Bùng nổ thanh toán online

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, để phòng tránh dịch hiệu quả, hành vi và thói quen tiêu dùng đã dần thay đổi, trong đó thanh toán của người dân theo xu hướng giảm các hình thức bằng tiền mặt sang gia tăng các hình thức phi tiền mặt như: Thẻ ngân hàng, ví điện tử, qua tài khoản ngân hàng và thanh toán trực tuyến…

Thanh toán online đang trở nên phổ biến hơn. Ảnh: Công Hùng
Tăng đột biến thanh toán không tiền mặt
Anh Nguyễn Hoàng Minh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, việc sử dụng các phương thức thanh toán điện tử ngày càng dễ dàng và thuận tiện khi mua sắm, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh như thế này. “Với các ứng dụng trực tuyến như Momo, Airpay, VNpay… chỉ cần ngồi nhà là tôi có thể đặt hàng từ đồ uống đến bữa ăn trưa mà không phải ra đường. Việc giao hàng cũng nhanh chóng và tiện ích, nhất là với các dịch vụ giao tại nhà, giao gần trong 15 phút hay giao đồng giá của các công ty như Ahamove, Lalamove, Grab...” - anh Minh hồ hởi nói.

Ngoài việc đi chợ online 3 tháng nay trên điện thoại qua ứng dụng của ngân hàng, chị Trần Thu Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, từ mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn tôi đều thực hiện trên ứng dụng SmartBanking. Ngoài ra, hàng tháng việc trả tiền điện, tiền nước, dịch vụ truyền hình... tôi cũng chọn cách thanh toán online trên điện thoại.

Trên thực tế, khi dịch Covid-19 bùng phát, người dân Việt Nam đã có ý thức chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế sự lây lan, truyền nhiễm. Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng cho biết, quý I/2021, hoạt động TTKDTM đạt mức tăng trưởng khá. So với cùng kỳ năm 2020, giao dịch qua kênh Internet đạt 156,2 triệu lượt với giá trị 8,1 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 55,9% về số lượng và 28,4% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng 78% về số lượng và 103% về giá trị; giao dịch qua kênh QR code đạt 5,3 triệu lượt với giá trị 4.479 tỷ đồng, tăng tương ứng 83% về số lượng và 146% về giá trị. Riêng hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử của Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) đạt 482,5 triệu lượt với giá trị gần 4,6 triệu tỷ đồng, tăng hơn 100%.

Khảo sát của Visa (công ty thanh toán kỹ thuật số hàng đầu thế giới) cho thấy, tổng giá trị giao dịch thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam trong những tháng đầu năm 2021 trên thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ Visa tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020. Đã có tới 85% người tiêu dùng đang sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử trên điện thoại thông minh để mua sắm hàng hóa và dịch vụ ít nhất một lần một tuần; 44% người tiêu dùng lần đầu tiên mua sắm qua các kênh mạng xã hội kể từ khi đại dịch lan rộng.

Cuộc đua chuyển đổi số, giảm phí giao dịch

Theo Kế hoạch phát triển Thương mại điện tử giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ, đến năm 2025 Việt Nam sẽ có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, TTKDTM đạt 50%. Để thúc đẩy TTKDTM các ngân hàng đang nỗ lực đầu tư và cải tiến dịch vụ thanh toán, nhất là phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin và thành tựu của CMCN 4.0.

Nhiều ngân hàng số đã xuất hiện như: OCB với ngân hàng số OCB OMNI, TPBank với ứng dụng LiveBank, MSB với ngân hàng thuần số TNEX, LienViet24h có thể sử dụng cho cả người chưa có tài khoản ngân hàng. Timo Plus cung cấp cho người dùng rất nhiều dịch vụ tài chính từ chuyển tiền đến thanh toán hóa đơn và mua sắm online. Với VCB Digibank, người dùng được hưởng thêm nhiều tiện ích ngoài dịch vụ ngân hàng như: Thanh toán hóa đơn điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục, bảo hiểm; thanh toán dịch vụ hành chính công; thanh toán hóa đơn tự động; nạp tiền điện thoại…

Ngành ngân hàng Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hành động rất cụ thể để thực hiện chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025. Trong đó, đáng chú ý là mục tiêu đẩy mạnh phát triển TTKDTM và tập trung phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp phục vụ các nhóm dân cư chưa hoặc ít được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng truyền thống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Bên cạnh đó, hàng loạt ngân hàng lớn, nhỏ trong nước đã liên tục đưa ra các chương trình ưu đãi miễn, giảm phí giao dịch, chuyển tiền cho khách hàng trong thời gian dài. Theo các chuyên gia, động thái này không chỉ giúp khách hàng thuận tiện trong giao dịch mà còn tiết kiệm khá nhiều chi phí trong mùa dịch Covid-19 và còn thúc đẩy TTKDTM.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Tổng Giám đốc một ngân hàng chia sẻ, khi chúng ta đã có thể trả tiền các loại dịch vụ, mua sắm... trên ứng dụng kênh số của ngân hàng một cách quá dễ dàng, thì tin chắc chẳng mấy ai muốn quay lại việc thanh toán truyền thống. Và khi giá dịch vụ được giảm nữa, thì khách hàng sẽ biết lựa chọn giao dịch online hay offline có lợi hơn cho họ. TTKDTM tăng nhanh và ngân hàng cũng thêm cơ hội phát triển các kênh số hóa của mình.
Napas đang tiếp tục phối hợp với các ngân hàng trong việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip; mở rộng, phát triển hệ sinh thái thanh toán cho thẻ chip tiếp xúc và không tiếp xúc. Bên cạnh đó, Napas tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh chính sách phí dịch vụ để mọi người dân đều được hưởng dịch vụ thanh toán nhanh chóng, an toàn và thuận tiện.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam Nguyễn Quang Hưng