Bứt phá trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: Chìa khóa là chất lượng nguồn nhân lực

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội thảo về “Năng lực cạnh tranh và phát triển bao trùm trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0)” do Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 17/11, vấn đề làm thế nào để Việt Nam vượt qua các thách thức, tận dụng cơ hội, bứt phá trong cuộc CMCN 4.0 là câu hỏi được nhiều đại biểu đặt ra và đề xuất giải pháp.

Nhiều lợi thế để bắt nhịp 
Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), ông Justin Wood cho biết, Việt Nam đã có những bước phát triển nổi bật từ những năm 1980. Từ một quốc gia thu nhập thấp, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình. Ông Justin Wood cho rằng, tác động của cuộc CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi sự phát triển của công nghiệp hóa, sự cạnh tranh của giá thành lao động. Thị trường sẽ tập trung vào chất lượng của lao động thay vì giá thành lao động, từ đó thay đổi cách thức phát triển kinh tế trong tương lai.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ  trao đổi với các đại biểu bên lề Hội thảo. Ảnh: Nha Trang

Với thị trường trên 93 triệu dân, dân số trẻ, ngày càng được tiếp cận chất lượng giáo dục ưu việt hơn, tỷ lệ tiếp cận internet cao…, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để bắt nhịp tốt hơn với cuộc CMCN 4.0, đuổi kịp các quốc gia đi trước. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức về nâng cao năng lực tranh và phát triển bao trùm cho Việt Nam.

Các thách thức cụ thể đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nêu ra là: Việc thay đổi mô hình kinh doanh, tự động hóa gây ra xáo trộn, chuyển dịch, thay thế lao động quy mô lớn như đang xảy ra với các hãng taxi hay các công ty sử dụng nhiều lao động trong các ngành sản xuất, chế tạo ở Việt Nam. Những mô hình kinh doanh dựa trên các nền tảng số xuyên quốc gia đặt ra vấn đề về nghĩa vụ tài chính, cạnh tranh công bằng mà câu chuyện gần đây về taxi truyền thống và taxi công nghệ là ví dụ điển hình. Đảm bảo cạnh tranh công bằng, chủ quyền quốc gia, quản lý nhưng không hạn chế quá trình phát triển, luôn là những câu hỏi đối với Chính phủ và các cơ quan quản lý.

Tập trung vào chất lượng lao động

Vấn đề đặt ra là làm cách nào để Việt Nam có thể vượt qua các thách thức, tận dụng cơ hội và bứt phá, nâng cao năng lực cạnh tranh trong cuộc CMCN 4.0? Làm thế nào để Việt Nam trở thành một quốc gia có mức thu nhập cao, tránh được bẫy thu nhập trung bình? Ông Justin Wood cho rằng, trở thành nước có thu nhập cao đang là công việc đầy khó khăn đối với Việt Nam. Đây cũng là con đường hết sức khó khăn đối với các nước khác khi cần tránh “bẫy thu nhập trung bình”.

Theo các đại biểu, trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, Việt Nam cần tập trung vào chất lượng thay vì giá thành của lao động. "Năng suất lao động cao là chìa khóa để chất lượng đời sống của người lao động được cải thiện" - ông Justin Wood nhấn mạnh và khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Hiện tại, các nhóm nghiên cứu của WEF đang thực hiện nhiều chương trình hợp tác với cơ quan Hải quan, Bộ NN&PTNT, Bộ LĐTB&XH...

Từ góc độ của một Chính phủ kiến tạo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ thường xuyên đối thoại, làm việc chặt chẽ với cộng đồng DN, các chuyên gia trong và ngoài nước để tìm hiểu và loại bỏ các rào cản, các vấn đề đã và có thể sẽ phát sinh. Từ đó hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo cơ chế và xây dựng các chương trình hành động cần thiết. Chính phủ cũng sẽ tích cực khuyến khích hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp dựa trên khoa học công nghệ ở Việt Nam. Đồng thời thúc đẩy trách nhiệm xã hội của DN, khuyến khích các DN tham gia phát triển các lĩnh vực xã hội trên cơ sở hài hòa lợi ích Nhà nước, DN và người dân...

Do điều kiện lịch sử, Việt Nam đã lỡ nhịp cả 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Chúng ta cần có sự chuẩn bị nghiêm túc, toàn diện, có trọng tâm trọng điểm thì mới có thể nắm bắt được thời cơ, thực hiện được khát vọng thay đổi đất nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ