Các nước Đông Nam Á đưa Grab vào tầm ngắm

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lần lượt các quốc gia tại Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, Singapore, Malaysia, Philippines đe dọa ngăn chặn việc Grab mua lại Uber nếu xuất hiện độc quyền.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết không loại trừ khả năng áp biện pháp phòng vệ nếu Grab độc quyền sau thương vụ Grab thâu tóm Uber hồi cuối tháng 3.
Theo ông Hải: "Không loại trừ khả năng chúng tôi sẽ áp dụng biện pháp tạm thời với Grab, Uber, song mọi phán quyết sẽ được đưa ra sau khi chúng tôi nhận được báo cáo về hợp đồng mua bán này".
 Các nước Đông Nam Á đưa Grab vào tầm ngắm. Ảnh minh họa.
Trong khi đó, ngày 2/4 Ủy ban Cạnh tranh của Philippines cho biết đang theo dõi thương vụ bán phần thị trường của Uber tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Philippines, cho công ty Grab có làm ảnh hưởng đến nguyên tắc cạnh tranh hay không.
Trong thông cáo phát đi, Ủy ban Cạnh tranh của Philippines (PCC) cho biết: "Thương vụ mua lại của Grab-Uber dường như có ảnh hưởng sâu rộng đến các dịch vụ vận tải công cộng. Do vậy, PCC đang xem xét hợp đồng này một cách chặt chẽ".
Ủy ban PCC cho biết sẽ gặp đại diện của hai công ty Uber và Grab để nắm thêm thông tin về khả năng xảy ra độc quyền trên thị trường vận tải khi Grab nắm luôn thị trường đã xây dựng của Uber.
Theo thông báo từ PCC, vụ sát nhập hoặc mua lại xem xét dưới góc độ cạnh tranh sẽ quyết định xem liệu cuộc sát nhập của hai doanh nghiệp trong thị trường chia sẻ xe có làm giảm đi tính cạnh tranh nhiều hay không.
Được biết, bà Datuk Seri Nancy Shukri, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Malaysia, ngày 1/4 xác nhận Ủy ban Vận tải công cộng đường bộ (Spad) của Malaysia sẽ cùng Ủy ban Cạnh tranh Malaysia (MyCC) kiểm tra thương vụ sáp nhập Grab-Uber tại Đông Nam Á.
Bà cho biết phía Grab trước khi thực hiện vụ sáp nhập đã cam đoan cấu trúc giá dịch vụ không bị tác động sau khi Uber rút lui. Trước đó, cả Spad và MyCC đã cảnh báo sẽ theo dõi Grab để đảm bảo gã khổng lồ này không lạm dụng vị thế “bá chủ” trên thị trường.
Hôm 30/3, Ủy ban Cạnh tranh Singapore (CCS) cũng tuyên bố có đủ căn cứ hợp lý để nghi ngờ thỏa thuận Grab-Uber có thể triệt tiêu cạnh tranh tại thị trường Singapore. CCS đã mở cuộc điều tra thương vụ và đề xuất chính phủ có các biện pháp buộc Grab duy trì cơ cấu giá dịch vụ trước vụ sáp nhập.
Mặt khác tại Indonesia, cơ quan chống độc quyền nước này cho biết chưa thể nói sẽ điều tra hay không. Do họ sẽ có 30 ngày để đánh giá sau khi việc mua bán hoàn tất. Grab cũng chịu sẽ chịu ảnh hưởng khi cạnh tranh với đối thủ Go-Jek của Indonesia ngày càng khốc liệt.
Uber và Grab công bố thỏa thuận cách đây một tuần, đánh dấu vụ rút lui thứ 2 của Uber khỏi thị trường châu Á. Trước đó, họ đã bán mảng kinh doanh tại Trung Quốc cho đối thủ - Didi Chuxing. Cuộc chiến giành thị phần đắt đỏ tại Đông Nam Á đã khiến Uber tiêu tốn 700 triệu USD. Giờ đây, họ muốn rời khu vực này để tập trung cho các thị trường khác, như Ấn Độ hay Nhật Bản.