Thủ tướng: “Cùng tiếp tục hành động, cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 17/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo T.Ư các Chương trình mục tiêu Quốc gia và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo" năm 2019.

Tham dự chương trình có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu Quốc gia Vương Đình Huệ; nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành, đoàn thể T.Ư và các địa phương.
Về phía đại biểu TP Hà Nội có: Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương.
 Chương trình có sự tham gia của những nghệ sỹ
Mỗi năm chương trình đều có cách làm đổi mới, sáng tạo, hiệu quả hơn
Chương trình truyền hình trực tiếp "Cả nước chung tay vì người nghèo" là sự kiện thường niên được tổ chức vào đúng ngày 17/10 - Ngày Quốc tế xóa nghèo và Ngày vì người nghèo Việt Nam. 
Phát biểu tại Chương trình, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, với trách nhiệm, tình cảm và truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các cấp, các ngành luôn quan tâm, chăm lo đối với người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cuộc sống và đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Từ năm 2017, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, vào ngày 17-10 hằng năm, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo”.

 Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại chương trình. 

Với quyết tâm cao, mỗi năm chương trình đều có cách làm đổi mới, sáng tạo, hiệu quả hơn. Qua 3 năm thực hiện, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp và chương trình an sinh xã hội đạt trên 9.000 tỷ đồng. Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2019, các tổ chức, cá nhân đăng ký ủng hộ ở Trung ương và địa phương gần 900 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, cùng với việc thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, từ nguồn vận động được của Quỹ “Vì người nghèo” các cấp và thực hiện chương trình an sinh xã hội, các hộ nghèo có thêm động lực để vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; các vùng nghèo có thêm điều kiện để xây dựng cộng đồng tiến bộ, văn minh.

“Ý nghĩa hơn nữa là thông qua các hoạt động tương thân, tương ái, đã khơi dậy tình thương yêu, đùm bọc trong cộng đồng, vun đắp tình làng, nghĩa xóm, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết từ mỗi cộng đồng dân cư; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”, ông Trần Thanh Mẫn chia sẻ.

 TP Hà Nội ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" 5 tỷ đồng.

Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cũng trân trọng ghi nhận trách nhiệm, tình cảm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, doanh nhân đã tích cực hưởng ứng, hỗ trợ, giúp đỡ, động viên người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đảm bảo cuộc sống, vươn lên cùng cộng đồng; đồng thời đánh giá cao nhiều địa phương đã thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả, kết quả cao trong vận động ủng hộ người nghèo. Đặc biệt một số địa phương, hộ nghèo đã tự lực, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo để dành sự hỗ trợ cho các hộ còn khó khăn hơn.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, đất nước ta thường xuyên bị thiên tai, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Mỗi lần bão lũ ập đến là nhà cửa, tài sản, đường xá bị cuốn trôi, gây thiệt hại lớn cho nhân dân và Nhà nước. Đó là một trong những nguyên nhân làm tăng số hộ nghèo và gia tăng tỷ lệ tái nghèo.

Để tiếp tục đẩy mạnh, tạo sự lan tỏa rộng rãi hơn nữa trong cộng đồng trợ giúp người nghèo, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn kêu gọi các cấp, các ngành, đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài, các tập đoàn, doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm, các tổ chức quốc tế hãy tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ người nghèo với tinh thần cao nhất.

"Từ nguồn vận động tại Chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2019, Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương sẽ tập trung triển khai hỗ trợ xây dựng 1.000 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo tại một số tỉnh biên giới, miền núi và vùng thường xuyên bị thiên tai, đồng thời hỗ trợ cho các em học sinh nghèo có điều kiện được tiếp tục đến trường và chăm lo các hộ nghèo trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020" - Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Công cuộc giảm nghèo ấn tượng nhất trên thế giới

Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là sự kiện có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chương trình được truyền hình, phát thanh trực tiếp là hoạt động đầu tháng cao điểm vì người nghèo năm 2019.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong suốt 74 năm qua, đặc biệt, trong gần 35 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại chương trình

Hiện thực hóa chủ trương đó, tuy còn nhiều khó khăn nhưng bình quân mỗi năm, ngân sách Nhà nước dành khoảng 20% đầu tư hỗ trợ trực tiếp cũng như thông qua các chương trình, các dự án, chính sách cho mục tiêu giảm nghèo. Đặc biệt, đã triển khai mạnh mẽ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với mục tiêu giảm nghèo bình quân từ 1 – 1,5% mỗi năm, ở vùng khó khăn là 4%/năm.

Từ năm 2000 đến nay, các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ người nghèo thông qua Quỹ vì người nghèo gần 15.000 tỷ đồng và qua chương trình an sinh xã hội hơn 40.000 tỷ đồng. Các nguồn lực này đã cùng với Nhà nước xây dựng và sửa chữa hơn 1,5 triệu căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, giúp hàng triệu người nghèo về y tế, giáo dục, phát triển sản xuất, xây dựng hàng ngàn trường học, cầu dân sinh…

Thủ tướng cho biết, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều từ xấp xỉ 10%/năm vào năm 2015 đã giảm xuống còn khoảng 4%/năm vào cuối năm 2019. Tám huyện đã thoát nghèo, 160 xã và 1.300 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới trực tiếp tham gia khảo sát mức sống hộ ở Việt Nam qua nhiều năm và kết luận rằng, công cuộc giảm nghèo của chúng ta ấn tượng nhất trên thế giới.

“Bên cạnh hàng triệu người có cuộc sống ấm no thì cũng còn hàng nghìn, hàng vạn đồng bào của chúng ta đang chịu cảnh thiên tai, bão lũ, nhiều gia đình tang thương, mất người, mất nhà, bị đất đá vùi lấp hoặc nước lũ cuốn trôi. Có rất nhiều hộ đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn, nhiều hộ thoát nghèo rồi nay có thể tái nghèo”, Thủ tướng bày tỏ.

Chúng ta phải tiếp tục động viên và giúp đỡ họ một cách trách nhiệm, tình thương, chia sẻ và thiết thực. Nỗ lực giảm nghèo cần tiếp tục đẩy mạnh với sự kiên trì, bền bỉ khi vẫn còn hơn 2 triệu hộ nghèo và cận nghèo, còn 2.000 xã, gần 20.000 thôn, bản đặc biệt khó khăn, hàng vạn cháu nhỏ chưa đủ áo ấm, suy dinh dưỡng.

Ngay tại chương trình, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đã ủng hộ, cam kết ủng hộ số tiền lên tới 877 tỷ đồng, trong đó TP Hà Nội ủng hộ 5 tỷ đồng.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện mạnh mẽ và hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã hội đoàn kết, nhân ái để đồng hành cùng đồng bào thoát nghèo, vươn lên, có cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn cả về vật chất và tinh thần.

Nhà nước tiếp tục ưu tiên nguồn lực nhưng rất cần sự nỗ lực vươn lên của bản thân người nghèo, bên cạnh vai trò đồng hành, hỗ trợ không thể thiếu của các tổ chức, cá nhân, doanh nhân trong và ngoài nước.

“Nghĩ về đồng bào với những khó khăn, vất vả trong cuộc sống lại càng thôi thúc chúng ta phải tận tâm, tận lực, làm hết mình để quyết tâm đưa đất nước vươn lên, trở thành quốc gia thu nhập cao, nhân dân được ấm no, hành phúc, sống trong xã hội dân chủ, công bằng, nhân ái, văn minh”, Thủ tướng phát biểu.

Dẫn 2 câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Thương nhau chia củ sắn lùi. Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”, Thủ tướng mong muốn “chúng ta cùng tiếp tục hành động cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thủ tướng đề nghị “tất cả quí vị và đồng bào ta đang theo chương trình hãy cầm điện thoại soạn VNN n gửi 1408 (n là số lần ủng hộ 20.000 đồng), mỗi tin nhắn, một tấm lòng vì người nghèo”.

Chương trình có sự xuất hiện của cụ bà Đỗ Thị Mơ, 83 tuổi, quê ở Thanh Hóa với lá đơn xin thoát nghèo. Bà Mơ mộc mạc chia sẻ: “Tuy cao tuổi, nhưng tuổi cao thì ý trí càng cao, mỗi người phải có tư duy để tính toán cho cuộc sống và bản lĩnh cho quyết tâm của mình thì sẽ quyết tâm vươn lên thoát nghèo được”.

Là người từng tham gia chiến trường, hiểu được nỗi đau của những người mẹ có những đứa con thơ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, hay những người lính đã hy sinh một phần xương, máu của mình ngoài chiến trường, cụ bà Đỗ Thị Mơ chia sẻ: tôi 83 tuổi, chân tay tôi còn lành lặn, còn làm được việc thì cớ sao không xin thoát nghèo, bởi xã hội hôm nay còn rất nhiều người cần được cưu mang…

*Mọi đóng góp, ủng hộ người nghèo có thể gửi qua hệ thống tin nhắn theo cú pháp: VNN n gửi 1408 (20.000/tin nhắn) đến hết ngày 31/12/2019 (trong đó n là số lần ủng hộ 20.000đ; n giới hạn từ 1 đến 100. Số lần nhắn tin không bị gới hạn.