Bước tiến vượt bậc của giáo dục Hà Nội

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 năm hợp nhất, Hà Nội luôn dẫn đầu toàn quốc về GD&ĐT. Giáo dục có bước phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng theo hướng đảm bảo chất lượng toàn diện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân.

 Giờ học Văn của cô và trò trường THCS Thanh Xuân. Ảnh: Thanh Hải
Chất lượng ngày càng nâng cao
Hà Nội mở rộng địa giới hành chính là sự kiện quan trọng đối với ngành giáo dục Hà Tây cũ, là điều kiện thuận lợi để phát triển. Cơ sở vật chất được đầu tư bài bản, hiệu quả tạo sự thay đổi lớn chưa từng có. Khi được tiếp cận với cách quản lý, phương pháp dạy học mới, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt. Nhiều trường, huyện của tỉnh Hà Tây (cũ) vươn lên cạnh tranh bằng hoặc thậm chí vượt các quận, huyện trước đây của Hà Nội về vị trí xếp hạng, điển hình nhất là quận Hà Đông.
Trưởng phòng GD&ĐT quận Phạm Thị Lệ Hằng cho biết: Quy mô từ 57 trường với 34.170 học sinh, nay quận đã tăng lên thành 111 trường với 80.778 học sinh. So với năm 2008, quận Hà Đông có thêm 54 trường được thành lập đi vào hoạt động với 46.608 học sinh. Trong đó, loại hình trường tư thục từ con số 0 đến nay đã có 29 trường và trên 220 cơ sở giáo dục mầm non tư thục. Chất lượng giáo dục đại trà, học sinh giỏi, giáo viên giỏi cũng được nâng lên. Hằng năm, tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh tốt nghiệp THCS luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Học sinh lớp 9 thi đỗ vào lớp 10 THPT luôn được đánh giá cao và xếp ở top đầu trong 30 quận, huyện của TP. 
Đối với huyện Chương Mỹ, điều nhận thấy rõ nhất trong 10 năm qua chính là nhiều trường học đã xây dựng được thương hiệu, tạo niềm tin cho cán bộ và Nhân dân trong huyện. Năm học 2017 – 2018, toàn huyện đã có 4.199 học sinh đạt giải cấp huyện, tăng 4.057 học sinh, trong đó có tới 93 giải Nhất, 177 giải Nhì, 236 giải Ba. Giáo dục bậc THCS có 113 học sinh giỏi cấp TP và đã có 3 em đạt giải quốc gia, trong đó có 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng. Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng phấn khởi cho hay: Kể từ khi hợp nhất, thông qua Chương trình 02 của Thành ủy, huyện Chương Mỹ đã được TP đầu tư rất lớn trong giáo dục và có những đổi thay vượt bậc.

Rút ngắn khoảng cách cơ sở vật chất

Trong 10 năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, quy mô mạng lưới trường, lớp của ngành GD&ĐT Hà Nội được mở rộng và không ngừng phát triển, với 2.643 trường mầm non, trường phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết, nhiều công trình xây dựng cơ bản và một số công trình trọng điểm được tập trung đầu tư xây dựng.
Trong thời gian tới, ngành giáo dục Thủ đô sẽ tham mưu với TP triển khai mô hình trường học mới, chương trình giảng dạy mới, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, quan tâm đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đầu tư phát triển KH&CN; phát huy nội lực và tranh thủ ngoại lực để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô…
Cụ thể là Dự án THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam kinh phí 429 tỷ đồng; Dự án xây dựng trường THPT chuyên Nguyễn Huệ gần 300 tỷ đồng; Dự án xây dựng trường Trung cấp đa ngành Sóc Sơn 158 tỷ đồng. Cùng với đó, Dự án xây dựng trường Bồi dưỡng cán bộ có kinh phí đầu tư 126 tỷ đồng; Dự án xây dựng trường THPT Sơn Tây có kinh phí 198 tỷ đồng… được triển khai theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa và chuẩn hóa.

Ngành giáo dục Hà Nội cũng chú trọng đầu tư các danh mục thiết bị phục vụ chương trình đổi mới giáo dục phổ thông. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học trong các trường học được cải thiện rõ rệt theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại. Đến nay, về cơ bản đã xóa phòng học tạm, phòng học nhờ, cấp 4 xuống cấp giúp cho diện mạo trường học Hà Nội ngày càng thay đổi. Cũng như rút ngắn được khoảng cách về cơ sở vật chất giữa các trường trong toàn TP.

Phát triển hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia cũng là một trong những điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Nhiều địa phương đã có số trường đạt chuẩn quốc gia tăng 50% so với 10 năm trước. Từ sự phát triển của các quận, huyện đã góp phần giúp ngành giáo dục Thủ đô có tổng số 1.372 trường đạt chuẩn quốc gia tính đến năm 2018, chiếm 52%, trong đó công lập có 1.336 trường đạt chuẩn chiếm 62%.

Tiếp tục dẫn đầu về chất lượng giáo dục

Một thành tích hết sức quan trọng của giáo dục Thủ đô sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính không thể không nhắc đến, đó là Hà Nội tiếp tục giữ vững và có nhiều cải tiến trong việc đổi mới phương pháp dạy và học. Học sinh Hà Nội tiếp tục giành nhiều thành tích ấn tượng trong các cuộc thi quốc gia (QG), quốc tế. Trong kỳ thi học sinh giỏi QG năm 2017, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu toàn quốc về chất lượng và số lượng giải, với 146 giải trong đó có 11 giải Nhất.
Trong các kỳ thi Olympic quốc tế, học sinh THPT giành được 21 giải và huy chương (6 Huy chương Vàng, 7 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng và 5 giải Khuyến khích). Ở các cuộc thi quốc tế và khu vực dành cho học sinh cấp THCS, học sinh Hà Nội đã dành được hơn 160 huy chương các loại… Không chỉ giỏi về văn hóa mà học sinh Hà Nội còn rất tích cực và nổi bật trong các hoạt động thể thao, văn nghệ và nhiều hoạt động khác.

Trong công tác phổ cập giáo dục, ngành giáo dục TP đã triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì và nâng cao kết quả ở các cấp học. Năm 2013, TP Hà Nội được Bộ GD&ĐT công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục mẫu giáo 5 tuổi. Và, đến năm 2015, Bộ GD&ĐT công nhận Hà Nội hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức 2. Cùng với việc tiếp tục duy trì xóa mù chữ và phổ cập giáo dục THCS, Hà Nội hoàn thiện các bước chuẩn bị phổ cập giáo dục bậc trung học. Đối tượng từ 18 – 21 tuổi hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học đến nay đạt tỷ lệ 92%.