Cách tân áo dài: Cần cái tâm của nhà thiết kế

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ lâu, áo dài đã trở thành trang phục biểu trưng cho vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam.

Thế nhưng, từ người mặc, nhà thiết kế, không phải ai cũng ứng xử chuẩn mực với tà áo dài. Vì thế, các nhà thiết kế gạo cội đều cho rằng, cách tân áo dài cần cái tâm của nhà thiết kế.

Áo dài phải mặc với quần dài

Những ấn tượng tốt đẹp đọng lại qua các kỳ lễ hội áo dài được tổ chức thời gian gần đây như lời khẳng định, chiếc áo dài luôn có một vị trí rất đặc biệt và là biểu trưng đặc sắc khi muốn khẳng định: Tôi là người Việt Nam.

Áo dài qua các thời kỳ luôn có sự biến đổi để thích nghi, trường tồn với thời gian, song, không phải cách tân nào cũng được chấp nhận và yêu thích. Thời gian gần đây, ngày càng xuất hiện những mẫu áo dài cách tân đến vô lối, từ xẻ ngực, xẻ eo đến dát vàng, đính kim cương… chỉ để khoa trương hơn là mang sự tinh tế của áo dài. Gần đây, trang phục thiết kế giống với áo dài, nhưng tà và tay ngắn, mặc cùng với váy đụp được một số nhà thiết kế và người sử dụng gọi là “áo dài cách tân” gây tranh cãi. Nhiều bạn trẻ thích thú diện trang phục này, tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, thiết kế không chấp nhận gọi đó là “áo dài”, dù có được gắn mác “cách tân” hay không.

Biểu diễn thời trang áo dài tại Lễ hội Áo dài 2016 diễn ra ở Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Cả nghệ nhân Lan Hương và nhà thiết kế Minh Hạnh đều cho rằng, đó không phải là áo dài. “Đã là áo dài thì trước tiên là phải dài, không chỉ tà mà tay áo cũng phải dài. Và áo dài phải mặc với quần dài. Tất nhiên, không thể quy định áo dài phải dài bao nhiêu centimet, vì nó phải phù hợp với chiều cao, hình thể của người mặc" - nhà thiết kế Minh Hạnh nhấn mạnh. Còn nhà thiết kế Lan Hương cho rằng: “Mỗi người có một cách nhìn khác nhau về thẩm mỹ và đánh giá về cái đẹp, về sự cách tân… Nhưng trên hết, chúng ta phải giữ được tinh thần nguyên bản của tà áo dài, bởi đó là hình ảnh, là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam, là cái đẹp của văn hóa Việt”.

Để “xóa sổ” những thảm họa áo dài, nhà thiết kế Lan Hương cho rằng, các nhà thiết kế, đặc biệt là những “cây kéo” trẻ phải thực sự xem việc thiết kế áo dài là sáng tạo nghệ thuật và trân trọng những giá trị truyền thống. Bản thân chị, suốt 20 năm làm trong lĩnh vực thời trang, chị không bao giờ làm theo bất cứ yêu cầu nào của khách. “Tôi không thương mại hóa câu chuyện thiết kế, mọi người yêu thích thì tìm đến, sử dụng. Tôi nghĩ các nhà thiết kế trẻ đừng chỉ đóng vai trò là người tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của khách, mà phải biết định hướng, dẫn dắt, đưa ra xu hướng cho khách hàng. Và quan trọng nhất là cần tôn trọng văn hóa”.

Còn đối với những ai yêu quý áo dài, dù để mặc thường ngày, trong dịp lễ, tham gia các sự kiện, cuộc thi ở trong nước và quốc tế, áo dài luôn là một kênh quảng bá văn hóa, đất nước và con người Việt Nam hữu hiệu. Do đó, nghệ nhân Lan Hương khuyên người mặc nên mang những gì tinh túy nhất, đẹp nhất của văn hóa Việt giới thiệu tới bạn bè quốc tế. “Cái khó nhất của trang phục truyền thống là nó đã nằm trong tiềm thức của mỗi người dân. Cho nên, ngoài việc làm mới thì nhiệm vụ của các nhà thiết kế là phải phát huy giá trị của nó. Đó là thử thách rất lớn cho những người “cầm kéo” có tâm với nghề, với lịch sử” - nghệ nhân Lan Hương bày tỏ.

Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị áo dài

Là người đầu tiên được tặng danh hiệu Nghệ nhân Áo dài Việt Nam, Nhà thiết kế Lan Hương luôn mong muốn khắc phục được những “thảm họa áo dài”, chị cùng chồng đã ấp ủ xây dựng một “Bảo tàng Áo dài” nhỏ nhằm giới thiệu, tôn vinh vẻ đẹp của trang phục truyền thống Việt Nam. Cuối cùng, “Không gian áo dài Việt” đã chính thức trở thành điểm đến Du lịch từ ngày 11/11/2016 tại 18 Âu Cơ, Hà Nội. Ở đây, nghệ nhân Lan Hương không chỉ xây dựng một không gian trải nghiệm văn hóa – nghệ thuật; ngôi nhà chung của các nghệ nhân từ tằm tơ Mỹ Đức, lụa Vạn Phúc, thêu Quất Động, chạm bạc Định Công, gốm Bát Tràng, dệt Đơ thao Triều Khúc, nón lá làng Chuông; “ngôi nhà thời trang” để các Nhà thiết kế thời trang trong nước và quốc tế gặp gỡ nhau… mà chị còn tổ chức rất nhiều cuộc giao lưu, gặp gỡ, các lớp học về văn hóa Áo dài, nhằm chuyển tải tới mọi người ý nghĩa, nội dung và hướng dẫn cách ứng xử đối với tà áo dài Dân tộc.

Trong buổi giao lưu mở đầu cho Dự án “Áo dài: Thời trang & Cuộc sống” mới đây, nghệ nhân Lan Hương đã giúp các học viên biết cách mặc Áo dài sao cho đẹp, phù hợp với không gian, cảnh sắc để vừa đẹp đúng điệu lại tiện lợi cho sinh hoạt. Trong khi đó, nhà thiết kế Minh Hạnh nỗ lực đưa tà áo dài quảng bá ra khắp thế giới và uốn nắn các thế hệ học trò của mình đi theo con đường “chính đạo” với những đường cắt, may áo dài. Đó là những việc làm vô cùng ý nghĩa và thiết thực, góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc. Họ là những người luôn trân trọng áo dài, cả cuộc đời sống, gắn bó, lao động, sáng tạo và sẵn sàng chết vì tà áo dài.

Sự đổi mới nào cũng khó có thể tránh khỏi khiếm khuyết, nhưng chắc chắn, chỉ có những gì phù hợp mới tồn tại được với thời gian. Tin rằng, sự nỗ lực, cố gắng của các nhà thiết kế có tâm, có tầm như Lan Hương, Minh Hạnh, tà áo dài Việt Nam sẽ ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong đời sống thường nhật và mãi trường tồn với thời gian.

Là nhà thiết kế nữ, tôi dành ưu tiên hàng đầu để thiết kế các sản phẩm phục vụ cho phụ nữ, đảm bảo tiêu chí đẹp và văn minh, giúp phụ nữ tự tin và tỏa sáng trong mọi hoàn cảnh. Tôi chỉ có một cầu mong, áo dài sẽ trở thành biểu tượng tự hào của Việt Nam, để phụ nữ Việt luôn yêu và có ứng xử trân trọng với trang phục truyền thống.

Nghệ nhân  Lan Hương


Những thiết kế áo dài của Lan Hương được biết đến trong các dịp lễ hội, các chương trình thời trang lớn, vinh dự được chọn làm lễ phục cho các hội nghị thượng đỉnh ASEM, APEC… Năm 2014, Lan Hương được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trao tặng danh hiệu Nghệ nhân áo dài quốc gia. Tháng 4/2016 chị cho ra đời Lan Hương Fashion house tại 128A1 Thụy Khuê, Hà Nội. Tháng 11/2017, Lan Hương Fashion house trở thành điểm đến du lịch được du khách trong nước và quốc tế yêu thích.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần