Các thành phố Mỹ không kịp trở tay khi Trung Quốc cấm rác

Hương Thảo (Theo The Guardian)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung Quốc từng xử lý khoảng 40% vật liệu tái chế của Mỹ mỗi năm nhưng tuyến đường thải xuyên Thái Bình Dương này hiện đã bị đình trệ.

Khói đen bao phủ khu vực lò đốt rác khổng lồ ở TP Chester.
Các công dân mẫu mực tại Philadelphia, Mỹ, hiện vẫn tiếp tục cho chai nhựa, thùng giấy bỏ đi hay mảnh vỡ thủy tinh vỡ của mình vào thùng tái chế. Tuy nhiên, trong 3 tháng qua, một nửa số phế liệu này đã được chất lên xe tải để đưa đến một cơ sở đốt rác nơi rìa TP.
Tình trạng này có xu hướng nhân rộng trên khắp nước Mỹ, khi các TP đang phải thích nghi với lệnh cấm gần đây của Bắc Kinh với việc nhập khẩu rác thải nhằm mục đích tái sử dụng.
Sự thiếu hụt bãi rác nước ngoài đồng nghĩa với việc nhựa, giấy và thủy tinh dành cho tái chế của người Mỹ đang dồn ứ tại các bãi rác trong nước, hoặc đơn giản là bị đốt cháy với khối lượng lớn mỗi ngày. Thực tế mới này có nguy cơ gia tăng các chất ô nhiễm độc hại đe dọa cộng đồng người da màu và người Lanh tinh sống gần các khu công nghiệp nặng hay khu giá rẻ ở Mỹ.
Theo số liệu thống kê, khoảng 200 tấn vật liệu tái chế được gửi đến lò đốt Covanta khổng lồ ở TP Chester, Pennsylvania, mỗi ngày kể từ khi lệnh cấm của Trung Quốc có hiệu lực vào năm ngoái. Một số chuyên gia lo ngại rằng việc tái chế nhựa sẽ tạo ra một làn khói đioxin mới, khiến tình hình sức khỏe con người trở nên đáng báo động ở Chester: Cứ 10 trẻ em tại đây thì có 4 trẻ bị hen suyễn; tỷ lệ ung thư buồng trứng cao hơn 64% so với những TP khác của Pennsylvania và tỷ lệ ung thư phổi cao hơn 24%.
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), Mỹ tạo ra hơn 250 triệu tấn chất thải mỗi năm, mà 1/3 số đó là rác tái chế và khó phân hủy. Trung Quốc từng đóng vai trò giải phóng khoảng 40% giấy, nhựa và các vật liệu tái chế khác của Mỹ, nhưng tuyến đường thải xuyên Thái Bình Dương này hiện đã bị đình trệ.
Kể từ tháng 1/2018, Trung Quốc đã không chấp nhận 20 vật liệu tái chế khác nhau, chẳng hạn như nhựa và giấy hỗn hợp, trừ khi chúng đáp ứng các quy tắc nghiêm ngặt về ô nhiễm. Tái chế nhập khẩu phải sạch và không bị trộn lẫn - một tiêu chuẩn quá khó để đáp ứng cho hầu hết các TP của Mỹ.
Thời điểm này thực sự là thách thức với Mỹ, khi hầu hết các lò đốt rác tại quốc gia này đã quá lạc hậu - không đủ tiêu chuẩn kiểm soát ô nhiễm, trong khi biện pháp thiêu đốt được lập luận là một lựa chọn tốt hơn so với việc chôn lấp đối với rác thải nhựa hay bìa cứng. Paul Gilman, giám đốc của Covanta, và các nhà phê bình đồng ý rằng toàn bộ hệ thống tái chế ở Mỹ sẽ cần phải được đại tu để tránh thiệt hại môi trường hơn nữa.
"Điều đáng tiếc ở Mỹ là khi mọi người luôn nghĩ mình có thể tái chế, trong khi thực tế là phần lớn đều do người Trung Quốc thực hiện. Và khi điều đó dừng lại, rõ ràng là chúng ta không còn đối phó nổi", ông Gilman nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần