Các trường sư phạm chuyển mình để đáp ứng yêu cầu mới

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới là một hoạt động quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm (SP). Đây là quan điểm của PGS.TS Bùi Văn Quân - Hiệu trưởng trường Đại học (ĐH) Thủ đô Hà Nội.

Ngày 15/6, trường ĐH Thủ đô Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc Đổi mới công tác đào tạo bồi dưỡng, đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới, các chuẩn nghề nghiệp và nhu cầu sử dụng lao động ở các địa phương. Hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà quản lý, khoa học và thầy cô giáo.
 Hình ảnh tại Hội thảo.
Phát biểu khai mạc, GS.TS Đặng Văn Soa - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong bối cảnh công tác chuẩn bị cho đảm bảo chất lượng để thực thi chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT có những chỉ đạo quyết liệt và tích cực. Về phương diện nghiên cứu, đã có nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu các cấp được triển khai. Hội thảo do nhà trường tổ chức hôm nay, với 86 báo cáo được gửi đến đã có nhiều ý kiến trao đổi, đề xuất, đóng góp để đổi mới công tác đào tạo bồi dưỡng đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như nâng cao chuẩn nghề nghiệp của giáo viên.

Trong bài tham luận của mình, PGS.TS Bùi Văn Quân đưa ra quan điểm cần đặc biệt quan tâm đến hoạt động bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhưng, phải có công cụ và phương pháp, kỹ thuật tin cậy để xác định chính xác nhu cầu đó. Và, cần thiết phải có sự mô tả cụ thể về những yêu cầu (năng lực cần có) đối với giáo viên khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới để từ đó phát triển các công cụ đo lường năng lực hiện tại của giáo viên.

Việc bồi dưỡng giáo viên được thực hiện đa dạng dưới nhiều hình thức như bồi dưỡng tập trung, bồi dưỡng qua mạng, tự bồi dưỡng… Nhưng, để phù hợp hơn với nhu cầu phát triển nghề nghiệp liên tục, ông Quân đồng tình với quan điểm bồi dưỡng giáo viên dựa vào nhà trường. Đó chính là mô hình “bồi dưỡng đồng đẳng” rất cần có lực lượng nòng cốt để tạo dựng và vận hành quá trình bồi dưỡng trong cơ sở giáo dục.

Trong khi ấy, từ góc độ là người xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đưa ra bốn khuyến nghị. Hiện nay, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, có một số môn học mới (THCS có môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử, Địa lý; THPT có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Nghệ thuật; cấp tiểu học và THCS, Tin học là môn bắt buộc.
Sinh viên trường ĐH Thủ đô Hà Nội tham gia ngày hội tuyển dụng do nhà trường tổ chức.
Hiện chương trình đào tạo giáo viên Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật và nội dung Giáo dục kinh tế và pháp luật đã được triển khai tại nhiều trường SP. Vì thế, các trường đào tạo giáo viên cần bổ sung chương trình đào tạo hai ngành SP Khoa học tự nhiên và SP khoa học xã hội. Một số trường SP ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần triển khai chương trình đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số. Có thể tích hợp hoặc ghép vào chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn.

Các trường SP nên phát triển đào tạo những ngành truyền thống. Cụ thể là bổ sung nội dung giáo dục tài chính vào môn Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Toán, Ngữ văn và Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp.

Đồng thời, bổ sung kiến thức và kỹ năng thực hành cho môn Mỹ thuật truyền thống (Đồ họa, Thời trang, Thiết kế truyền thông, Kiến trúc, Nhiếp ảnh). Bổ sung và kiến thức, kỹ năng thực hành nhiều môn thể thao vào môn Giáo dục thể chất.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới có môn Giáo dục quốc phòng và an ninh, vì thế trường SP cũng nên đưa nội dung này vào chương trình đào tạo Giáo viên Giáo dục thể chất.

“Các trường SP cũng cần tăng cường giáo dục nghiệp vụ và pháp luật cho giáo sinh. Vừa qua các vụ việc giáo viên bạo hành học sinh cho thấy họ chưa được đào tạo chu đáo về kỹ năng nghiệp vụ SP và pháp luật (Điều lệ trường học, Luật Giáo dục, Luật trẻ em, Luật Thanh niên, Luật Hình sự, Luật Dân sự). Vì thế, các giáo sinh cần được bồi dưỡng nghiệp vụ về quan hệ với báo chí, quan hệ công chúng”, ông Minh Thuyết nhấn mạnh.

Cũng đã đến lúc các trường SP cần đổi mới mô hình đào tạo 50 - 60% thời gian học ở trường, còn 40 - 50% thời gian xuống trường phổ thông để thực hành, giống như mô hình ở trường y. Có như vậy giáo sinh ra trường mới tự tin, tiếp cận ngay được với công việc cũng như yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông.