Các cường quốc châu Âu hợp tác với Nga quyết cứu JCPOA

Nguyễn Phương (Theo Newsweek)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cường quốc châu Âu khẳng định tiếp tục “hợp tác” với Nga và Trung Quốc để duy trì Thỏa thuận hạt nhân Iran mặc dù Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận này.

Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Đức, Anh, Trung Quốc và Nga đã thể hiện sự "đoàn kết" trong nỗ lực duy trì Thỏa thuận hạt nhân được ký với Iran năm 2015 bất chấp sức ép và phản đối mạnh mẽ từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Các cường quốc châu Âu hợp tác với Nga quyết cứu JCPOA.
Ngày 1/9, trong cuộc họp đầu tiên tại thủ đô Vienna của Áo kể từ khi Mỹ tuyên bố nỗ lực khôi phục  lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc đối với Iran, đại diện Iran cùng giới chức Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức đã cam kết nỗ lực bằng mọi biện pháp để duy trì Thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Các nhà ngoại giao châu Âu và Trung Quốc tuyên bố ủng hộ cuộc gặp của các bên còn lại trong JCPOA và thể hiện sự đồng thuận trong việc duy trì thỏa thuận hạt nhân đa phương này bất chấp sức ép từ phía Mỹ.
Viết trên trang Twitter, bà Helga Maria Schmid - đại diện của EU cho biết, các bên tham gia đã thống nhất kiên quyết duy trì JCPOA và tìm cách đảm bảo việc thực thi đầy đủ thỏa thuận này bất chấp những thách thức hiện tại.
Phát biểu tại cuộc họp báo, đại diện phía Trung Quốc - Vụ trưởng Vụ Kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Fu Cong cho biết tất cả các đại diện của quốc gia tham gia đều cam kết tiếp tục duy trì JCPOA.
Trong khi đó, nhà ngoại giao Nga Mikhail Ulyanov, đại diện của Moscow tại Vienna, viết dòng tweet nhấn mạnh rằng với quyết định đơn phương rút khỏi JCPOA từ ngày 8/5/2018, Mỹ không thể được xem là một bên tham gia thỏa thuận hạt nhân này".
Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga đều đang nỗ lực cứu vãn thỏa thuận JCPOA ký với Iran, sau khi Tehran từng bước nối lại hoạt động hạt nhân từ năm ngoái.
Chính phủ Iran cho rằng nước này hoàn toàn có quyền như vậy sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018 và tái áp đặt lệnh trừng phạt chống Iran.Theo báo cáo của IAEA công bố vào tháng 6, lượng urani làm giàu của Iran đã gần gấp 8 lần mức giới hạn trong thỏa thuận JCPOA.
Trước đó Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 20/8 đã tới trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) để chính thức kích hoạt “quy trình đảo ngược” nhằm tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran, một bước đi có thể phá hủy hoàn toàn JCPOA.
Mỹ quyết định tiến hành bước đi trên sau khi không được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết kéo dài lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran trong cuộc họp hôm 14/8 vừa qua. Lệnh cấm vận này sẽ hết hạn vào ngày 18/10 tới. Theo người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Morgan Ortagus, Washington không chỉ muốn tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt Iran mà còn yêu cầu Tehran phải ngừng tất cả các hoạt động liên quan tới làm giàu urani./.