Các trường hợp nào được xóa nợ tiền thuế?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Luật Quản lý thuế năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.

Ngoài các điểm mới quan trọng như mở rộng quyền của người nộp thuế, kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân, siết chặt quản lý hoạt động chuyển giá, thêm các quy định quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử… Luật Quản lý thuế mới cũng quy định các trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế.
Quy định cụ thể từng trường hợp
Nợ thuế vẫn đang là thách thức không nhỏ với ngành thuế khi số nợ không có khả năng thu hồi vẫn tích tụ qua nhiều tháng, năm gây lãng phí nhân sự quản lý và làm mất cân đối cán cân thu ngân sách Nhà nước.
 Cán bộ Cục Thuế Hà Nội hướng dẫn người dân làm thủ tục về thuế. Ảnh: Thanh Hải
Chính vì vậy, tại Luật Quản lý thuế vừa được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019 đã có một chương riêng về nội dung khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Trong đó, quy định khá chi tiết về đối tượng, trường hợp khoanh nợ, xóa nợ.
Cụ thể, tại Điều 85 của Luật quy định các trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
Đó là: Thứ nhất, DN, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Thứ hai, cá nhân đã chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, bao gồm cả tài sản được thừa kế để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ.
Trường hợp thứ ba được xóa nợ thuế là các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế không thuộc trường hợp quy định tại 2 trường hợp nêu trên mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế quy định tại điểm g khoản 1 Điều 125 của Luật này và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi.
Người nộp thuế là cá nhân, cá nhân kinh doanh, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, chủ DN tư nhân và công ty TNHH MTV đã được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt quy định tại trường hợp này trước khi quay lại sản xuất kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh mới thì phải hoàn trả cho Nhà nước khoản nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp đã được xóa.
Thứ tư, tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với các trường hợp bị ảnh hưởng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh có phạm vi rộng đã được xem xét miễn tiền chậm nộp theo quy định tại khoản 8 Điều 59 của Luật này và đã được gia hạn nộp thuế theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 62 của Luật này mà vẫn còn thiệt hại, không có khả năng phục hồi được sản xuất kinh doanh và không có khả năng nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
Chính phủ quy định việc phối hợp giữa cơ quan quản lý thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh, chính quyền địa phương bảo đảm các khoản tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã được xóa phải được hoàn trả vào ngân sách Nhà nước theo quy định tại trường hợp thứ 3 được xóa nợ, trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Đối với khoản nợ của DN, hợp tác xã không thuộc trường hợp bị tuyên bố phá sản và khoản nợ này đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi, thì thẩm quyền xóa nợ quy định như sau: Khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt dưới 5 tỷ đồng giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh; từ 5 - 10 tỷ đồng giao Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; từ 10 - 15 tỷ đồng giao Bộ trưởng Bộ Tài chính và trên 15 tỷ đồng giao Thủ tướng Chính phủ. Đối với khoản nợ của DN, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản, thẩm quyền xóa nợ giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định (không quy định khoản nợ phải quá 10 năm và cũng không quy định mức tiền xóa nợ, nghĩa là không giới hạn về mức tiền xóa nợ).
Những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế
Luật Quản lý thuế mới cũng quy định rõ nguyên tắc quản lý thuế. Đó là mọi tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của luật. Cơ quan quản lý thuế, các cơ quan khác của Nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý thu thực hiện việc quản lý thuế theo quy định của Luật này và các văn bản pháp luật có liên quan bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người nộp thuế.
Bên cạnh đó, đối với các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế, trước đây Luật Quản lý thuế số 78/2016/QH13 chỉ quy định rải rác tại các Điều 18, Điều 26, Điều 28 và Điều 69 như: Nghiêm cấm công chức quản lý thuế gây phiền hà, khó khăn cho người nộp thuế; thông đồng, nhận hối lộ, bao che cho người nộp thuế để trốn thuế, gian lận thuế; sử dụng trái phép, chiếm dụng, chiếm đoạt tiền thuế; Nghiêm cấm việc cho mượn, tẩy xóa, hủy hoại hoặc làm giả giấy chứng nhận đăng ký thuế; Nghiêm cấm việc sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác; Nghiêm cấm hành vi làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin về người nộp thuế.
Tuy nhiên, tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 vừa được thông qua đã có quy định riêng về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế. Cụ thể, tại Điều 6 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế gồm: Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế; Gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thuế; Lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế; Cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp; Cản trở công chức quản lý thuế thi hành công vụ.
Ngoài ra còn cấm những hành vi: Sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc cho người khác sử dụng mã số thuế của mình không đúng quy định của pháp luật; Bán hàng, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn; Làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin về người nộp thuế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần