Cách làm mới rất cần ủng hộ

Quốc Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị gặp mặt và đối thoại DN của TP Hà Nội mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, TP đã thương thảo xong với hãng truyền hình Mỹ CNN để quảng bá hình ảnh của Hà Nội trong vòng 2 năm từ 1/1/2017 - 31/12/2018, mỗi năm là 1 triệu USD.

Thực ra, số tiền mà TP Hà Nội dành để quảng bá hình ảnh Thủ đô trên kênh truyền hình CNN trong 2 năm 2017 - 2018 không phải là lớn. Song, nó cho thấy Hà Nội đã có một cách nhìn, một lối nghĩ khác trong mục tiêu nhằm giúp cho các DN TP, cho hình ảnh Thủ đô có hơn ngàn năm tuổi hướng ra thế giới bằng cách quảng bá nó trên một hãng truyền hình được coi là số 1 thế giới.
Người đứng đầu chính quyền TP cũng đã cho hay, trước kia hoạt động xúc tiến đầu tư nằm luôn ở các sở của TP. Từ nay, nó sẽ nằm ở một đầu mối đó là Trung tâm xúc tiến đầu tư. Tuy nhiên, việc tổ chức đưa DN tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước thời gian qua không hiệu quả. Kết quả giao thương sau các hội chợ này so với số tiền bỏ ra để xúc tiến đầu tư cũng không tương xứng...
Lâu nay, chúng ta thường ít quan tâm đến việc quảng bá tương tự, thậm chí có khi đã để vuột mất những cơ hội vàng mà không dễ có được. Bởi vậy, tôi rất chia sẻ với TP Hà Nội về thông tin nói trên và xem đó như một dấu hiệu tích cực của lãnh đạo Thủ đô về một cách làm mới rất cần ủng hộ dù kinh phí vẫn còn rất hạn hẹp, chưa tương xứng.
Việt Nam đã có những cơ hội mà chúng ta không mất tiền mua nhưng bỗng nhiên cơ hội lại đến kiểu như năm ngoái: Chương trình "Chào buổi sáng nước Mỹ" (Good Morning America) của Đài Truyền hình ABC News đã giới thiệu suốt 3 giờ đồng hồ trên truyền hình nước họ và khán giả ở khắp thế giới buộc phải để mắt tới Việt Nam. Sự kiện này đã khiến người Mỹ và cả thế giới phải choáng ngợp trước hình ảnh kỳ vĩ của hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) dù ta có tiền cũng dễ gì dám thực hiện. Ấy vậy nhưng rất ít ai biết, phía Nhà nước Việt Nam lần đó lại không phải trả tiền (ngoài 85.000 USD của một DN du lịch hỗ trợ, lo giúp khâu ăn ở, đi lại và máy bay trực thăng cho đoàn làm phim). Còn với ABC News, họ phải chi 300.000 USD để thực hiện sự kiện này. Thật đúng là cơ hội vàng đã tự nó đến, còn chúng ta thì quá ít tốn kém để được quảng bá cho chính mình...
Tiếp đó, Hãng phim Hollywood (Mỹ) đã có đoàn làm phim KingKong 2 khởi quay tại nước ta. Họ lại lấy bối cảnh tại các địa điểm du lịch nổi tiếng của chúng ta và thế giới cũng từng biết là Tràng An (Ninh Bình), vùng Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) và vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Nó sẽ khiến cả thế giới rồi đây phải chú ý khi công chiếu. Qua đó, nhiều du khách sẽ thèm muốn được đến Việt Nam hơn nhờ sự kiện có bộ phim "bom tấn" này (với chi phí bỏ ra riêng tại nước ta, nghe nói họ sẽ bỏ ra 30 triệu USD). Và, trong 30 triệu USD này, sẽ có 1/2 kinh phí là chi cho trường đoạn phim làm ở Tràng An, Ninh Bình. Chỉ nội con số nói trên là đủ thấy một điều: Du lịch Việt Nam trong thời gian tới sẽ là ngành đắc lợi hơn ai hết và không dễ gì có nổi chuyện người khác bỏ tiền làm thương hiệu thay mình như thế này...
Nhưng với các DN kinh doanh, sản xuất khác thì khó có lĩnh vực nào lại không bỏ tiền quảng bá mà được người khác biết đến (trừ sự kiện hy hữu Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam rồi ra phố ăn bún chả Hà Nội!) khiến cả thế giới nếu đã biết bún chả Hà Nội thì nay càng biết kỹ hơn về ẩm thực Việt.
Tôi nói điều này để thấy kinh phí làm quảng bá du lịch là vô cùng tốn kém nếu Nhà nước muốn thực hiện nó.
Tháng trước, tôi có dịp ghé thăm Phú Yên. Chúng tôi được một người bạn dẫn tới thăm một triền cát ven biển, nơi được chọn làm bối cảnh để quay bộ phim truyện "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của đạo diễn Victor Vũ. Đây cũng chính là bộ phim được Bộ VHTT&DL quyết định chọn tham gia vòng sơ tuyển của giải Oscar 2017 sau khi đã đoạt giải Bông sen Vàng lần thứ 19 tại Liên hoan phim trong nước.
Trước đó, "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" trở thành hiện tượng của điện ảnh trong nước. Bộ phim chuyển thể của đạo diễn Victor Vũ đã thu về hơn 80 tỷ đồng sau khi công chiếu. Phim được xếp vào danh sách 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu của năm. Tôi được nghe một thông tin khá thú vị, đó là sau khi công chiếu bộ phim nói trên ngoài rạp, TP Tuy Hòa nhỏ nhắn yên bình của tỉnh này, nơi vốn có tiềm năng du lịch là thế nhưng lâu nay ít ai biết nên thường vắng khách. Ấy vậy mà bỗng chốc ngành du lịch khách sạn nơi đây như được thay da đổi thịt. Có những dịp cuối tuần sau dịp công chiếu bộ phim trên, khách sạn nơi này đã không còn phòng trống chỉ vì lượng khách trẻ tuổi đổ về không khác gì Phú Yên đang có lễ hội...
Tôi muốn nhắc lại những câu chuyện này là để thấy một điều, nhiều khi nhờ được quảng bá trên phim ảnh hoặc được truyền hình quốc tế đến làm phim mà nó đã giúp cho ngành du lịch nước đó, địa phương đó phát triển rất tốt. Qua một quyết định mở màn về hỗ trợ cho truyền thông nói trên của TP Hà Nội, tôi mong rằng sau 2 năm thể nghiệm, TP sẽ nghiên cứu thêm về cách làm này. Tôi mong TP sẽ mạnh tay chi hơn nữa, thậm chí cần thiết có thể gấp 5 gấp 10 kinh phí như đã quyết, sẽ bỏ ra trong 2 năm tới. Có như vậy thì mới có thể giúp cho Thủ đô Hà Nội làm tròn sứ mạng là một trong 2 đầu tàu kinh tế, văn hóa và du lịch của cả nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần