Bước đột phá mới của Đà Nẵng

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục khẳng định vai trò TP động lực miền Trung, Đà Nẵng đang quyết liệt thực hiện những chính sách như tái cơ cấu nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt tập trung điều chỉnh quy hoạch để tạo thêm bước đột phá mới, mạnh mẽ hơn, bền vững hơn.

Tái cấu trúc nền kinh tế
Ảnh hưởng đại dịch Covid-19 khiến kinh tế Đà Nẵng năm 2020 tăng trưởng âm đến 9,77%. Đây là lần đầu tiên sau 23 năm kể từ ngày trở thành TP trực thuộc T.Ư, “thủ phủ” miền Trung tăng trưởng âm. Nguyên nhân do ngành dịch vụ chiếm đến 64% trong cơ cấu nền kinh tế, chủ yếu là du lịch. Như lãnh đạo TP Đà Nẵng từng nhận định, nền kinh tế có cơ cấu hướng ngoại thì rõ ràng bị tổn thương nhiều nhất là điều tất yếu.

Bên cạnh du lịch và dịch vụ, thời gian qua, nguồn thu của Đà Nẵng còn chủ yếu phụ thuộc vào khai thác quỹ đất. Do vậy, đã đến lúc “TP đáng sống nhất Việt Nam” phải tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng mang tính chiến lược bền vững, hướng trọng tâm vào các ngành công nghệ cao. Hướng đi này cũng nằm trong quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ.
 TP Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: Duy Anh
Tin vui đến với Đà Nẵng khi đầu năm 2021 TP này đón nhận hàng loạt dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trị giá trăm triệu USD. Những dự án này đều tập trung vào công nghệ cao, công nghệ thông tin và kỹ thuật tiên tiến. Hoạt động trong Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (Danang IT Park), Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) đang khẩn trương đầu tư xây dựng khu nhà xưởng chuyên dụng ICT tại phân khu A2 trên diện tích 9,3ha với 5 nhà máy. Trong đó, sẽ dùng 2 nhà máy đầu tư 16 dây chuyền SMT (sản xuất lắp ráp bo mạch, linh kiện điện tử), 16 dây chuyền lắp ráp cơ khí; 3 nhà máy còn lại sẽ xúc tiến kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực điện tử, viễn thông.
“Ngoài ra, Trung Nam Group tiếp tục lên kế hoạch triển khai đầu tư 23 nhà máy còn lại tại phân khu sản xuất của giai đoạn 1 để đáp ứng các đơn hàng ngày càng nhiều từ đối tác. Mục tiêu trong 5 năm doanh thu hàng năm của chuỗi nhà máy này đạt 1,2 tỷ USD/năm” - Tổng Giám đốc Trung Nam Group Nguyễn Tâm Tiến cho biết.

Tháng 2 vừa qua TP Đà Nẵng đã trao giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương nghiên cứu đầu tư cho 7 dự án lớn, trong đó có những dự án hàng trăm triệu USD như Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprise, Nhà máy sản xuất máy in 3D Arevo Inc (Mỹ). Đà Nẵng thu hút thành công Tập đoàn điện tử LG (Hàn Quốc) đặt trung tâm nghiên cứu, phát triển tại đây. Trước đó, nhiều dự án công nghệ tiên tiến đã đi vào sản xuất như Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, Nhà máy sản xuất linh kiện và thiết bị thủy lực Tokyo Keike...

Tiền đề để bứt phá

Phát huy tiềm năng, lợi thế và vị trí chiến lược của mình, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị khóa IX về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một TP năng động, sáng tạo, TP đáng sống. Sau Nghị quyết số 33, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, xác định xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ…

Tiếp đến ngày 19/6/2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng với đó, dự án Bến cảng Liên Chiểu cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Ngoài ra, Thủ tướng đồng ý về chủ trương nghiên cứu, lập Đề án xây dựng TP Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực. Đây là những tiền đề đặc biệt quan trọng nhằm tạo bước đột phá, động lực phát triển TP Đà Nẵng trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định, Đà Nẵng tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, hỗ trợ các dự án đang hoạt động trên địa bàn mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng vốn đầu tư. Đồng thời tích cực tìm kiếm các dự án tiềm năng để làm cơ sở cho hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, cấp phép đầu tư trong những năm tiếp theo.

Với thành tựu đã đạt được trong giai đoạn qua cùng các quy hoạch, chiến lược mới được ban hành, các chuyên gia tin tưởng rằng TP Đà Nẵng sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới để trở thành một TP văn minh, hiện đại, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Lũy kế đến nay, Đà Nẵng thu hút 704 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 147.551 tỷ đồng. Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), 5 năm qua, Đà Nẵng có 530 dự án cấp mới, tổng nguồn vốn 1,045 tỷ USD; 60 dự án tăng vốn với 144,5 triệu USD; 605 lượt góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với 21,8 triệu USD. Dự án FDI chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao... theo đúng định hướng kêu gọi đầu tư của TP. Đến nay, Đà Nẵng có 876 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5,521 tỷ USD.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần