Cà phê lúc 0 giờ

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ 0 giờ ngày 2/3, Hà Nội cho phép các cửa hàng cà phê mở cửa trở lại sau 14 ngày TP không phát hiện thêm ca nhiễm Covid-19 mới. Từ đêm, nhân viên các cửa hàng cà phê đã thức trắng để lau dọn, vệ sinh, chuẩn bị đón chào những vị khách đầu tiên, cũng là ngày mở hàng trong năm mới.

 Ảnh: Lại Tấn
Nhớ lại thời điểm này một năm trước, người dân Hà Nội còn lo ngại với ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai và những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Thủ đô. Ngày 26/3/2020, công an, UBND các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đồng loạt ra quân tuyên truyền, vận động các cửa hàng kinh doanh dịch vụ không thiết yếu trong đó có các cơ sở kinh doanh cà phê dừng hoạt động. Khi đó, chủ các cơ sở kinh doanh đều lo lắng, trăn trở vì “cần câu cơm” bị ảnh hưởng. Vì sợ mất khách, chủ nhiều quán cà phê còn thuyết phục nhân viên ở lại, bao ăn, bao ở để có người pha chế đồ uống cho khách mua mang đi. Thậm chí, chủ một cửa hàng cà phê ở Xã Đàn còn cố mở cửa chỉ để gắng bán thêm một tiếng trước giờ “quan đi tuần”. Lúc đó, khách vẫn đông đúc, người dân ngồi tràn ra vỉa hè để hưởng nốt một chút hương vị cà phê Thủ đô. Sau đó một thời gian dài, Hà Nội vắng lặng, tất cả các quán cà phê, hàng ăn phải đóng cửa. Chủ các quán cà phê khóc ròng vì hàng tháng vẫn phải trả tiền thuê nhà.
Trở lại năm Tân Sửu, khi được phép mở cửa trở lại, văn hóa cà phê ở Thủ đô trong bối cảnh dịch bệnh ít nhiều đã khác trước. Người dân thay vì ngồi vỉa hè đã chấp nhận “chui” vào quán để nhâm nhi, hít gió điều hòa. Giờ cũng ít còn cảnh khách hàng ngồi túm năm tụm ba, trò chuyện, cùng nhìn vào một chiếc máy tính hay điện thoại. Họ tự ý thức được việc giữ khoảng cách, đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần và thường xuyên sử dụng nước rửa tay sát khuẩn. Ai quên thì đã có người nhắc. Nhờ đó, khách có quên cũng giật mình mà tuân thủ. Chủ các cửa hàng cà phê vui vẻ hơn vì áp lực kinh tế phần nào được giải tỏa.

Nhưng trong bức tranh chung ấy, người ta vẫn dễ bắt gặp một số chủ cơ sở kinh doanh vì đồng tiền mà cố tình quên đi quy định phòng, chống dịch. Chúng ta vẫn dễ bắt gặp cảnh quán cà phê để khách ngồi tràn ra vỉa hè, nhân viên và khách đều không đeo khẩu trang. Có lẽ, vì miếng cơm manh áo, họ chấp nhận mạo hiểm, kinh doanh chộp giật. Hà Nội đã hơn một năm phòng, chống dịch quyết liệt nên ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến các loại hình kinh doanh dịch vụ cũng đã rõ, vì vậy, thời điểm này khó có thể nhỏ nhẹ nhắc nhau như trước. Chủ các cơ sở kinh doanh, khách hàng cần nâng cao ý thức. Bởi, hành vi vi phạm quy định không chỉ bị xử phạt mà còn khiến những nỗ lực phòng chống dịch suốt thời gian dài bị ảnh hưởng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần