Các nhà giàn rung lắc trong bão số 16 giật cấp 15

Đức Thọ (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự báo, đêm nay bão số 16 tiếp tục gây mưa to, sóng lớn trên khu vực quần đảo Trường Sa. Lực lượng chức năng trên các đảo, các nhà giàn đang tập trung ứng phó, sẵn sàng các phương án ở mức độ cao nhất.

 
Bão quần thảo suốt đêm nay trên đảo Trường Sa
Thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo KTTV T.Ư về cơn bão số 16 (bão Tembin), trong 3 giờ vừa qua, ở đảo Trường Sa đã quan trắc được gió mạnh cấp 11, gió giật cấp 14 và tiếp tục có mưa bão.

Hồi 19h ngày 24/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,3 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, ngay trên đảo Trường Sa (thuộc quần đảo Trường Sa), cách Côn Đảo khoảng 600km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115 - 135km/giờ), giật cấp 15.

Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 300km về phía Tây Bắc, khoảng 200km về phía Đông Nam tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 14 có bán kính khoảng 100km tính từ vùng tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/h), đêm nay bão số 16 duy trì sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15 với sóng biển cao 8 - 10m ngay trên khu vực đảo Trường Sa và Huyền Trân; cấp độ rủi ro thiên tai do bão ở huyện đảo Trường Sa cấp 4 (rủi ro thiên tai rất lớn).

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/h). Đến 19h ngày 25/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,9 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100 - 115km/giờ), giật cấp 14, sóng biển cao từ 6 - 8 mét.
Trang bị trên các nhà giàn đã được buộc chặt. Ảnh: Infonet.
Sẵn sàng các phương án, chủ động ứng phó bão

Thông tin tổng hợp từ UBND huyện Trường Sa (Khánh Hòa), tối 24/12 bão số 16 đã quét qua các điểm đảo Phan Vinh, Tốc Tan, Núi Le, Tiên Nữ với sức gió cấp 11 - 12, giật trên cấp 12.

Lúc 19h30, tại thị trấn Trường Sa, sức gió cấp 9 - 10, giật trên cấp 11, có mưa lớn. Đến thời điểm trên 100% ngư dân và tàu thuyền trú tránh trên các đảo Trường Sa đều an toàn

Trung tá Đỗ Hải Đăng - Chính trị viên đảo Trường Sa thông tin trên báo Tuổi Trẻ, lúc 20h ngày 24/12 gió đang rất mạnh, giật cấp 14. Ngoài trời nhiều cây cối, mái tôn bay tứ tung.

Hiện nay người dân trên đảo đã được đưa vào tránh trú bão ở khu vực nhà kiên cố, đảm bảo cho người dân lương thực, nước uống trong thời gian bão đổ bộ. "Tính đến thời điểm hiện tại thì chúng tôi vẫn chưa tiếp nhận được thông tin nào thiệt hại về người", Trung tá Đăng cho biết thêm.

Còn ở đảo Trường Sa Đông, Trung tá Đỗ Minh Tuấn - Chính trị viên, cho biết hiện nay sức gió mỗi lúc mỗi mạnh, sóng cao hơn 10m.

Trong khi đó, theo tường thuật của PV báo Infonet, lúc 19h50 tình hình từ giàn khai thác RP3 (thuộc mỏ Rồng) rất căng thẳng. Lúc này gió bắt đầu thổi mạnh, sóng cao tới 10m, quần thảo dữ dội. Tất cả các nhân viên đã rút vào trú ẩn trong phòng, toàn cụm mỏ ngừng hoạt động. Đuốc trên giàn khoan đã tắt, chỉ còn điện chiếu sáng, các phòng đã được cột chặt hết. Hệ thống đường ống, bình, bồn và máy nến đã xả hết khí gas để đảm bảo an toàn tuyệt đối do đó không có khí gas làm nhiên liệu chạy máy phát điện mà máy phát điện sự cố phải chạy bằng diesel.

Giàn RP3 có khoảng 30 người đang vận hành, khai thác. Vào lúc 17h cùng ngày Công ty trực thăng Miền Nam đã vận chuyển 10 người về đất liền.

Tại mỏ Bạch Hổ, công tác di chuyển nhân viên, kỹ sư bắt đầu từ sáng ngày 24/12 và diễn ra suốt nhiều giờ sau đó. Tới buổi tối cùng ngày việc chằng chống, gia cố cơ sở vật chất tại đây đã hoàn thành. Toàn giàn chấp hành nghiêm chỉ đạo về triển khai các biện pháp ứng phó và đảm bảo an toàn, đặc biệt về con người.
Tàu cơ động chống sóng trực nhà giàn DK1: Ảnh: Văn Thành.
Tại nhà DK 1/7, Thiếu tá Nguyễn Tiến Long - Chính trị viên thông tin trên VTV1 lúc 19h, thời điểm trên thời tiết tại khu vực nhà giàn đang có sóng gió ở cấp 8, cấp 9, giật trên cấp 10, sóng cao trung bình từ 6 - 7m.

Bão hiện đã đổ bộ vào nhà giàn DK1, tâm bão cách nhà giàn khoảng 150 hải lý, các nhà giàn với công trình cũ đang rung lắc mạnh.

"Chúng tôi đã cập nhật hướng đi của bão thông qua các phương tiện thông tin và chỉ đạo của cấp trên, đã kêu gọi các tàu xuồng đánh cá của ngư dân vào khu vực tránh bão để đảm bảo an toàn, hiện tại khu vực này không còn ghe hoặc tàu cá nào của ngư dân nữa.

Đối với nhà giàn, chúng tôi làm các công tác phòng chống bão như chằng, buộc các trang thiết bị, vật tư, sắp xếp các kho tàng gọn gàng, thường xuyên có các phương án rời nhà nếu trong tình huống xấu nhất xảy ra", Thiếu tá Nguyễn Tiến Long cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần