Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khẩn trương ứng phó nước lũ đang lên nhanh

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự cố vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe namnoy tại Lào đang khiến mực nước thượng lưu sông Cửu Long lên nhanh. Trước diễn biến trên, sáng 31/7, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức họp khẩn triển khai công tác ứng phó.

Quang ảnh cuộc họp sáng 31/7
Báo cáo của Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã xảy ra 69 sự cố sạt lở bờ sông, bờ biển. Hiện, diễn biến sạt lở tại khu vực này đang diễn ra rất nhanh, ngày càng phức tạp, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Toàn khu vực ĐBSCL hiện có tới 562 điểm sạt lở với tổng chiều dài 786km. Trong đó, có 55 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển đặc biệt nguy hiểm trên tổng chiều dài 173km.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào nên mực nước thượng nguồn sông Cửu Long đang lên. Dự báo, lũ thượng nguồn về nhanh trong 2 - 3 ngày tới, sau đó lên chậm do triều thấp. Đến ngày 8/8/2018, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu có khả năng lên mức 3,35m (dưới báo động 1 là 0,15m), trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc có khả năng lên mức 2,75m (dưới báo động 1 là 0,25m).

Trong 10 ngày tiếp theo, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên và đạt mức cao nhất vào ngày 13/8; trên sông Tiền tại trạm Tân Châu lên mức 3,7m (trên báo động 1 là 0,2m), trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc lên mức 3,1m (trên báo động 1 là 0,1m). Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao, nhất là tại các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Long An.

Theo tổng hợp của các tỉnh ĐBSCL, tổng diện tích đã xuống giống vụ Hè Thu là 1,59 triệu ha. Diện tích đã thu hoạch gần 200.000ha. Dự kiến đến 30/8, cơ bản thu hoạch dứt điểm diện tích lúa Hè Thu, do đó tùy theo mực nước lũ lên báo động 1 - 2 nhanh hay chậm, sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nhiều hay ít.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn đề nghị các tỉnh khu vực ĐBSCL theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân vùng trũng thấp biết, chủ động phòng tránh. Chủ động thu hoạch sớm diện tích lúa Hè Thu. Đặc biệt, thời điểm đầu tháng 8, nhiều trẻ em bước vào mùa tựu trường, do đó, cần chủ động phương án bảo đảm an toàn việc đi lại cho các em học sinh.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng lưu ý các địa phương cố gắng tận dụng lợi thế từ lũ ĐBSCL để phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là thủy sản nước ngọt. Đồng thời, cũng lưu ý các địa phương tránh chủ quan trong công tác ứng phó, bởi khu vực ĐBSCL đã trải qua hàng chục năm chưa có lũ lớn…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần