Các địa phương dồn lực khắc phục thiệt hại do bão số 10

Kinhtedothi.vn (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, tất cả các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 10 đang khẩn trương khắc phục hậu quả.

Tại Quảng Bình, theo thống kê sơ bộ, sau bão số 10, toàn huyện Minh Hóa có trên 90% nhà dân đã bị tốc mái và 14 người bị thương. Trong đó, có 74 nhà dân bị sập đổ hoàn toàn, 38 nhà bị xiêu vẹo, 540 nhà dân bị ngập. Số nhà bị dân sập đổ hoàn toàn nhiều như xã Yên Hóa 12 nhà, Hồng Hóa 7 nhà, Dân Hóa 4 nhà... Số nhà dân bị ngập nhiều chủ yếu ở các xã Yên Hóa, Tân Hóa, Minh Hóa, Thượng Hóa. Ngoài ra, mưa bão khiến hàng nghìn ha rừng trồng của người dân trên địa bàn huyện bị gãy đổ có nguy cơ mất trắng…
Người dân xã Tân Hóa khắc phục hậu quả sau bão số 10.
Đến gần 12 giờ ngày 16/9, trên địa bàn huyện vẫn đang mất điện. Hệ thống thông tin liên lạc cơ bản đã hoạt động trở lại. Hiện, các cấp chính quyền địa phương và bà con nhân dân trong huyện đang ra sức khắc phục hậu quả. Theo ghi nhận của phóng viên, các tuyến đường chính trên địa bàn đã thông trở lại, nhiều nhà dân bị ngập nước đã rút…

Ông Đinh Hữu Niên, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: Do hệ thống thông tin liên lạc bị ảnh hưởng nên công tác báo cáo tình hình thiệt hại còn gặp nhiều khó khăn. Trước mắt, huyện đang chỉ đạo người dân tập trung dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, lợp lại những nhà bị tốc mái, dựng lại những nhà bị sập hoàn toàn. Huyện cũng đang chỉ đạo các lực lượng chức năng về cơ sở để giúp đỡ bà con, nhất là những hộ có người bị thương, nhà bị sập, các gia đình chính sách, gia đình neo đơn. Công tác bình ổn giá cả cũng được huyện chỉ đạo quyết liệt nên vẫn chưa có hiện tượng tăng giá sau bão. Các mặt hàng trên địa bàn vẫn cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân.
Tính đến 11 giờ ngày 16/9, toàn huyện Tuyên Hóa đã có 4 người bị mất tích, 20 người bị thương và 23 nhà dân gần như bị tốc mái hoàn toàn...
 Người dân xã Kim Hoá khẩn trương giúp nhau thu dọn vệ sinh sau bão.
Sáng 16/9, tranh thủ thời tiết nắng lên, người dân các địa phương ở Tuyên Hoá đã khẩn trương khắc phục hậu quả do bão gây ra, từng bước ổn định đời sống, sản xuất.

Với quan điểm "còn da lông mọc, còn chồi nảy cây", nhiều người dân Tuyên Hoá đã tích cực động viên cùng nhau tiến hành dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh đường sá, sửa chữa lại các công trình đã bị hư hỏng… Ngoài con số thiệt hại như tin đã đưa, thị xã Ba Đồn có thêm 5 người bị thương khi đang tập trung chống bão số 10 (xã Quảng Tân) và 5 ngôi nhà bị sập (2 nhà ở Quảng Phúc, 2 nhà ở Quảng Tiên và 1 nhà ở Quảng Minh).
 Thị xã Ba Đồn huy động các lực lượng chung tay dọn vệ sinh cho các trường học bị thiệt hại nặng.
Trên địa bàn thị xã có nhiều trường học bị tốc mái, sập tường rào, nhà ăn nội trú như: TH Quảng Lộc, THCS Quảng Lộc, Mầm non Quảng Thọ, TH số 2 Ba Đồn và TH số 1 Ba Đồn... Toàn thị xã có trên 100ha đất sản xuất nông nghiệp bị ngập mặn do triều cường dâng cao, tập trung chủ yếu tại phường Quảng Thuận và Quảng Phúc.

Ngoài ra, phần lớn diện tích rau màu ở vụ thu-đông bị hư hại hoàn toàn, trong đó thiệt hại nặng là phường Quảng Long 30ha, xã Quảng Hòa 15ha... Hệ thống cột điện, dây điện, cột thông tin truyền thông trên địa bàn các xã, phường bị hư hỏng, đổ gãy khá nhiều, gây thiệt hại lớn về kinh tế trên địa bàn thị xã.
 Các trường học trên địa bàn thị xã Ba Đồn khẩn trương khắc phục hậu quả của bão.
Ngay sau khi bão số 10 đi qua, sáng 16/9, thị xã Ba Đồn đã thành lập các đoàn công tác trực tiếp về cơ sở kiểm tra, nắm tình hình, chỉ đạo các biện pháp khắc phục hậu quả và thăm hỏi, động viên gia đình bị thiệt hại nặng.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại, người dân thị xã Ba Đồn đang tích cực thu dọn nhà cửa, làm vệ sinh môi trường, cắt tỉa cành cây bị gãy đổ ở các tuyến đường giao thông nhằm bảo đảm đi lại thuận lợi. Các địa phương, đơn vị bị ảnh hưởng nặng đã chủ động phối hợp với các lực lượng Công an, Ban CHQS thị xã và lực lượng đoàn viên thanh niên triển khai thu dọn vệ sinh, khắc phục thiệt hại.
 
Thị xã Ba Đồn đang tiếp tục nắm bắt thông tin về con số thiệt hại do bão số 10 gây ra để có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân.
Tại Hà Tĩnh, sáng nay (16/9), hàng chục ngàn người dân ở các xã ven biển Hà Tĩnh đã quay trở về nhà sau một ngày di tản tránh bão số 10. Cùng với các lực lượng tình nguyện, người dân đang khẩn trương dọn dẹp, khắc phục, sửa chữa nhà cửa, vật dụng, sớm ổn định cuộc sống. Hơn 5.000 người dân Cẩm Nhượng cũng đã trở về sau một ngày đi tránh bão.
 Người dân kinh doanh tại bãi biển Thiên Cầm dọn dẹp, sửa chữa lại nhà hàng sau bão
Cũng trong sáng nay, sau khi bão tan, hàng trăm thanh niên tình nguyện, Đồn Biên phòng Lach Kèn, Ban CHQS huyện, Công an huyện Nghi Xuân và Cảnh sát biển (Hải đội 102 Cảnh sát biển vùng 1) đã trực tiếp xuống các xã giúp nhân dân dọn dẹp, sửa sang lại nhà cửa. Lực lượng tình nguyện giúp người dân Xuân Phổ sửa sang lại nhà cửa. Xuân Phổ là xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi có 69 ngôi nhà bị sập, tốc mái, trong đó có 20 ngôi nhà bị hư hỏng nặng.
Theo thống kê sơ bộ, sau bão số 10, trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh có khoảng 2.000 cây xanh bị gãy đổ. Theo đó, hiện nay có hơn 400 tấn rác từ cành lá cây và rác thải sinh hoạt cần phải thu dọn.
 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh huy động hơn 200 cán bộ, chiến sỹ giúp người dân huyện Kỳ Anh khắc phục hậu quả bão số 10
 Lực lượng tình nguyện giúp người dân Xuân Phổ sửa sang lại nhà cửa. 
Ngoài ra, gần 70 CBCS Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS huyện Lộc Hà và Công an huyện Lộc Hà cùng nhiều phương tiện ra quân giúp nhân dân xã Thạch Kim khắc phục hậu quả do bão số 10 gây ra tại kè chắn sóng biển Cửa Sót và khu vực chợ Hôm.
 

Cũng trong sáng nay, hơn 150 CBCS của Công an tỉnh đã tăng cường cho Công an huyện Kỳ Anh để giúp dân khắc phục hậu quả bão số 10. Riêng tại TX. Kỳ Anh 30 CBCS của Đồn Cảnh sát PCCC&CNCH Vũng Áng đã xuống đường thu dọn cây cối, đá sỏi, rác rưởi ở tuyến đường dài hơn 2km từ tổ dân phố Đông Kinh – tổ dân phố Đông Tiến, phường Kỳ Trinh (TX Kỳ Anh).
Chiều nay và những ngày tới, lực lượng công an, quân sự tỉnh và huyện Lộc Hà tiếp tục ra quân giúp bà con địa phương khắc phục xong hậu quả bão số 10, ổn định sản xuất - kinh doanh.

Tại Nghệ An, trong bão số 10, toàn tỉnh có 4.016 phương tiện/18.541 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản vào trú tránh bão bảo đảm an toàn; 625 hồ đập hiện đảm bảo an toàn.

Theo tin từ UBND tỉnh, Nghệ An có 1 người chết, 1 người bị thương và ước tính thiệt hại khoảng 518 tỷ đồng do bão số 10.

Theo báo cáo nhanh của UBND của các địa phương, đơn vị, tổng hợp thiệt hại ban đầu đến 16 giờ ngày 15/9/2017 của 12/21 đơn vị (TX Cửa Lò, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, TP Vinh, TX Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Yên Thành, Đô Lương, Nghĩa Đàn, Nam Đàn, Tương Dương), như sau: Về người, đã có 1 người chết là bà Đào Thị Thức, 83 tuổi, Phương Nghi Hải, Thị xã Cửa Lò; chết ngày 15/9/2017 do gió bão làm rơi tấm proximang trúng người, đã được người nhà đưa đi bệnh viện nhưng do bị thương nặng, tuổi cao, sức khỏe yếu nên đã tử vong.

 Lực lượng dân quân tự vệ xã Tam Thái kết hợp với bà con cố định lại một lồng cá bị trôi. Ảnh: Văn Trường.

Có một người bị thương nặng là ông Ngụy Đình Ân, 60 tuổi, xóm Hùng Cường 1, xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ do chặt tỉa cành cây bị ngã, gãy cổ, ngày 14/9/2017.

Tổng số có 725 nhà ở, quán, ki ốt bị tốc mái, trong đó nhiều nhất là Thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc.

Có 65 hộ dân xóm Hòa Lam, xã Hưng Hòa,TP Vinh, bị ngập sâu 1-3m, hiện nay nước đã rút hết, các hộ dân đã về nhà.

 Lực lượng bộ đội, công an và dân bản cùng dọn dẹp bùn ngập tại Trường THCS xã Yên Tĩnh. Ảnh: Văn Trường

Về sản xuất Nông nghiệp: Lúa Mùa bị ngập, đổ, gãy 380 ha (Đô Lương, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai); Ngô và rau màu các loại bị ngập, đổ gãy: 2.348ha (Diễn Châu, Yên Thành, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Tương Dương); Nuôi trồng thủy sản: Bị ngập 271,5 ha (huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, TX Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Tương Dương).

Mặc dù sức tàn phá không như cơn bão số 2 vừa qua, nhưng bão số 10 cũng đã làm đổ, gãy 524 cây chủ yếu ở TX Cửa Lò, TP Vinh.

Toàn tỉnh có 4 điểm trường ở Quỳnh Lưu, Thị xã Cửa Lò bị tốc mái, 200m tường rào bị đổ.

Một trong những thiệt hại nặng nề của Nghệ An là hư hỏng các công trình thủy lợi, trong đó sạt lở 10 mái đập, 1.675m đê biển (huyện Quỳnh Lưu, Thị xã Hoàng Mai), 750 m đê sông Mai Giang, thị xã Hoàng Mai; sạt lở 900 m bờ sông (sông Rộ, huyện Thanh Chương: 500m; sông Lam, đoạn xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương: 400m).

Ngoài ra, bão số 10 còn làm hư hỏng, sạt lở 7,5km đường giao thông nông thôn, trôi 11 cống nhỏ...

 Tràn Hiếu, xã Nghĩa Thịnh được đặt biển cảnh báo khi qua lại.Ảnh: Minh Thái

Ước thiệt hại ban đầu về kinh tế do bão số 10 tại Nghệ An là khoảng 518 tỷ đồng.

UBND tỉnh cũng đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm đó là tiếp tục kiểm tra tình hình thiệt hại, thăm hỏi các gia đình có người bị chết, bị thương, giúp đỡ nhân dân tu sửa nhà cửa, ổn định đời sống vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất. Nắm chắc tình hình sự cố hư hỏng các công trình đê điều, hồ đập, điện, thông tin liên lạc để sớm khắc phục.

Các lực lượng vũ trang sẵn sàng lực lượng phương tiện để ứng cứu; hỗ trợ địa phương cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu. Vận hành các công trình tiêu úng, trục tiêu, kênh tiêu, phối hợp chặt chẽ với các công ty Thủy lợi để vận hành tiêu úng kịp thời cho khu vực đô thị cũng như khu vực dân cư và sản xuất nông nghiệp. Và nhất là tiếp tục đề phòng và triển khai các biện pháp đối phó với hoàn lưu bão mưa lớn do hoàn lưu bão. Tăng cường công tác tuyên truyền, công tác trực ban PCTT, cảnh giác với bão lũ.

Sáng 16/9, đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đã kiểm tra, tham gia dọn vệ sinh môi trường tại TP. Vinh và huyện Hưng Nguyên sau bão số 10.

Tại TP. Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác dọn vệ sinh tại phường Bến Thuỷ và khu vực chợ Vinh. Theo báo cáo của lãnh đạo TP. Vinh, địa phương này đã triển khai các lực lượng như công an, quân sự, đoàn viên, thanh niên và đông đảo quần chúng nhân dân để dọn vệ sinh môi trường ngay sau bão.

Đến kiểm tra tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, thị trấn Hưng Nguyên, Chủ tịch UBND tỉnh đã thăm hỏi các giáo viên nhà trường tình hình ảnh hưởng của bão; đồng thời ghi nhận tinh thần của tập thể nhà trường đã ra quân kịp thời ngay trong sáng nay (16/9) để tổng dọn vệ sinh môi trường ở trường.

 Chủ tịch UBND tỉnh cùng tham gia dọn vệ sinh môi trường tại khu vực gần Trường Đại học Vinh. Ảnh: Thành Duy

Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường kiểm tra, tham gia dọn vệ sinh với các đoàn viên, thanh niên gần khu vực Trường Đại học Vinh; các giáo viên của Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai.

Qua đó, người đứng đầu UBND tỉnh Nghệ An gửi đi thông điệp đến tất cả các địa phương phải tổ chức dọn vệ sinh kịp thời ngay sau bão nhằm đảm bảo môi trường; đặc biệt, trong tình trạng hiện nay đang có dịch sốt xuất huyết, do đó vấn đề môi trường phải đặt lên hàng đầu để không để dịch bệnh bùng phát.

 Đồng chí Nguyễn Xuân Đường cùng dọn vệ sinh môi trường với giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: Thành Duy

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Trách nhiệm mỗi người dân phải gắn với khu phố, lối xóm ra quân dọn vệ sinh môi trường, không trông chờ các đội vệ sinh môi trường; qua đây thể hiện tình đoàn kết, nhất trí trong xây dựng khối, xóm, phường xã văn minh, sạch đẹp.

Cũng trong sáng nay, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đã kiểm tra một công trình nhà cao tầng đang xây dựng ở phường Cửa Nam phải ngừng thi công do bão số 10. Qua đó đồng chí chỉ đạo các công trình xây dựng cần nối lại hoạt động thi công đảm bảo tiến độ, an toàn".

Tại Quảng Trị, ngày 16/9, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đi kiểm tra công tác khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng bão số 10; đến thăm, động viên, tặng quà cho các gia đình bị thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 10 trên địa bàn huyện Đakrông.

 Hình ảnh sau bão tại huyện Cam Lộ. Ảnh: K.K.S

Sau khi nhận được Công điện số 4560/CĐ-UBND của UBND tỉnh, huyện Đakrông đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nhanh chóng triển khai các phương án phòng tránh thiên tai; tổ chức các đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão ở cơ sở; tuyên truyền cho người dân không đánh cá, vớt gỗ, củi trên sông suối; di dời người dân đến nơi an toàn.

Huyện đã di đời 389 hộ, 1.627 nhân khẩu và tài sản ở vùng có nguy cơ bị ngập lụt và lũ quét đến nơi an toàn. Về tình hình thiệt hại, có 2 người bị thương do cây gãy đề lên chân và bị thương trong lúc hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa; hiện sức khỏe đang dần hồi phục tốt. Hơn 165 nhà bị tốc mái; nhiều diện tích lúa, sắn, chuối bị ngập úng, gãy đổ; nhiều công trình công cộng bị hư hỏng…

Huyện Đakrông đã nhanh chóng triển khai các phương án, biện pháp khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng bão số 10. Cụ thể như, chỉ đạo các xã, thị trấn huy động lực lượng đoàn viên thanh niên, dân quân tiến hành giúp dân dựng lại nhà cửa, thu dọn các cây gãy đổ; đảm bảo các tuyến đường thông thoáng, đi lại thuận lợi…; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, đồng thời trích ngân sách hỗ trợ cho các gia đình bị ảnh hưởng nặng.
 Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị thăm hỏi, động viên người dân bị thiệt hại do ảnh hưởng bão số 10. Ảnh: Báo Quảng Trị

Sau khi đi kiểm tra, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao tinh thần chủ động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang, các địa phương và người dân huyện Đakrông trong việc triển khai các phương án ứng phó với bão số 10 và khắc phục tình hình thiệt hại do ảnh hưởng cơn bão số 10.

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng đề nghị lãnh đạo huyện và các xã, thị trấn tiếp tục nêu cao tinh thần chủ động trong thực hiện công tác khắc phục hậu quả; tích cực hỗ trợ, giúp đỡ người dân dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống và khôi phục lại hoạt động sản xuất; đối với những công trình công cộng, đường xá bị hư hỏng nặng cần triển khai kịp thời biện pháp khắc phục, nếu số tiền khắc phục quá lớn thì cần báo cáo kịp thời lên tỉnh; đồng thời lưu ý, đối với những người dân ở gần vùng sông, suối, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân không đánh cá, vớt gỗ, củi khi mưa to, nước dâng cao, với quan điểm bảo đảm tính mạng người dân lên hàng đầu, nếu người nào không chấp hành thì triển khai các biện pháp xử lý; nhanh chóng hoàn thành công tác rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại một cách chính xác, và báo cáo kịp thời lên tỉnh để có biện pháp kịp thời và hiệu quả.

Chia sẻ với khó khăn của nhân dân sau bão số 10, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đến thăm, động viên, chia sẻ khó khăn và trao tặng quà cho 3 gia đình bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng bão số 10 là gia đình anh Hồ Văn Ngòi, gia đình anh Hồ Văn Việt cùng ở thôn Ka Hẹp và gia đình anh Hồ Văn Diệu ở thôn Tà Rụt 1 (Tà Rụt, Đakrông).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị lãnh đạo huyện Đakrông, xã Tà Tụt tiếp tục quan tâm giúp đỡ cho gia đình anh Ngòi, anh Việt, anh Diệu cũng như các gia đình bị ảnh hưởng do bão số 10 sớm ổn định cuộc sống và khôi phục lại sản xuất; các gia đình bị ảnh hưởng do cơn bão số 10 phải nỗ lực hết mình để vượt lên khó khăn, thách thức, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần