Các Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy Hà Nội: Giải quyết kịp thời khó khăn từ thực tiễn

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rõ trọng tâm, trọng điểm cùng với các giải pháp cụ thể, những năm qua, cùng với các Chương trình trọng tâm công tác, các nghị quyết chuyên đề của Thành ủy cũng là những điểm nhấn đã giúp Hà Nội giải quyết hiệu quả, kịp thời những vấn đề khó khăn từ thực tiễn, tạo tiền đề quan trọng cho mục tiêu phát triển bền vững.

Người dân đi bộ quanh Hồ Gươm. Ảnh: Hải Linh
Tạo ổn định ngay từ cơ sở
Cùng với việc thực hiện hiệu quả các Nghị quyết chuyên đề của khóa XV như Nghị quyết 09-NQ/TU về “Tăng cường công tác xây dựng Ðảng và các đoàn thể Nhân dân trong các DN ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội”…, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 (khóa XVI), Thành ủy Hà Nội đã lần lượt ban hành các nghị quyết chuyên đề gắn với các lĩnh vực trọng tâm của TP.

Cụ thể, năm 2016, Thành ủy ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo”, Nghị quyết 08-NQ/TU về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khu Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo”. Năm 2017 tiếp tục có Nghị quyết 11-NQ/TU về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết 15-NQ/TU về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP”. Năm 2019. Nghị quyết 26-NQ/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP Hà Nội” được nhận định đáp ứng đúng những đòi hỏi từ thực tiễn phát triển của TP.

Các nghị quyết này đều được các đồng chí trong Thường trực Thành ủy trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên. Khi triển khai, những nghị quyết này đã phát huy hiệu quả cao trong thực tiễn, không chỉ giúp nhiều cấp ủy, giải quyết kịp thời những khó khăn trước mắt mà còn tạo tiền đề quan trọng cho mục tiêu phát triển bền vững.

Trong đó, Nghị quyết 15-NQ/TU được coi là một dấu ấn lớn trong nhiệm kỳ này. Nhờ thực hiện nghị quyết, lần đầu tiên, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, việc rà soát, đánh giá thực trạng, tổ chức và hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng, nhất là ở những địa bàn có vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được thực hiện ráo riết. Các cơ quan chức năng đã lập “bản đồ” được những “mắt xích” yếu kém. Ban Chỉ đạo cấp TP, rồi Ban Chỉ đạo các quận ủy, huyện ủy, thị ủy đã đưa vào danh sách theo dõi các tổ chức cơ sở Đảng cần quan tâm củng cố, các vụ việc phức tạp tồn đọng để tập trung giải quyết. Sau 3 năm triển khai, 100% tổ chức cơ sở Đảng thuộc diện cần theo dõi, củng cố này đã được củng cố thành công. Đồng thời, với sự vào cuộc quyết liệt, thậm chí phải xử lý kỷ luật cán bộ, các vụ việc nổi cộm cũng dần được giải quyết xong. Nhiều quận, huyện còn rà soát các vụ việc tiềm ẩn nguy cơ phức tạp ở địa bàn mình để đôn đốc, chủ động các giải pháp xử lý, tạo sự ổn định ngay từ cơ sở.

Hiệu quả bền vững

Nghị quyết chuyên đề cũng giúp tăng cường hơn vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy với nhiều việc trước đây vốn được coi là “việc của chính quyền". Điển hình như sau khi Nghị quyết 06-NQ/TU về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo” được triển khai đã thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực này. Bằng sự chỉ đạo quyết liệt cùng những cơ chế, chính sách cụ thể, đến nay, TP đã hoàn thành tất cả 4 chỉ tiêu nghị quyết đề ra (khách du lịch đến Hà Nội; tổng thu từ khách du lịch; công suất sử dụng phòng; đào tạo, bồi dưỡng). Ðáng chú ý, lượng khách du lịch giai đoạn 2016 - 2019 tăng nhanh, mức tăng bình quân ước đạt 10,1%/năm, trong đó năm 2019 đạt 28,945 triệu lượt. Riêng mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế đạt bình quân 21,2%/năm, hoàn thành sớm hai năm chỉ tiêu khách du lịch quốc tế đến Hà Nội được đề ra tại Nghị quyết.

Ở một lĩnh vực được nhiều người quan tâm là giải phóng mặt bằng các dự án, với Nghị quyết 08-NQ/TU, Thành ủy Hà Nội đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ổn định cuộc sống cho người bị thu hồi đất. Đồng thời, giảm dần các vụ việc khiếu kiện, không để phát sinh “điểm nóng” và tình trạng khiếu kiện đông người do nguyên nhân thu hồi đất, giải phóng mặt bằng…

Như nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu về xây dựng Đảng đã nhận định, bất cứ một chỉ thị, nghị quyết nào của Đảng được ban hành đều có nguyên nhân từ thực tại. Việc ban hành một nghị quyết chuyên đề riêng chính là cơ sở cho các Đảng bộ cơ sở triển khai thực hiện đồng bộ, tạo chuyển biến tốt trong thực tiễn. Bởi thế từ cách triển khai của Thành ủy, trong nhiệm kỳ qua, cấp ủy các cấp cũng cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng hơn khi ban hành nghị quyết chuyên đề, phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị, không còn tình trạng xây dựng nghị quyết chuyên đề cho đủ, tính khả thi không cao. Đây là những điểm nhấn nổi bật, kinh nghiệm quan trọng để thời gian tới, việc thực hiện các nghị quyết chuyên đề sẽ tiếp tục giúp Hà Nội phát triển bền vững hơn.