Các dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số chậm tiến độ, làm hạn chế hiệu quả phát triển kinh tế

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-"Rà soát cho thấy thu nhập bình quân đầu người của bà con khu vực đồng bào dân tộc thiểu số miền núi tại Thành phố còn thấp, giảm nghèo chưa bền vững. Nhất là những dự án đầu tư vào khu vực này còn chậm tiến độ, hiệu quả giúp phát triển kinh tế, nâng cấp về cơ sở hạ tầng xã hội chưa cao", Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thanh Bình nhận định.

Chiều nay (18/9), đoàn khảo sát của Ban Văn hoá-Xã hội và Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP Hà Nội đã có buổi làm việc với Ban Dân tộc TP Hà Nội và các sở NN&PTNT, KH&ĐT, Tài chính về tình hình thực hiện các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2016-2020.
Tại buổi làm việc, bên cạnh những kết quả đạt được trong phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020, đại diện lãnh đạo các sở, ngành đã phản ánh không ít khó khăn, hạn chế còn tồn tại. Theo Trưởng ban Dân tộc TP Nguyễn Tất Vinh, nguồn vốn đầu tư của TP bố trí cho Kế hoạch 138/KH-UBND còn rất hạn chế, mới chỉ đầu tư được 1.050 tỷ đồng/2.324 tỷ đồng, đạt khoảng 45% kế hoạch đề ra. Trong đó, TP chưa bố trí vốn cho một số lĩnh vực như văn hoá, nước sinh hoạt, hỗ trợ phát triển sản xuất…, nên làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn Hà Nội. CÙng đó, việc đầu tư thực hiện các chương trình, dự án còn dàn trải, công tác triển khai thi công kéo dài nhất là các dự án về giao thông, kết cấu hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ và nhanh xuống cấp, các thiết chế văn hoá chưa đáp ứng yêu cầu, chất lượng giáo dục còn hạn chế và chưa đồng đều, trình độ năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc và cán bộ là người dân tộc thiểu số ở một số nơi còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng chưa bền vững…
 Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thanh Bình phát biểu kết luận tại buổi làm việc
Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường, hạn chế hiện nay trong phát triển kinh tế ở các xã miền núi là việc huy động nguồn lực của doanh nghiệp, cộng đồng chưa mạnh mẽ; kiến thức về khoa học kỹ thuật của người dân các xã này còn hạn chế, phương thức sản xuất chủ yếu theo truyền thống, chưa có chuỗi giá trị nên hiệu quả không cao. Ngoài ra, chính sách đặc thù còn thiếu, doanh nghiệp khó tiếp cận tài nguyên đất đai để phát triển.
Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Tiến Thiết cho biết, nguồn vốn chương trình, dự án cho phát triển KT-XH vùng dân tộc miền núi chủ yếu được lồng ghép trong các chương trình, dự án lớn. Trong đó, chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số thời gian qua đã có hiệu quả, phát huy tác dụng nâng cao đời sống cho người dân, song việc quản lý nguồn vốn cũng cần có những giải pháp để chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Văn hoá-Xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình thay mặt đoàn khảo sát đánh giá, qua khảo sát thực tế và trao đổi, tổng hợp từ báo cáo của các sở, ngành cho thấy, nhiều chỉ tiêu cơ bản đã được thực hiện đối với các xã vùng đồng bào dân tộc miền núi, nhất là tỷ lệ hộ nghèo khu vực này giảm nhanh so với đầu kỳ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Tuy nhiên, rà soát cũng thể hiện thu nhập bình quân đầu người của bà con khu vực miền núi còn thấp, việc giảm nghèo chưa bền vững, có thể xuất hiện tái nghèo. Những dự án đầu tư vào khu vực này còn chậm tiến độ, hiệu quả giúp phát triển kinh tế, nâng cấp về cơ sở hạ tầng xã hội chưa cao. Bên cạnh đó, những giải pháp triển khai Kế hoạch 138/KH-UBND chưa kịp thời, công tác phối hợp giữa các sở ngành với quận huyện chưa thực sự đồng bộ.
"Các sở ngành, đặc biệt  Ban Dân tộc TP cần sớm rà soát lại toàn bộ chương trình, dự án để dự báo, tham mưu đề ra kế hoạch sát thực tế, ưu tiên vào trọng tâm, từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư vào khu vực dân tộc miền núi, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, giúp TP phát triển đa dạng" - Trưởng Ban Văn hoá-Xã hội HĐND TP  đề nghị.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần