“Các dự án xẻ núi, phá rừng cần được rà soát để tìm thấy bất cập”

Khang Nhi-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thảo luận tại hội trường chiều 30/10, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, thời gian qua có rất nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường đã xảy ra, tình hình ô nhiễm không khí, đặc biệt ở thành phố lớn đã lên mức báo động đỏ. Khí thải độc hại không phải chỉ ở phương tiện giao thông đường bộ mà có đến 75% từ các nguồn thải khác.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết: "Cần sự can thiệp chính sách, sự phối hợp của nhiều ban, ngành địa phương mới có khả năng khắc phục vấn đề này. Không thể cải tạo không khí bằng các biện pháp đơn lẻ, như che giấu kết quả quan trắc, hay xử phạt vi phạm mà cần sự vào cuộc thực sự của cơ quan chức năng."

Nêu vấn đề tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói: "Chúng ta có Quỹ bảo vệ môi trường nhưng hoạt động của Quỹ này vẫn là dấu hỏi lớn cho cử tri. Liệu chúng ta có thể đưa tiêu chí rất cụ thể cải thiện chất lượng môi trường năm sau không xấu hơn năm trước.”
Vừa qua, vấn đề nước sạch đã tạo ra hình ảnh rất đặc biệt ở thủ đô Hà Nội như thời bao cấp để người dân đi xếp hàng hứng nước. “Sự việc này lộ ra sự quản lý lỏng lẻo trong quản lý nguồn nước, tạo ra nhiều khe hở để những cho những kẻ luồn lách thu lợi trên sức khỏe người dân. Do đó, cần rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật đã ký với công ty cấp nước cổ phần hóa để bảo đảm cấp nước sạch trên phạm vi cả nước", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, các dự án xẻ núi, phá rừng cần được rà soát để tìm thấy bất cập, khuyết điểm, tránh khi bị Nhân dân, báo chí phanh phui lại tìm ra cách che đậy không từ thủ đoạn nào dẫn đến tội ác. Đấy là chưa kể một bộ phận những người có trách nhiệm đã cho qua với suy nghĩ đơn giản “môi trường là cái gì rất chung chung, không chết ngay đâu mà sợ”.

Cùng đề cập nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) nhấn mạnh, nhiều vụ gây ô nhiễm môi trường như vụ cháy nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông, vụ đổ dầu thải vào nguồn nước sông Đà... cho thấy chính quyền nhiều nơi, trong đó có chính quyền đô thị còn lúng túng, chưa thực thi đầy đủ trách nhiệm với dân.

Từ thực tế đặt ra nhiều câu hỏi: Vì sao chính quyền nhiều vùng thường xuyên xảy ra lũ lụt không có biện pháp phòng ngừa, hạn chế thiệt hại cho dân như tăng cường trồng rừng, xây dựng công trình kiên cố chống lũ? Vì sao chính quyền nhiều vùng ô nhiễm không có biện pháp kiểm tra giám sát để kịp thời xử lý vi phạm? Rồi khi xảy ra vụ sự cố không kịp thời thông báo cho người dân để có biện pháp bảo vệ sức khoẻ, tính mạng?

Bà Thúy nhấn mạnh: “Bảo đảm quyền lợi, sức khỏe, tính mạng người dân là trách nhiệm lớn nhất của chính quyền. Chúng ta nên giảm bớt họp hành, mít tinh và các công việc bề nổi để nâng cao năng lực quản lý, phục vụ, hoàn thành những nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Chính phủ trong thời gian tới cần có biện pháp hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các tập thể, cá nhân có trách nhiệm để làm thay đổi thực trạng đáng buồn này”./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần