Bước ngoặt hồi sinh sông Tô Lịch

Bài, ảnh: Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm qua, bài toán tìm giải pháp hồi sinh sông Tô Lịch luôn làm đau đầu các đơn vị chức năng.

Song, với việc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội triển khai động thổ gói thầu xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính (thuộc dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá), những băn khoăn đó đã dần được sáng tỏ.
Nhiều kỳ vọng
Vừa qua, gói thầu xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính đã chính thức được khởi công, thu hút được sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhất là những người dân trong khu vực.
Bà Nguyễn Thu Hiền (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) chia sẻ, trước đây, sông Tô Lịch không ô nhiễm như bây giờ, người dân từ già tới trẻ còn có thể xuống tắm vào những ngày Hè. Đô thị hóa khiến dòng sông này biến thành nơi chứa nước thải bất đắc dĩ của các nhà máy, xí nghiệp và nước thải sinh hoạt.
 Khởi công gói thầu ''Xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính''.
"Bao nhiêu năm nay, chúng tôi đã chứng kiến TP triển khai nhiều biện pháp để giải cứu sông Tô Lịch nhưng kết quả vẫn còn hạn chế do không giải quyết được tận gốc vấn đề. Nay, khi chứng kiến các cơ quan chức năng TP phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải, xây dựng đường cống thu gom nước thải… người dân ai cũng phấn khởi vì tin rằng, với giải pháp tận gốc này, sông Tô Lịch sẽ được hồi sinh" - bà Hiền chia sẻ.
Cùng chung kỳ vọng trên, GS sử học Lê Văn Lan chia sẻ, sông Tô lịch đã hình thành cách đây hàng nghìn năm, chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử Thăng Long. So với các dự án giải cứu sông Tô Lịch đã triển khai trước đây, ở dự án này, Việt Nam và Nhật Bản đã thực hiện rất bài bản, áp dụng công nghệ hiện đại, đúng nguyên lý xử lý nước thải. "Tin rằng sông Tô Lịch sẽ trở về trong lành như vốn có, thậm chí còn đẹp hơn, đảm bảo các yếu tố môi trường và khơi dậy lại các giá trị lịch sử" - GS Lê Văn Lan bày tỏ.
Giám sát chặt bảo đảm tiến độ dự án
Theo ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội, xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính (gói thầu số 2) là gói thầu thu gom lớn nhất trong 3 gói thầu thu gom nước thải của dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá. Gói thầu này có chiều dài 21,66km, trong đó gần 13km đi ngầm, hơn 8km đào mở.
Tại dự án, công nghệ xử lý bùn sẽ được áp dụng theo phương pháp bùn hoạt tính truyền thống loại AO (quá trình nitrat hóa và khử nitrat) – phương pháp thường áp dụng cho các nhà máy xử lý nước thải lớn trên thế giới. Về phần xây lắp đường cống, đơn vị thi công sẽ triển khai theo phương pháp khoan kích ngầm (pipe jacking). Trong đó, đường ống ngầm dưới lòng sông Tô Lịch có độ sâu từ 6 - 19m để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là không phải GPMB gây tốn kém về nguồn lực.
Với vai trò là chủ đầu tư của dự án, ông Nguyễn Văn Hùng đề nghị nhà thầu khẩn trương hoàn thiện phương án thi công theo hợp đồng đã ký, từ đó báo cáo tư vấn để kiểm tra, rà soát, bảo đảm theo tiến độ đề ra.
Đồng thời, nhà thầu phải thường xuyên cập nhật, thống nhất với tư vấn để bảo đảm chất lượng của dự án. Đối với các hạng mục cần có sự điều chỉnh phải tính toán kỹ lưỡng, tham khảo ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để không làm ảnh hưởng đến các giá trị lịch sử, tâm linh của sông Tô Lịch.

Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá được TP Hà Nội xác định là công trình trọng điểm, vô cùng quan trọng khi thu gom xử lý nước thải sinh hoạt của người dân các quận: Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng và một phần huyện Thanh Trì, quận Hà Đông, góp phần làm sạch môi trường, sạch sông Tô Lịch.

Để triển khai dự án, TP Hà Nội đã chia làm 4 gói thầu, bao gồm: Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (Thanh Trì) công suất 270.000m3/ngày đêm; xây dựng hệ thống cống bao sông Lừ; xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông, khu đô thị mới; xây dựng hệ thống cống bao sông Tô Lịch và cống chính.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần