Bước đột phá trong điều trị bệnh Parkinson

Bài, ảnh: Nguyễn Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bệnh nhân Đông Sư T., là trường hợp thứ 9 đã được điều trị bệnh Parkinson bằng phương pháp “đặt điện cực kích thích não sâu” tại Bệnh viện (BV) Việt Đức.

Đây là kỹ thuật tiên tiến, mới được triển khai tại BV này đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Phương pháp tối ưu
Người nhà bệnh nhân T. cho biết, bệnh nhân được chẩn đoán Parkinson từ năm 2008. Triệu chứng khởi đầu là run vùng ngọn chi, chủ yếu tay phải, kèm theo co cứng các cơ nửa người phải, nói khó, viết khó. Trước khi vào BV Việt Đức điều trị, bệnh nhân đã phải dùng tới 6 viên syndopa/ngày. Nhưng tình trạng bệnh vẫn tăng dần lên, đi lại khó khăn kèm theo tiểu khó, hay vã mồ hôi, táo bón. Sau một thời gian tìm hiểu và biết được phương pháp kích thích não sâu là phương pháp điều trị duy nhất để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, gia đình đã chuyển bệnh nhân đến BV Việt Đức để điều trị.
 Bệnh nhân bị bệnh Parkinson (người đội mũ) đang dần phục hồi, chụp ảnh lưu niệm cùng kíp bác sĩ.
Theo bác sĩ Trần Đình Văn - Khoa Phẫu thuật Thần kinh 1, BV Việt Đức, sau khi được khám sàng lọc và làm các test đánh giá về thần kinh, tâm lý cũng như test UPDRS để đánh giá khả năng phẫu thuật, kíp bác sĩ quyết định sử dụng phương pháp đặt điện cực kích thích não sâu cho bệnh nhân.
“Phương pháp phẫu thuật sọ não này sẽ đưa một que kim loại (còn gọi điện cực) vào đúng các cấu trúc sâu trong não. Sau đó, điện cực được nối với một dây dẫn ra khỏi não, luồn dưới da từ vùng đầu đến vùng trước ngực rồi gắn vào máy tạo nhịp được đặt ở đó. Tuổi thọ pin trung bình khoảng 5 năm tùy thuộc vào cường độ điện sử dụng cao hay thấp. Giống như máy tạo nhịp tim, khi được kích thích, dòng điện sẽ theo dây dẫn vào điện cực, từ đó tác động vào nhân não giúp cải thiện triệu chứng cho người bệnh” - bác sĩ Trần Đình Văn cho biết.
Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân vẫn tỉnh táo và được các bác sĩ nội thần kinh thăm khám đánh giá sự cải thiện của triệu chứng cũng như tác dụng phụ xảy ra do quá trình đặt điện cực để điều chỉnh vị trí điện cực. Sau một tuần phẫu thuật, hiện tại sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt hơn, các biểu hiện rối loạn vận động dần dần được kiểm soát, các triệu chứng như cứng cơ được cải thiện 60 - 70%, triệu chứng run giảm dần.
Phát hiện và điều trị kịp thời
Parkinson là một trong những bệnh thoái hóa hệ thần kinh thường gặp nhất ở những người lớn tuổi, nhưng nhiều năm gần đây, tỷ lệ phát hiện bệnh ở người trẻ lại gia tăng, có đến 10% trường hợp người bệnh khởi phát dưới 40 tuổi, ảnh hưởng đến lao động, gánh nặng bệnh tật cho gia đình và cơ sở y tế.
Tại BV Việt Đức, hiện mỗi tháng cơ sở tiếp nhận khoảng 1.000 bệnh nhân tới khám và điều trị. Việc điều trị cho bệnh nhân Parkinson chủ yếu là dùng thuốc. Ở giai đoạn đầu việc dùng thuốc thường đem lại hiệu quả tốt, giai đoạn này được gọi là “thời kỳ trăng mật” (thường là 4 - 5 năm từ khi khởi phát bệnh). Giai đoạn sau, hiệu quả của thuốc ngày càng kém dần, bệnh nhân có xu hướng phải tăng liều điều trị và đây cũng là giai đoạn xuất hiện nhiều biến chứng do việc sử dụng thuốc.
Kỹ thuật kích thích não sâu là một trong những kỹ thuật hiện đại nhất để điều trị bệnh Parkinson và một số các rối loạn vận động khác. Các nước châu Âu và Mỹ khuyến cáo sử dụng kỹ thuật này để điều trị bệnh nhân Parkinson ở giai đoạn hiệu quả dùng thuốc kém đi, tối thiểu 5 năm kể từ khi được chẩn đoán mắc Parkinson.
Hiện tại ở Việt Nam có hai BV thực hiện thành công kĩ thuật “kích thích não sâu” để điều trị cho bệnh nhân đó là BV Nguyễn Tri Phương và BV Việt Đức. Với những thiết bị Việt Nam hiện có thì giá thành sẽ giảm nhiều, chi phí khoảng hơn 30.000 USD (bằng 1/3 so với nước ngoài).
Các chuyên gia y tế khuyến cáo mỗi người cần lắng nghe cơ thể mình để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. Đối với bệnh Parkinson, khi người bệnh có các triệu chứng như tình trạng run, quá trình vận động chậm, cơ bắp cứng, cơ thể ngồi bị mất cân bằng, những chuyển động trở nên vô thức… thì cần đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần