Các địa phương chủ động ứng phó cơn bão số 10

Nguyên Bảo (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương thông tin, đến 4h sáng 14/9, tâm bão số 10 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 140 km về phía đông nam với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm đạt cấp 10 (90-100 km/h), giật cấp 13.

Ngày và đêm nay, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km và tiếp tục mạnh lên. Đến 4h ngày 15/9, tâm bão cách bờ biển các tỉnh Nghệ An - Quảng Trị khoảng 190 km về phía đông. Lúc này bão đã mạnh tới cấp 13 (135-150 km/h), giật cấp 15.
Đây là cơn bão rất mạnh, diễn biến của bão phức tạp, để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão và mưa lũ do bão, chiều tối 13/9, Thủ tướng Chính phủ có công điện về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó bão số 10.
 Hướng di chuyển của cơn bão số 10. 
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, các bộ ngành và các địa phương có liên quan hoãn các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với bão theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Hà Nội

Đến cuối giờ chiều 13/9, Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết đã chuẩn bị 20.000 bao tải cát, 10.000m2 bạt chắn sóng, 30 xuồng, 15 động cơ... sẵn sàng ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp. Toàn thể Công ty chuyển sang chế độ trực ban 24/24h.
 Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai họp triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 10. Nguồn: Báo Tin tức.
Trước đó, Ban Chỉ huy Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở ngành liên quan có phương án cụ thể để đối phó với cơn bão số 10; yêu cầu Công ty Thoát nước Hà Nội kiểm tra các cửa đập điều tiết như Thanh Liệt, hồ Ba Mẫu, hồ Bảy Mẫu... đảm bảo vận hành tốt, các cửa phai hồ điều hòa đã được mở 100% để đưa nước vào hồ khi có mưa lớn; Các kho vật tư dự phòng phòng chống thiên tai tại cụm công trình đầu mối Yên Sở và Bắc Thăng Long, Vân Trì được kiểm tra, sẵn sàng sử dụng khi cần huy động.

Thanh Hóa

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã ra Công điện yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do bão, lũ gây ra. Thanh Hóa đã thực hiện lệnh cấm biển từ 15 giờ chiều 13/9.

Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Nghệ An

Theo báo cáo nhanh số 67 của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, đến 14h ngày 13/9, toàn tỉnh có 4.463 phương tiện tàu, thuyền với 20.139 lao động hoạt động trên biển, trong đó có 3.332 tàu, thuyền và 14.369 lao động đã vào các nơi tránh trú bão an toàn. Hiện vẫn còn 1.131 tàu, thuyền với hơn 1.000 lao động đang hoạt động trên biển.
 Tàu cá của ngư dân Nghệ An khẩn trương vào bờ tránh bão. 
Cơ quan chức năng đã ra lệnh cấm ra khơi, kể từ 7h ngày 14/9; đồng thời kêu gọi các tàu thuyền vào bờ, tìm nơi trú tránh an toàn.

Vào 4h ngày 13/9, tàu cá NA 2506TS bị hư hỏng do đâm vào đá ngầm tại vùng biển Nghệ An. Bộ đội biên phòng tỉnh đã cứu và đưa vào bờ 2 thuyền viên cùng tài sản trên tàu.

Nghệ An quy định, nếu địa phương nào có người chết do bão số 10, Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Hà Tĩnh

Được dự kiến là một trong số các địa phương bão số 10 trực tiếp đổ bộ, tỉnh Hà Tĩnh cũng khẩn trương kêu gọi tàu, thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn. Toàn tỉnh có trên 6.100 tàu thuyền với khoảng 17.670 lao động, nhưng hiện có 1.850 tàu thuyền với 6.900 lao động hoạt động trên biển.

Bộ đội biên phòng tỉnh đang khẩn trương liên lạc và thông báo cho chủ phương tiện đang hoạt động trên biển nắm được thông tin về bão số 10.

Tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu các sở ngành, địa phương thành lập ngay đoàn công tác xuống tận thôn, xóm chỉ đạo, giúp người dân chằng chống nhà cửa, thu hoạch hoa màu, nhất là đối với 5% diện tích lúa hè thu còn lại.

Quảng Trị

UBND tỉnh đã huy động mọi lực lượng và phương tiện khẩn trương giúp dân thu hoạch lúa và hoa màu vụ hè thu.

Hiện nay, tại Quảng Trị còn gần 1.400 ha lúa chưa thu hoạch, trong đó 3/4 diện tích lúa đã chín đang được gặt với phương châm "xanh nhà hơn già đồng". Các địa phương ven biển cũng tăng cường công tác ứng phó bão số 10.

Chính quyền các huyện Gio Linh và Vĩnh Linh yêu cầu các xã, thị trấn di chuyển người dân và tài sản đến nơi an toàn, phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa Việt theo dõi, cập nhật thông tin về diễn biến đường đi của bão, thời tiết biển, kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền ở nơi an toàn; chủ động theo dõi, kiểm đếm, quản lí chặt chẽ không cho tàu thuyền ra khơi; đồng thời tiếp tục kêu gọi tàu thuyền nhanh chóng vào bờ hoặc tìm nơi tránh trú bão an toàn.

Đối với khu vực nuôi trồng thủy hải sản ở lồng bè, hồ ao, vùng thấp trũng cũng được khẩn trương thu hoạch nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trong mưa lũ. Ngành nông nghiệp đang tích cực phối hợp với các địa phương rà soát quy trình vận hành hồ chứa nước, chủ động phương án bảo vệ công trình và vùng hạ du.

Quảng Ngãi

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định cấm tàu thuyền ra khơi bắt đầu từ 18h ngày 13/9, bao gồm cả tàu vận tải, tàu khách tuyến Sa Kỳ, Lý Sơn.

Đồng thời, chỉ đạo cho bộ đội biên phòng cùng các đài Icom các huyện kêu gọi tàu thuyền còn ngoài khơi nhanh chóng vào đất liền hoặc tìm nơi trú ẩn

Các khu vực nuôi trồng thủy sản tuyệt đối không để người ở lại trên lồng bè phòng sóng to, gió lớn gây nguy hiểm. Đặc biệt, ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi dự kiến khoảng 13h ngày 14/9 bão số 10 sẽ tràn qua, hiện có 123 tàu thuyền của ngư dân cần nhanh chóng rời khỏi khu vực này đến nơi an toàn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần