Bưu điện Việt Nam tập trung phát triển dịch vụ logistic và thương mại điện tử

Linh Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Bưu điện Việt Nam hiện đang đẩy mạnh đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị, đổi mới tổ chức sản xuất, đặc biệt là có những giải pháp toàn diện, dành riêng cho dịch vụ hậu cần logistic và thương mại điện tử.

Lĩnh vực bưu chính đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu dịch vụ theo hướng gia tăng sản lượng, giá trị các dịch vụ chuyển phát kiện, gói hàng hóa trong chuỗi cung ứng thương mại điện tử. Theo dự đoán, thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng đạt trên 30%. Kịp thời đổi mới phương thức kinh doanh và bắt kịp xu hướng thị trường, Bưu điện Việt Nam hiện đang đẩy mạnh đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị, đổi mới tổ chức sản xuất, đặc biệt là có những giải pháp toàn diện, dành riêng cho dịch vụ hậu cần logistic và thương mại điện tử. Hiện nay, tại mỗi khu vực, thị trường bán lẻ đang có các mức giá rất khác nhau đố với cùng một loại hàng hóa. Một trong những nguyên nhân là do chi phí logistic hiện còn cao. Chi phí logistic được hình thành từ 3 yếu tố chính liên quan đến chi phí vận tải, cơ hội vốn trên mỗi đơn vị hàng hóa và chi phí bảo quản hàng hóa.
Với nền tảng và kinh nghiệm nhiều năm tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ logistic và thương mại điện tử, Bưu điện Việt Nam là một trong những doanh nghiệp luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển các nền tảng để giúp giảm giá thành trên mỗi sản phẩm hàng hóa.
Để giảm chi phí vận tải, Bưu điện Việt Nam đã tập trung gia tăng năng lực về vận chuyển trên cơ sở sử dụng các phương tiện vận chuyển có công suất lớn hoặc liên kết với các đối tác như đường sắt, hàng không để đưa vào các hoạt động vận chuyển trên các tuyến đường sắt, hàng không. Trong thời gian qua, Bưu điện Việt Nam đã liên kết với đường sắt Việt Nam để đưa các toa tàu sử dụng container chuyên dụng trong việc vận chuyển hàng hóa thuộc lĩnh vực thương mại điện tử.
 Đoàn tàu vận chuyển hàng hóa của Bưu điện Việt Nam đi vào hoạt động đã góp phần giảm chi phí logistic, đáp ứng nhu cầu của khách hàng
Đặc biệt, trong chiến lược chuyển đổi kinh tế số, Bưu điện Việt Nam xác định tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là hoạt động vận chuyển hàng hóa. Để tối ưu hóa hoạt động vận chuyển hàng bưu chính, đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ tiến tiến, phát huy tính cộng sinh trong kết nối và nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải trên cả nước thông qua việc giảm lượng xe chạy rỗng một chiều, gia tăng hiệu suất lái xe, góp phần lưu thông hàng hóa nhanh chóng, giảm chi phí vận tải, chi phí logistic của nền kinh tế, mới đây Bưu điện Việt Nam đã đưa vào hoạt động sàn giao dịch vận tải trên toàn mạng lưới (https://stx.vn/). Bình quân mỗi tháng, hệ thống giao dịch vận tải của doanh nghiêp này đã  thực hiện gần 1.000 giao dịch. Qua đó tối ưu hóa mạng vận chuyển hàng bưu chính liên tỉnh, nội tỉnh, góp phần rút ngắn thời gian và  nâng cao chất lượng chuyển phát, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Bên cạnh đó, Bưu điện Việt Nam cũng đặc biệt chú trọng tới việc tăng cường các hoạt động quản trị logistic và thương mại điện tử. Dịch vụ của Bưu điện Việt Nam giờ đây không chỉ đơn thuần là chuyển phát hàng hóa mà tham gia sâu hơn vào quá trình lên kế hoạch, tổ chức thực hiện việc lưu kho, luân chuyển và phân phối đến các kho hàng cũng như chuyển phát đến địa chỉ của khách hàng. Theo đó Bưu điện Việt Nam không vừa hỗ trợ doanh nghiệp thương mại điện tử quản lý dễ dàng công tác bán hàng vừa thúc giúp cho quá trình trung chuyển hàng hóa được thông suất và rút ngắn được chỉ tiêu thời gian chuyển phát.
 Bưu điện Việt Nam đã triển khai ứng dụng xe đẩy lưới trong hoạt động khai thác chia chọn và giao nhận nhằm đảm bảo an toàn đối với các bưu gửi và nâng cao năng suất, chất lượng dịch vụ bưu chính trên toàn mạng lưới.
Theo ông Lê Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, để thúc đẩy logistic và thương mại điện tử, thời gian qua doanh nghiệp này đã thiết lập các trung tâm logistic tại các khu vực kinh tế trọng điểm trên cả nước. "Chúng tôi tổ chức những Hub về Logistic đồng bộ theo các trục khu công nghiệp lớn như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ,… Ngoài ra, chúng tôi cũng gia tăng các nền tảng phục vụ cho logistic, thương mại điện tử như việc cung cấp các nền tảng cho các khách hàng thương mại điện tử thuê ngoài các dịch vụ về lưu kho, quản lý các đơn hàng cũng như là đóng gói và chuyển phát các đơn hàng đến với khách hàng. Trong thương mại điện tử chúng tôi cũng nỗ lực tối ưu các quy trình luân chuyển hàng hóa logistic cho thương mại điện tử để giúp cho hàng hóa đến được tay khách hàng nhanh hơn. Các nền tảng về công nghệ của Bưu điện Việt Nam cũng giúp cho việc kết nối thông tin giữa người bán, người mua và đơn vị làm dịch vụ giao vận nhanh chóng, chính xác hơn", Ông Lê Quốc Anh chia sẻ.
Ghi nhận thực tế tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Bưu điện Việt Nam đã đưa vào hoạt động Trung tâm Vận chuyển và Kho vận khu vực phía Nam với diện tích sàn khai thác xây dựng 15.200m2.  Trung tâm này được Bưu điện Việt Nam đầu tư đồng bộ với: dây chuyền khai thác chia chọn tự động có công suất 18.000 bưu gửi/giờ và các công cụ, dụng cụ tối ưu cho hoạt động sản xuất như: xe lồng, xe nâng và các công cụ dụng cụ khác. Bên cạnh đó, Trung tâm còn được trang bị các thiết bị phục vụ công tác điều hành sản xuất, hệ thống camera giám sát… để hỗ trợ đảm bảo an toàn, an ninh cho sản xuất và công tác chia chọn, lưu thoát sản phẩm. 
Bưu điện Việt Nam tập trung phát triển dịch vụ logistic và thương mại điện tử - Ảnh 3

Hệ thống dây chuyền khai thác chia chọn tự động của Trung tâm VCKV khu vực phía Nam

 
Song song với việc xây dựng các trung tâm khai thác, Bưu điện Việt Nam cũng triển khai đồng thời các nền tảng về kho hàng trong cả logistic truyền thống và logistic thương mại điện tử trên cơ sở phân tích các dữ liệu kho hàng và tối ưu hóa các lộ trình chuyển phát. Đặc biệt, Bưu điện Việt Nam đã từng bước ứng dụng các robotic để tự động hóa một số công đoạn, tiến tới hình thành năng lực logistic có hàm lượng tự động hóa cao.
Về năng lực của Bưu điện Việt Nam trong phát triển dịch vụ logistic và thương mại điện tử, ông Lê Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc cũng cho biết, hiện doanh nghiệp này cũng đã tập trung cải thiện các điều kiện thanh toán của thương mại điện tử. Theo đó, Bbên cạnh việc gia tăng tốc độ luân chuyển dòng tiền cho khách hàng, trong thời gian tới Bưu điện Việt Nam còn tập trung phát triển phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để giảm bớt chi phí COD cho khách hàng.
Bưu điện Việt Nam tập trung phát triển dịch vụ logistic và thương mại điện tử - Ảnh 4

Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang được Bưu điện Việt Nam tập trung phát triển.

 
"Trong 5 năm tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới phục vụ từ thu gom đến giao hàng, đặc biệt mạng lưới gắn với các trục hành lang kinh tế và các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Đặc biệt Bưu điện Việt Nam chú trọng xây dựng các nền tảng để liên kết các doanh nghiệp logistics với nhau. Một trong những điều buộc phải làm nhanh và hiệu quả trong thời gian tới là chúng tôi tập trung đầu tư vào các nền tảng công nghệ, các trang thiết bị để phục vụ cho việc nâng cao hiệu suất hoạt động của ngành logistics, phấn đấu đến năm 2025, doanh thu của mảng này sẽ đạt từ 25-35 ngàn tỉ đồng", ông Lê Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần