Bưu điện Việt Nam vượt khó khăn, tăng trưởng bền vững

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với doanh thu tăng trên 22%, tổng lợi nhuận tăng trên 20% so với năm trước, năm 2019 Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững trên cả 3 nhóm dịch vụ: Bưu chính chuyển phát, tài chính bưu chính và phân phối truyền thông. Số liệu vừa được công bố tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2020 của Tổng Công ty Vietnam Post.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.
Phát triển mọi mặt
Tổng Giám đốc Vietnam Post Chu Quang Hào cho biết, trong bối cảnh thị trường bưu chính cạnh tranh khốc liệt, các DN chuyển phát tư nhân giảm giá bằng mọi cách, tập trung ở các TP lớn; các DN nước ngoài đầu tư mạnh mẽ vào phát triển lĩnh vực chuyển phát, logistic, Bưu điện Việt Nam đã hoàn thành tốt các dịch vụ bưu chính công ích. Đặc biệt tại các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn giữ vững tốc độ phát triển cả về doanh thu và lợi nhuận. Đây là sự nỗ lực rất lớn của toàn mạng lưới.
Tiếp tục tham gia sâu vào Chính phủ điện tử, chủ động triển khai các dịch vụ công của Nhà nước. Đây vừa là thách thức, khó khăn nhưng cũng là cơ hội cho Tổng công ty.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn
Bên cạnh việc tiếp tục phát triển lợi thế về độ phủ đến tận cấp xã, Bưu điện Việt Nam đã tập trung gia tăng năng lực vận chuyển trên cơ sở sử dụng các phương tiện vận chuyển có công suất lớn. Ngoài hàng nghìn phương tiện vận tải chuyên dụng, đường bay chuyển tải, DN hiện đang sở hữu và vận hành 20 container chuyên dụng mang thương hiệu Bưu điện Việt Nam trên đoàn tàu hành trình 40 giờ tuyến đường sắt Bắc – Nam. Đặc biệt trong chiến lược chuyển đổi kinh tế số, Vietnam Post tập trung ứng dụng CNTT trên tất cả các lĩnh vực như: Chuyển đổi chi trả lương hưu và các chế độ BHXH từ phương thức thủ công sang chi trả qua thẻ, lắp đặt băng tải đọc mã vạch tự động; triển khai hệ thống sàn giao dịch vận tải qua smartlog; tự động hóa trong nhiều công đoạn sản xuất…
Năm 2019, Vietnam Post “ghi điểm” bằng việc triển khai thành công các dự án, đề án lớn của Chính phủ. Điển hình là dự án “Nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam” (Vmap). Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Vietnam Post đã tổ chức thu thập 23,4 triệu địa chỉ trên toàn quốc, đồng thời thực hiện ghép nối các dữ liệu để đưa lên bản đồ, đưa bản đồ vào phục vụ cuộc sống. Ngoài ra, Vietnam Post còn xây dựng hệ cơ sở dữ liệu về địa chỉ nhân đạo trên toàn quốc, triển khai đề án xây dựng hệ thống mã địa chỉ bưu chính tới từng địa chỉ hộ gia đình, dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Một trong những điểm nổi bật được Chính phủ và các bộ, ngành đánh giá cao trong năm 2019 đó là, Tổng công ty hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trước thời hạn. Tính đến hết tháng 11/2019, Bưu điện Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu phát triển mới 250.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Dự kiến kết thúc năm 2019, tăng lên 260.000 người, đạt 118% kế hoạch được giao. Trong lĩnh vực hành chính công, hơn 14 triệu lượt hồ sơ của người dân và DN được tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Gần 30 tỉnh, TP đã chuyển bộ phận một cửa các cấp sang Bưu điện.
Tiên phong chuyển đổi số
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn, Chính phủ đánh giá cao vai trò và sự vào cuộc của Bưu điện Việt Nam trong việc triển khai các Đề án của Chính phủ. Đặc biệt là việc triển khai Chính phủ điện tử, Vietnam Post là một trong những đơn vị tham gia đầu tiên và thực chất nhất, có kết quả cao nhất. Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cũng chỉ ra rất nhiều thách thức, đó là, thị trường bưu chính sẽ có sự cạnh tranh rất khốc liệt khi số DN xin cấp giấy phép hoạt động ngày càng tăng. Bên cạnh đó định hướng của Bưu điện Việt Nam sẽ mở rộng quy mô hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nguồn nhân lực cũng gia tăng mạnh mẽ, do đó việc quản lý sẽ trở thành một bài toán khó. Ngoài ra, Bưu điện đã có một giai đoạn từ 2011 - 2019 khá thành công, nhưng nếu vẫn đi theo hướng cũ sẽ gặp không ít khó khăn.
Năm 2020, Bưu điện Việt Nam đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến trên 633 tỷ đồng. Đặc biệt, kì vọng sẽ tiên phong trong xây dựng chiến lược chuyển đổi số; tham gia sâu rộng trong lĩnh vực hành chính công, tiếp tục công tác cải cách hành chính để tối ưu hóa hoạt động; đẩy nhanh tốc độ trao đổi thông tin, tham gia triển khai Chính phủ điện tử, hỗ trợ người dân, DN thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục thúc đẩy kinh doanh, tập trung nâng cao hiệu quả dịch vụ, củng cố nguồn lực đảm bảo sự phát triển bền vững trong các giai đoạn tiếp theo.
Để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra giai đoạn 2020 - 2030, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh Bưu điện Việt Nam phải đổi mới trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm thành công của giai đoạn trước. Yêu cầu bắt buộc là phải chuyển đổi số thành công. Đối với dịch vụ, sản phẩm truyền thống, phải ứng dụng tối đa CNTT. Song song với đó cần phát triển thêm một số dịch vụ mới, đặc biệt đi sâu vào thương mại điện tử và logistic.
Cũng tại Hội nghị, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần