Năm học 2018 - 2019 tới đây, hàng trăm em nhỏ trên địa bàn xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh sẽ được lên lớp trong ngôi trường mầm non Thanh Lâm B mới được xây dựng khang trang. Cùng với trường Mầm non Thanh Lâm A đã hoàn thành năm 2015, trường Mầm non Thanh Lâm B được xây dựng với kinh phí hàng chục tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước sẽ giúp xóa bỏ điểm trường lẻ, nâng cao chất lượng giáo dục.
|
Trường THPT xã Tiền Phong, huyện Mê Linh đáp ứng cơ bản điều kiện giảng dạy - học tập |
Ít người biết, thời điểm trước khi hợp nhất với Hà Nội, các em nhỏ nơi đây phải học tạm bợ tại nhà văn hóa thôn Phú Nhi (xã Thanh Lâm) được xây dựng từ năm 1936 và chỉ rộng chừng… 40m2. Thiếu điểm trường mầm non, hàng trăm em nhỏ còn phải học nhờ trong chùa Thanh Vân có diện tích chưa tới 70m2. Không chỉ cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học hết sức sơ sài, các em nhỏ còn chịu thiệt thòi vì không được học bán trú.
Nhớ lại những ngày đầu với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh Bùi Văn Công cho biết, hầu hết các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đều thiếu phòng học cùng trang thiết bị dạy học. Toàn huyện ngày đó còn 200 phòng học tạm, bán kiên cố. Tình trạng học sinh phải học 2 ca/ngày rất phổ biến. Trong khi, đội ngũ giáo viên (nhất là ở cấp mầm non) còn thiếu, giáo viên có trình độ trên chuẩn chỉ đạt khoảng 46%...
Hiệu quả từ nguồn lực đầu tư lớnNhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giáo dục - đào tạo, sau hợp nhất, TP Hà Nội đã chủ động bố trí nguồn vốn đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất giáo dục cho huyện Mê Linh. Đến nay, toàn huyện đã có 46/75 trường đạt chuẩn Quốc gia (chiếm tỷ lệ 61,3%). Các trường học cơ bản đã đủ phòng để thực hiện việc dạy 2 buổi/ngày.
Bằng nhiều nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là từ Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, huyện Mê Linh đã xây mới, cải tạo và nâng cấp 71 trường học các cấp, xóa bỏ 224 phòng học xuống cấp. Đến nay, toàn huyện đã giải quyết triệt để các phòng học tạm với tổng kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa và mua sắm trang thiết bị lên tới 1.642 tỷ đồng, trong đó ngân sách TP, huyện là trên 1.371 tỷ đồng. Chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn của địa phương nhờ đó cũng đạt được nhiều tiến bộ.
Với mục tiêu chuẩn hóa tất cả các cấp học vào năm 2020, huyện Mê Linh đang tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ lớn của TP cũng như huy động nguồn lực xã hội hóa nhằm nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng. Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Bùi Xuân Quang cho biết, cùng với đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục, địa phương đang tập trung xây dựng mạng lưới hỗ trợ phát triển giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội nhằm phát triển toàn diện văn hóa - thể chất cho trẻ em. Tiếp tục đào tạo, tập huấn, nâng cao, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ ngành, giáo viên các cấp. Đồng thời, tích cực triển khai Đề án đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 của Bộ GD&ĐT.