Các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến sản lượng dầu của OPEC giảm mạnh nhất kể từ năm 2015

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong số các thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), sản lượng dầu mỏ của Iran chứng kiến mức giảm nhiều nhất với 400.000 thùng dầu/ngày trong tháng 5.

Kết quả cuộc khảo sát của Reuters công bố ngày 31/5 cho thấy, trong tháng 5, mặc dù nhà xuất khẩu dầu hàng đầu OPEC Ả Rập Saudi đã tăng sản lượng nhưng không đủ bù đắp lượng dầu thiếu hụt tại Iran sau khi Mỹ siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu mỏ của Tehran.
Theo khảo sát của Reuters, 14 thành viên OPEC đã bơm 30,17 triệu thùng dầu/ngày trong tháng này, giảm 60.000 thùng/ngày so với tháng 4 và ghi nhận mức sản lượng thấp nhất của tổ chức này kể từ năm 2015.
 Sản lượng dầu của các nước OPEC trong tháng 5 chứng kiến mức thấp nhất kể từ năm 2015.
Sau khi gia tăng các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu mỏ Iran, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi Ả Rập Saudi lấp đầy khoảng trống mà Tehran để lại.
Cuộc khảo sát cho thấy mặc dù Riyadh đã tăng sản lượng sau áp lực từ Tổng thống Trump để kéo giảm giá dầu, tuy nhiên vương quốc dầu mỏ vẫn tự nguyện bơm ít dầu hơn theo cam kết cắt giảm sản xuất được OPEC và các đồng minh thực hiện từ đầu năm nay.
Một nguồn tin từ cơ quan giám sát sản lượng của OPEC cho biết:  “Chúng tôi đang chứng kiến ​​nguồn cung của OPEC trong tháng 5 này giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Các nước thành viên OPEC đều không tăng sản lượng khai thác dầu thô trong tháng này và nhiều quốc gia ghi nhận nguồn cung thấp hơn”.
Mặc dù nguồn cung dầu của OPEC giảm mạnh, giá “vàng đen” đã lao dốc từ mức cao nhất trong 6 tháng, giảm từ ngưỡng 75 USD/thùng thiết lập trong tháng 4, xuống còn gần 68 USD/thùng ở phiên 30/5, do chịu áp lực bởi lo ngại về tác động kinh tế của cuộc xung đột thương mại Mỹ -  Trung Quốc.
Trước đó, hồi cuối tháng 12 năm ngoái, OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga, còn được gọi là Nhóm OPEC+, đã đồng ý cắt giảm 1,2 triệu thùng dầu/ngày từ tháng 1/2019. Trong đó, 11 nước thành viên OPEC tự nguyện cắt giảm 800.000 thùng/ngày, trừ Iran, Libya và Venezuela.
Theo cuộc khảo sát, các nước này đã thực hiện được 96% mức cam kết cắt giảm sản lượng của OPEC+, thấp hơn mức 132% đạt được trong tháng 4, do sản xuất dầu mỏ của Ả Rập Saudi, Iraq và Angola tăng.
Cuộc khảo sát cho biết nguồn cung dầu của Ả Rập Saudi tăng khoảng 200.000 thùng/ngày lên mức 10,05 triệu thùng/ngày. Số liệu này vẫn thấp hơn hạn ngạch OPEC là 10,311 triệu thùng dầu/ngày.
Tuy nhiên, sản lượng dầu mỏ của Iran và Venezuela - hai trong số các thành viên OPEC được miễn trừ thực hiện thỏa thuận cắt giảm, đều giảm mạnh do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Sản lượng dầu mỏ của Iran trong tháng 5 chứng kiến mức giảm nhiều nhất trong số các nước OPEC với 400.000 thùng dầu/ngày, giảm hơn 50% so với mức xuất khẩu trong tháng 4.
Sau khi rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân Iran hồi tháng 5 năm ngoái, Mỹ đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran từ tháng 11/2018. Nhằm thực hiện mục tiêu cắt giảm xuất khẩu dầu mỏ của Iran về mức bằng 0, chính quyền Washington trong tháng này đã chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu của Iran.
Tại Venezuela, nguồn cung đã giảm 50.000 thùng/ngày trong tháng 5 do tác động của lệnh trừng phạt của Mỹ đối với công ty dầu mỏ nhà nước PDVSA và sự sụt giảm dài hạn trong sản xuất, theo cuộc khảo sát.
Nhóm OPEC+ dự kiến ​​gặp nhau vào cuối tháng 6 tới để quyết định có tiếp tục gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản xuất hay không. Cuộc họp này ở một thời điểm quan trọng đối với OPEC+. Trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm chạp có thể duy trì sản lượng được hạn chế, tổn thất nguồn cung ở một số thành viên OPEC như Iran và Venezuela hỗ trợ việc tăng sản lượng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần