kinh tế
Doanh nghiệp Trung Quốc đối mặt với vấn đề tìm kiếm khách hàng khi quay trở lại kinh doanh sau kỳ nghỉ dài bởi đại dịch Covid-19. (Nguồn: AP)
Trung Quốc: Theo Công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, tỷ lệ thất nghiệp do dịch Covid-19 tại Trung Quốc đã tăng từ 5,2% lên 6,2%, tương đương 5 triệu người bị mất việc làm. Con số này không kể đến người lao động nhập cư, người lao động chưa thể trở lại làm việc, hay không có hợp đồng chính thức.
Công ty này ước tính dịch Covid-19 có thể khiến những người lao động nhập cư ở Trung Quốc tổn thất đến 800 tỷ NDT (115 tỷ USD) vì không có thu nhập. Tổng cầu xã hội của Trung Quốc đang và sẽ giảm cả do sự căng thẳng về nguồn thu nhập của người lao động mất việc, cũng như do tâm trạng lo âu dẫn đến tăng tiết kiệm “phòng cơ” của người dân.
Theo một cuộc khảo sát của Rong360.com, 64,4% người cho biết sẽ hạn chế chi tiêu sau khi dịch bùng phát, chỉ có 31,4% người không thay đổi thói quen chi tiêu. Nền kinh tế Trung Quốc trong quý I/2020 sẽ thu hẹp kỷ lục lần đầu tiên kể từ năm 1976.
Đây là một cú sốc, một cuộc suy thoái tạo nên một Trung Quốc khác sau cơn đỉnh của dịch, nhiều DN có thể đạt công suất 70%, 80% đến 90%, song nguồn cung trở nên thừa thãi vì không có đủ nhu cầu trên thị trường cả trong nước và nước ngoài. Nhiều DN Trung Quốc đã bị đối tác đề nghị hoãn thanh toán hoặc từ chối, hủy đơn hàng. Điều này đồng nghĩa với thu hẹp thị trường việc làm tương lai của hàng chục triệu lao động Trung Quốc và các nước.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tung ra một loạt giải pháp hỗ trợ DN và người lao động, như hướng lãi suất thị trường xuống mức thấp hơn và hỗ trợ thanh khoản để giúp các công ty bị ảnh hưởng bởi dịch; hỗ trợ thêm thanh khoản cho một số ngân hàng thông qua việc thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR).
Ngày 20/2, Trung Quốc đã hạ lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn một năm thêm 0,1%, xuống 4,05%, và giảm lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm xuống 4,75%. Lãnh đạo Trung Quốc tin rằng sau khi dịch bệnh kết thúc, nhu cầu tiêu dùng và đầu tư bị dồn nén sẽ được giải phóng hoàn toàn, và nền kinh tế Trung Quốc sẽ hồi phục nhanh chóng.
Mỹ: Tình hình ở Mỹ xấu đi nhanh đến mức các nhà kinh tế của Morgan Stanley đã thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế trong quý II/2020 từ -4% xuống còn -30,1%; tỷ lệ thất nghiệp sẽ lên đến 12,8%, mức tiêu thụ giảm 31%. Số người nộp đơn xin hỗ trợ thất nghiệp ở Mỹ đang tăng lên mức kỷ lục, khoảng 3 triệu người.
Bank of America cho biết tình trạng công nhân nghỉ việc đang lan rộng khi các nhà máy đóng cửa hoặc dừng sản xuất. Trong khi đó, các bệnh viện cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thiết bị và nhân viên trong bối cảnh khủng hoảng. Hàng triệu người Mỹ đang được yêu cầu tự cô lập khi các trường hợp nhiễm Covid-19 ở nước này vượt qua 19.000 người, với hơn 260 người thiệt mạng.
45 tiểu bang đã đóng cửa các trường học, quán bar và nhà hàng. Bởi vậy, ngay trong nửa đầu tháng 3, Mỹ đã nhanh chóng thông qua gói tài chính trị giá 104 tỷ USD nhằm hỗ trợ người dân đối phó với những tác động của dịch Covid-19, cho phép người lao động Mỹ được nghỉ phép hưởng lương trong tình huống khẩn cấp và được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 miễn phí. 
Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) - Mỹ hôm 24/2 Ảnh: Reuetrs
Ngoài ra, người lao động vẫn được chi trả tối đa 10 ngày nghỉ ốm. Trước đó, một gói hỗ trợ 8,3 tỷ USD cũng được thông qua để các cơ quan y tế nghiên cứu và phát triển vaccine. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết, gói kích thích để chống tại tác động của Covid-19 với kinh tế Mỹ có thể tăng lên 2.000 tỷ USD, tương đương khoảng 10% GDP, để giữ các DN cùng tồn tại, người lao động được trả lương. Nếu được thông qua, gói kích thích lần này sẽ là gói cứu trợ thứ ba của Chính phủ Mỹ để giảm bớt tác động từ Covid-19.
Đặc biệt, ngày 15/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định hạ 1% lãi suất cơ bản, từ biên độ 1 - 1,25% hiện nay xuống còn 0 - 0,25%. Đây là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 2 tuần FED hạ lãi suất đồng USD, và cũng là lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008 - 2009 FED giảm lãi suất xuống thấp ở mức gần như tượng trưng như vậy; đồng thời thông báo kế hoạch mua vào ít nhất 700 tỷ USD trái phiếu nhằm bình ổn các thị trường tài chính…
Anh: Ngày 17/3, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunack đã công bố gói hỗ trợ cho các DN Anh vay trị giá 330 tỷ Bảng nhằm thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp Coivd-19 đang lan rộng ở nước này. Chính phủ Anh cũng cam kết sẽ bổ sung và làm "bất cứ điều gì" để giúp các công ty và người dân có đủ khả năng tài chính duy trì hoạt động kinh doanh sản xuất, chi trả lương cho nhân viên...
Trước mắt, Chính phủ sẽ cung cấp gói hỗ trợ thuế và các biện pháp khác trị giá 20 tỷ Bảng nhằm bảo vệ DN và hộ gia đình đang gặp khó khăn do dịch Covid-19. Thuế đối với bất động sản cho kinh doanh thương mại được miễn trong năm nay cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, vui chơi giải trí và du lịch.
Các cửa hàng, nhà hát, nhà hàng ăn sẽ không phải trả lãi suất vay ngân hàng trong 12 tháng, hay những người đang gặp tài chính khó khăn do Covid-19 được miễn trả lãi suất của khoản vay trả góp trong 3 tháng. Ngoài ra, gói hỗ trợ bằng tiền mặt trị giá 25.000 Bảng cho các công ty trong thời kỳ kinh doanh sản xuất gián đoạn cũng được đưa ra.
Đức: Chính phủ Đức dự báo nền kinh tế nước này năm 2020 sẽ giảm ít nhất 5%. Niềm tin tiêu dùng tại Đức tháng 4/2020 giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009, theo báo cáo của Viện nghiên cứu GfK cập nhật ngày 25/3, chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 4/2020 tại Đức tụt xuống mức 2,7 điểm, giảm sâu so với mức 8,3 điểm của tháng 3/2020. Đây là chỉ số thấp nhất được ghi nhận kể từ tháng 5/2009.
Trong tháng 3/2020, quốc hội nước này đã bỏ phiếu thông qua gói cứu trợ trị giá 1.100 tỷ Euro (1.200 tỷ USD) để ứng phó với tác động của dịch bệnh, do nhiều nhân viên buộc phải rút ngắn giờ làm hoặc đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, khảo sát chỉ ra người dân ước tính thu nhập giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm.
Pháp: Pháp có khả năng đối mặt với nguy cơ suy thoái trong năm 2020, và đã công bố gói hỗ trợ 45 tỷ Euro (khoảng 50,22 tỷ USD) cho các DN và người lao động chịu tác động của dịch Covid-19.
Đặc biệt, ngày 21/3 Ủy ban châu Âu (EC) đã phê chuẩn một đề xuất của Pháp để bảo đảm khoản viện trợ quốc gia lên tới 300 tỷ Euro (323 tỷ USD) nhằm hỗ trợ cho các DN chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, một tình huống chưa từng có từ trước đến nay.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết, ông sẵn sàng quốc hữu hóa các công ty lớn nhằm bảo vệ những công ty này khỏi bị phá sản. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc bơm vốn hoặc mua cổ phần, thậm chí quốc hữu hóa công ty trong trường hợp cần thiết.