Cả nước có gần 111.000 tàu đánh cá

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ NN&PTNT, nghề khai thác thủy sản ở nước ta trong những năm vừa qua đã có bước phát triển rất mạnh, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội, góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo.

Thống kê cho thấy, năm 1990, cả nước có khoảng 41.000 tàu khai thác thủy sản với tổng công suất máy 727.500 CV, khai thác chủ yếu vùng biển ven bờ, sản lượng khai thác 672.000 tấn. Đến nay, tổng số tàu cá trên toàn quốc có 110.950 tàu cá, sản lượng khai thác đạt hơn 3 triệu tấn, trong đó giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 3,3 tỷ USD, chiếm hơn 43,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, tạo công ăn việc làm cho khoảng 650.000 lao động trực tiếp trên biển và hàng triệu lao động dịch vụ trên bờ.
Tàu đánh bắt cá tại Lý Sơn, Quảng Ngãi.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, những năm gần đây, Bộ đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp để đảm bảo phát triển hiệu quả bền vững về khai thác thủy sản, kiểm soát tốt cường lực khai thác trên các vùng biển. Đồng thời phát huy tối đa các nguồn lực, các hoạt động hỗ trợ phục vụ cho khai thác hải sản có hiệu quả, gắn khai thác hải sản với bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái, giảm tổn thất sau thu hoạch.
Tính đến năm 2017, tổng số tàu cá trên toàn quốc là 110.950 tàu, trong đó tàu khai thác có 108.619 chiếc (chiếm 97,89%), tàu dịch vụ hậu cần 2.331 (chiếm 2,11%). Thực hiện mục tiêu hiện đại hóa tàu cá, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản và Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa đã hỗ trợ ngư dân vay vốn tín dụng đóng mới nâng cấp tàu cá. Nhờ đó, số lượng tàu cá khai thác xa bờ công suất lớn hơn 90CV từ 21.000 chiếc (năm 2011) đã tăng lên 33.410 chiếc (năm 2017), trong đó có 14.625 tàu cá có công suất lớn hơn 400CV.Đặc biệt là các tàu vỏ thép có công suất trên 800CV đã được ngư dân đầu tư đóng mới, trang bị đầy đủ về an toàn và từng bước hiện đại hóa các trang thiết bị khai thác.
Về quản lý khai thác hải sản, năm 2016 có 4.526 tổ, đội với khoảng 27.150 tàu cá và 149.500 người đã khẳng định hiệu quả của mô hình tổ đội sản xuất trên biển. Việc khai thác gần bờ từng bước được quản lý thông qua các biện pháp kiểm soát số lượng tàu, tạm dừng việc đóng mới tàu cá làm nghề lưới kéo, chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, khuyến khích phát triển nghề khai thác thủy sản xa bờ. Hiện nay, phần lớn khối tàu khai thác ven bờ đã được cấp xác nhận đã đăng ký hoặc đăng ký phương tiện, cấp giấy phép hoạt động để quản lý.

Trong báo cáo gửi tới Quốc hội trả lời chất vấn tại kỳ họp 3, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, dịch vụ hậu cần nghề cá cũng từng bước được cải thiện. Đến nay, cả nước đã đầu tư xây dựng, nâng cấp và mở rộng được 83 cảng cá đáp ứng cho khoảng 82.000 tàu cá cập cảng, lượng hàng thủy sản qua cảng đạt khoảng 1,6 triệu tấn. Ngoài ra, đã và đang đầu tư xây dựng 65 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, trong đó có 51 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đã được hoàn thành với sức chứa 40.000 tàu. “Bộ NN&PTNT đã công bố 235 cơ sở đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá đủ điều kiện, 60 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn 23 tỉnh, TP ven biển” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần