Bùng phát dịch lở mồm long móng: Hệ lụy từ chăn nuôi nhỏ lẻ

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội là một trong những địa phương có diễn biến dịch lở mồm long móng (LMLM) phức tạp nhất thời gian vừa qua.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh bùng phát và lây lan mạnh, trong đó nguyên nhân sâu xa là do hệ lụy của việc chăn nuôi nhỏ lẻ.

“Mất bò mới lo làm chuồng”

Dịch LMLM bùng phát và lây lan đã gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi. Trong đó Hà Nội có 22 ổ dịch ở 7 huyện, số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy là 961 con. Chia sẻ về nguyên nhân khiến dịch LMLM xảy ra và có diễn biến phức tạp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Nguy cơ lây lan và bùng phát dịch LMLM ở Hà Nội rất cao. Bởi Hà Nội là địa phương có lượng tiêu thụ sản phẩm từ gia súc rất lớn, lại tiếp giáp với 8 tỉnh, thành. Đáng nói, hiện nay tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ của Hà Nội chiếm 60%. Trong đó, tổng đàn gia súc lớn là 180.300 con do 68.150 hộ, cơ sở chăn nuôi; tổng đàn lợn là gần 2 triệu con phân bổ do 101.813 hộ, cơ sở chăn nuôi. Ngoài ra, đàn dê có tổng đàn khoảng 14.749 con với 460 hộ chăn nuôi.
Chủ động tiêm phòng cho vật nuôi sẽ hạn chế dịch bệnh. Trong ảnh: Nhân viên thú y tiêm phòng cho đàn lợn. Ảnh: Phương Nga
Chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán khiến cho việc kiểm soát, khống chế dịch rất khó khăn. Ngoài ra, nhiều hộ chăn nuôi còn lơ là, chủ quan đối với công tác phòng chống dịch bệnh. “Chăn nuôi ít nên đa phần bà con không chú ý tới công tác tiêm phòng cho vật nuôi. Thông thường mọi người có tâm lý “mất bò mới lo làm chuồng”, khi có lợn bị bệnh thường không khai báo mà tự mua thuốc về điều trị. Do không có chuyên môn nên bệnh không khỏi và còn làm mầm bệnh phát tán ra ngoài môi trường, khiến dịch bệnh lan rộng” – ông Sơn cho hay.

"Để hạn chế dịch bệnh phát sinh thì việc giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, phát triển các trang trại chăn nuôi quy mô lớn là việc làm hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần chủ động trong việc phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi của gia đình." - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn

Gia đình bà Nguyễn Thị Hằng, thôn Tiên Mai, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức nuôi hơn 10 con lợn để phục vụ dịp Tết Nguyên đán nhưng không may, đàn lợn bị dịch LMLM và phải tiêu hủy. Bà Hằng buồn bã kể: “Khi phát hiện đàn lợn bỏ ăn và có dấu hiệu đỏ mõm, sưng móng, tôi đã ra ngay hiệu thuốc mua thuốc về chữa. Tuy nhiên, lợn càng ngày càng yếu và bỏ ăn hoàn toàn nên tôi phải tiêu hủy cả đàn”. Cũng theo bà Hằng, do chủ quan nghĩ rằng bệnh LMLM chỉ thường xảy ra ở đàn trâu, bò nên gia đình bà không tiêm vaccine phòng bệnh cho lợn.

Nâng cao ý thức của người chăn nuôi

Sau khi thực hiện nhiều giải pháp, đến nay dịch LMLM trên địa bàn Hà Nội đã cơ bản được khống chế. Thời điểm này, Hà Nội chỉ còn 2 ổ dịch nữa chưa qua 21 ngày. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết và môi trường như hiện nay, dịch LMLM vẫn có nguy cơ bùng phát và lây lan rất cao. Đặc biệt, nguy cơ này càng gia tăng khi thời điểm gần Tết Nguyên đán, việc vận chuyển động vật tăng đột biến.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn có nguy cơ bùng phát cao như hiện nay, cần tập trung triển khai các biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc tuyên truyền nâng cao ý thức của cả cộng đồng đối với phòng chống dịch LMLM. Trong đó, trách nhiệm đầu tiên là của người chăn nuôi phải khai báo với chính quyền địa phương, tuyệt đối không giấu dịch và bán chạy đàn lợn. Đồng thời chủ động cùng chính quyền địa phương tổng vệ sinh tẩy uế môi trường, tiêm phòng vaccine ở những vùng có dịch. Mỗi xã, huyện đều có ban chỉ đạo để xử lý vấn đề này, kết hợp với thú y cơ sở để thực hiện dập dịch. Còn lực lượng thú y có nhiệm vụ tham mưu kỹ thuật về chống dịch, tiêm phòng chống dịch.