Các huyện kiến nghị gỡ khó trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sáng nay (14/5) tại UBND huyện Chương Mỹ, đoàn giám sát của Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội có buổi làm việc với đại diện 3 huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa về tình hình thực hiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

Tại đây, đại diện UBND các huyện và công ty dịch vụ đánh giá kết quả thực hiện công tác này, những khó khăn và kiến nghị TP hỗ trợ tháo gỡ. Theo Phòng Quản lý Đô thị huyện Chương Mỹ, UBND huyện đã đầu tư xây dựng (ĐTXD) đưa vào sử dụng 36 điểm tập kết rác nổi hợp vệ sinh tại 30 xã, thị trấn; đang triển khai 2 dự án Nhà máy (NM) xử lý rác thải Đồng Ké (xã Trần Phú) và núi Thoong (xã Tân Tiến). Nhưng địa bàn Chương Mỹ rộng, đông dân nên lượng rác thải sinh hoạt phát sinh lớn (163 tấn/ngày), lại chưa có điểm trung chuyển rác thải và theo phân luồng UBND TP thì lượng rác của huyện là 145 tấn/ngày, khiến công tác thu gom và vận chuyển rác thải nhiều hạn chế. Do trên địa bàn chưa có NM xử lý chất thải rắn nên huyện chưa chủ động việc xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh.
 Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc
Trong năm 2018-2019, rác thải tồn đọng nhiều tại các điểm tập kết, bởi theo phân luồng vận chuyển rác thải về khu xử lý chưa đáp ứng nhu cầu. Trên địa bàn lại có rất nhiều ngõ xóm dưới 2m phải thực hiện duy trì, mà TP chưa ban hành định mức kinh tế kỹ thuật để áp dụng cho loại ngõ này.
Về thu giá dịch vụ lĩnh vực VSMT, thiếu chế tài cần thiết và ý thức một bộ phận người dân, DN chưa cao nên dễ phát sinh đổ trộm, gian lận khối lượng... Mặt khác, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, giá dịch vụ VSMT với chất thải rắn công nghiệp thông thường hiện nay thấp, nên nguồn thu giá không đảm bảo chi cho hạng mục duy trì ngõ xóm.
Do đó, để quản lý chất thải rắn hiệu quả, UBND huyện Chương Mỹ đề nghị TP chỉ đạo các sở, ngành đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục ĐTXD 2 NM Núi Thoong, Đồng Ké; UBND TP sớm ban hành quyết định bổ sung, điều chỉnh khối lượng công tác VSMT trên địa bàn huyện giai đoạn 2018-2019 và các định mức KT-KT, đơn giá còn thiếu trong lĩnh vực VSMT. Đồng thời, điều chỉnh tăng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; bổ sung chi phí quản lý bãi rác theo hướng tính đủ chi phí; có cơ chế hỗ trợ kinh phí thanh toán hạng mục duy trì ngõ xóm.
Cùng tình trạng tương tự, huyện Thanh Oai đề nghị hoàn thiện văn bản pháp luật về quản lý chất thải rắn trong đó phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; rõ chức năng quản lý nhà nước với chất thải rắn nông thôn, công nghiệp, làng nghề; cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường với chất thải rắn theo phân cấp quản lý. Phòng Quản lý đô thị huyện Ứng Hòa thì đề nghị TP hỗ trợ vốn để huyện xây mới, cải tạo những điểm tập kết xuống cấp.
Về phía DN dịch vụ, lãnh đạo Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai phản ánh khó khăn nổi bật hiện nay của các DN làm dịch vụ thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại các huyện là chậm được thanh toán nguồn kinh phí. Công ty hiện bị chậm hơn 17,9 tỷ đồng, chiếm 30% tổng giá trị thực hiện 2017-2018, gây khó cho nhà thầu trong duy trì sản xuất và thực hiện chế độ cho NLĐ, trong khi không thể chậm thuế khi đã được ghi nhận doanh thu. Nên, HĐND TP cần sớm giải quyết bù chênh lệch đơn giá các hạng mục duy trì VSMT do thay đổi yếu tố đầu vào về tiền lương, nhiên liệu... giữa đơn giá tại Quyết định 6841/QĐ-UBND ngày 13/12/2016 và thực tế biến động năm 2017-2018; ban hành bộ đơn giá duy trì VSMT tại TP thay thế bộ đơn giá tại Quyết định 6841 để thực hiện từ 1/1/2019 tính đúng, tính đủ yếu tố cấu thành (tiền lương, nhiên liệu...).
Qua các ý kiến từ huyện, DN, sở, ngành, đoàn ghi nhận chuyển biến tích cực của các huyện gần đây và khẳng định sẽ xem xét các kiến nghị, đề xuất HĐND TP. Song, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân đề nghị lãnh đạo các huyện chỉ đạo đơn vị chuyên môn bổ sung chi tiết hơn về kết quả đạt được, vướng mắc gặp phải để đoàn trao đổi thẳng thắn với các sở, ngành. Từ thực tiễn cơ sở, các huyện đề xuất giải pháp cụ thể để xử lý những tồn tại. Về phía lãnh đạo sở, ngành, cần ghi nhận ý kiến từ huyện để có giải pháp trước mắt và lâu dài, đưa ra trong buổi làm việc tới đây của đoàn với sở, ngành.