Bưu điện không chỉ là “cánh tay nối dài”, “bộ mặt” của bộ máy hành chính

Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 15/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích (Quyết định 45) tại đầu cầu tỉnh Quảng Bình.

Sau 1 năm, việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích đã cơ bản được triển khai trên toàn quốc. Chuyển biến căn bản nhất là tất cả bộ ngành, địa phương đã rà soát, công bố các TTHC thực hiện theo Quyết định 45, đồng thời tiếp tục bổ sung những TTHC mới. Các cơ quan, chính quyền địa phương, DN, người dân đánh giá rất cao việc triển khai Quyết định 45 như một phương thức hiệu quả trong thực hiện cải cách hành chính, TTHC.
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực và kết quả bước đầu trong việc triển khai Quyết định 45 trên cả nước. Ảnh: VGP/Đình Nam
Ghi nhận các ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực và kết quả bước đầu trong việc triển khai Quyết định 45 nhằm cung cấp các dịch vụ công rõ ràng, minh bạch, thuận lợi nhất để người dân tiết kiệm thời gian, chi phí.

Phó Thủ tướng khẳng định với Quyết định 45, bưu điện không chỉ là “cánh tay nối dài”, “bộ mặt” của bộ máy hành chính mà còn phải hướng tới là đại diện của chính quyền.

Theo đó, nhân viên bưu điện phải hiểu các TTHC để tư vấn cho bà con, nhân dân. Đây là yêu cầu đòi hỏi sự nỗ lực cả ngành bưu điện với sự hỗ trợ, tập huấn của các cơ quan giải quyết TTHC trước hết là những thủ tục người dân cần nhiều nhất.

“Từ thực tiễn cơ sở, từng nhân viên bưu điện cần ghi chép, tập hợp những TTHC người dân sử dụng nhiều nhất, từ đó phối hợp với các cơ quan Nhà nước để chuẩn hoá dịch vụ, thống nhất quy trình xử lý, phương thức giải quyết. Hiện chúng ta có trên 109.000 TTHC nếu chuẩn hoá được sẽ chỉ còn khoảng 10.000”, Phó Thủ tướng gợi ý.

Về kiến nghị cần phải đẩy nhanh quá trình đơn giản hoá giải quyết TTHC, Phó Thủ tướng nhấn mạnh chỉ có thể làm được nếu các bộ ngành, địa phương tin học hóa bộ máy hành chính, xử lý hồ sơ công việc bằng máy tính, trên mạng và liên thông tất cả các cấp; tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

“Cả ba việc này phải được thực hiện bằng phương thức thuê dịch vụ CNTT cho từng dịch vụ. Số lượng các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4 là tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ cải cách hành chính, TTHC của mỗi bộ ngành, địa phương”, Phó Thủ tướng nói và mong muốn ngành bưu điện tham gia “tích cực, trách nhiệm, quyết liệt” vào quá trình này để đẩy nhanh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4 đến người dân