Bước chuyển về chất

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến năm 2021, cả nước giảm tối thiểu bình quân 10% đơn vị sự nghiệp công lập; giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2015; có 10% đơn vị tự chủ tài chính…

 Quy ra những con số cụ thể, nếu cả nước đang có khoảng 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập với 2,5 triệu biên chế, trong 4 năm tới, cần giảm tối thiểu 5.800 đơn vị và tối thiểu 250.000 biên chế. Con số 10% này không hề đơn giản, nhưng rất cụ thể và rõ ràng được thể hiện rõ trong Nghị quyết của T.Ư Đảng vừa ban hành này đã thể hiện quyết tâm sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập cồng kềnh, chưa mạnh mẽ hiện nay.
Có thể nói rằng, hệ thống cung ứng sự nghiệp công đã phủ kín hầu hết các địa bàn, lĩnh vực. Những đổi mới liên tục được thực hiện cũng tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc thụ hưởng các dịch vụ thiết yếu với chất lượng ngày càng cao và chi phí hợp lý hơn. Tuy nhiên, do việc tự chủ, xã hội hóa vẫn chỉ dừng ở mức bước đầu, thí điểm… khiến nhiều đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) vẫn là gánh nặng cho ngân sách.
 Ảnh minh họa
Thống kê cho thấy, chi cho SNCL đang chiếm tới 44% tổng chi thường xuyên ngân sách Nhà nước. Đến nay, cả nước còn 60,5% đơn vị SNCL do ngân sách Nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động. Đây là con số quá lớn, chưa kể đến việc nhiều đơn vị SNCL còn manh mún, chồng chéo, kém hiệu quả, hoạt động kiểu cầm chừng. Đã đến lúc Nhà nước chỉ làm những việc xã hội không làm hoặc xã hội không thể làm. Việc đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công, tăng tính chủ động… là cần thiết, giúp đổi về chất cho hệ thống gắn liền với an sinh xã hội này.

Nhìn từ Hà Nội có thể thấy, việc sắp xếp lại, tinh gọn và tăng tính tự chủ tài chính trong hoạt động của các đơn vị SNCL đã nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cho xã hội và đổi mới cơ cấu, phương thức đầu tư. Nhờ sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ban, ngành, đã giảm từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị; các đơn vị SNCL cấp quận, huyện cũng giảm từ 206 xuống 96 đơn vị. Các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng, nhiệm vụ tương tự nhau cũng được sáp nhập vào một đầu mối. Thực tế cho thấy, việc tinh gọn, sắp xếp này không chỉ giúp TP giảm chi thường xuyên, mà còn giúp các đơn vị này phát huy hiệu quả hơn.

Như vậy, việc rút gọn đầu mối, hay sắp xếp lại các đơn vị SNCL không đơn thuần về lượng, mà nhiều người kỳ vọng sự chuyển đổi về chất. Thực sự đạt đến mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ công, cơ cấu lại thu chi ngân sách. Bởi thực tế, nếu không đổi mới thì năng lực cung cấp dịch vụ công sẽ tụt hậu trước nhu cầu ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng của người dân, nhất là ở các đô thị. Chưa kể, không đổi mới thì ngân sách khó có thể dành ra cho đầu tư phát triển.

Với những giải pháp rất rõ ràng, T.Ư Đảng đã chỉ ra những bài học từ thực tế và khi cơ chế tài chính cho SNCL được hoàn thiện, đồng bộ, ngân sách Nhà nước sẽ chỉ tập trung đảm bảo đầu tư cho các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu, còn lại sẽ dựa chủ yếu vào đầu tư tư nhân, xã hội hóa. Khi đó, chất lượng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cho xã hội sẽ thực sự đổi mới, đáp ứng nhu cầu xã hội.