Hà Nội: Bước chuyển lớn từ dấu mốc lịch sử

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong lịch sử 90 năm xây dựng và phát triển của Đảng bộ TP Hà Nội, ngày 1/8/2008 được coi là một dấu mốc quan trọng khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội Khóa XII. Đồng thời với sự tăng quy mô, khối lượng công việc, những dấu ấn Hà Nội đạt được cũng tiếp tục tăng và đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của một đô thị đa chức năng.

Bước ngoặt đặc biệt
Việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội là một dấu mốc và bước ngoặt đặc biệt quan trọng trên con đường xây dựng, phát triển Thủ đô. Như Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã nhận định: Quá trình phát triển Thủ đô Hà Nội đã nhiều lần chia tách, sáp nhập, nhất là lần điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính Thủ đô năm 2008, vấn đề đoàn kết trong Đảng bộ lại càng quan trọng. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức đã được tiến hành chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, toàn diện, khoa học, với phương châm: “Đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm để nhanh chóng ổn định và phát triển”.
Một góc Hà Nội từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng.
Nhìn lại thành tựu của gần 12 năm qua có thể thấy, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, khâu từng được nhận định là khó khăn và thách thức rất lớn đã trở thành một trong những việc đã được Đảng bộ TP Hà Nội làm rất thành công, là cơ sở để TP thực hiện tốt những mục tiêu chiến lược suốt thời gian qua. Kết quả thực hiện sắp xếp cán bộ sau hợp nhất của Hà Nội được T.Ư đánh giá cao, coi là điển hình đáng để các cấp ủy học tập.
Để có được kết quả đó, ngay từ những ngày đầu hợp nhất, lãnh đạo TP đã coi công tác luân chuyển cán bộ là khâu trọng tâm, đột phá nhằm sắp xếp lại đội ngũ. Thành ủy Hà Nội đã xây dựng kế hoạch bài bản, dân chủ, công khai về công tác luân chuyển cán bộ, chỉ đạo ban hành quyết định hỗ trợ cán bộ thuộc diện luân chuyển, kèm theo một số chế độ... Sau khi sắp xếp, guồng máy chạy tốt. Sự phát triển của Hà Nội trong 10 năm qua là minh chứng rõ nét cho điều này. Đồng thời, những bài học kinh nghiệm trong công tác cán bộ từ thời điểm ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị khi Hà Nội đang thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, các Nghị quyết T.Ư liên quan đến công tác cán bộ.
Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được chú trọng. Chỉ tính riêng trong 10 năm mở rộng địa giới hành chính, có 3.597 cán bộ được đào tạo cao cấp lý luận chính trị, 19.824 cán bộ được đào tạo trung cấp lý luận, 1.243 cán bộ được cử đi học tập, bồi dưỡng ở nước ngoài.
Tạo bước phát triển mạnh mẽ
Nhờ là làm tốt công tác cán bộ, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo biết nghĩ vì cái chung, Hà Nội đã có những bước phát triển đi lên rất đáng phấn khởi. Từ các chương trình công tác của Thành ủy, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong gần 12 năm qua, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Thủ đô tăng bình quân 7,4%/năm. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện từng bước, gắn với niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được nâng lên. Việc huy động vốn đầu tư trên địa bàn cũng được đẩy mạnh. Hà Nội được xếp trong tốp 10 TP năng động nhất thế giới và ngày càng khẳng định vị thế trong Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Hiện nay, dù diện tích Hà Nội chỉ bằng 21,2%, dân số bằng 41,7% so với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nhưng Hà Nội đóng góp trên 50% GRDP của Vùng và trên 16% GRDP của cả nước...
Hà Nội đã giải nhiều bài toán khó về sự mất cân đối, quá tải trên nhiều lĩnh vực trọng điểm, tồn tại từ trước khi mở rộng địa giới hành chính. Từ thực tế, mỗi người đều có thể cảm nhận được sự khác biệt giữa Hà Nội trước thời điểm chưa mở rộng và Hà Nội hôm nay. Sự phát triển mang tính bứt phá, xoá nhòa dần đi những hình ảnh khó khăn của những vùng nông thôn, miền núi ở ngày đầu hợp nhất như không ít vùng nông thôn có tình trạng không điện, điện yếu, không đường ô tô, phòng học, trạm y tế tạm bợ, dột nát...
Hà Nội đã trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2019, Hà Nội đã có 6 huyện, 356 xã (92,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, vượt kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu, trong đó có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 259 triệu đồng/ha/năm, vượt tiến độ 2 năm mục tiêu Chương trình (250 triệu đồng/ha/năm). Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 98,6%. Những thành tựu đạt được đã làm diện mạo nông thôn Thủ đô cũng thực sự được đổi mới, ngày càng văn minh, hiện đại.
Dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ TP, Hà Nội đã phát huy khá tốt những nguồn lực mới để đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài và bền vững. Tuy nhiên, Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ nên những hệ lụy, khó khăn, thử thách nảy sinh là khó tránh khỏi. Riêng về vấn đề mất cân đối trong phát triển đô thị, phát triển hạ tầng xã hội không theo kịp sự phát triển của nhà ở và dân cư, đòi hỏi Đảng bộ TP tiếp tục phải tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát, để có phương án giải quyết hiệu quả nhất. 
Hà Nội đang hướng đến phát triển thành “thành phố thông minh” với việc cải thiện hạ tầng; ứng dụng khoa học - công nghệ vào hệ thống chính quyền điện tử trong quản lý; bảo vệ và cải thiện môi trường; phát triển các dịch vụ công và phúc lợi xã hội…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần