Cách thể hiện tốt nhất lòng thành kính

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba…" Chẳng đợi đến ngày chính Giỗ, ngay từ những ngày đầu tháng Ba âm lịch, con dân đất Việt từ khắp mọi miền đã hướng về đất thiêng Đền Hùng, thành kính tri ân Tiên Tổ.

Đã thành nét đẹp truyền thống, mỗi người hướng về Đất tổ linh thiêng đều mong muốn dâng lên Quốc Tổ những gì tốt đẹp nhất, thể hiện tấm lòng thành kính cũng như cầu mong một cuộc sống ấm no, an vui, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà. 
 

Đó cũng là một trong những ý nghĩa cốt lõi của tục thờ cúng tổ tiên của người Việt bao đời nay. Và đó cũng là lý do để lễ hội linh thiêng này trường tồn trong đời sống xã hội, dù đất nước trải qua bao biến thiên lịch sử.

Ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba âm lịch có thể coi là lễ giỗ quan trọng nhất với mỗi người dân mang dòng máu Lạc Hồng. Cũng bởi thế, ngày Giỗ Tổ vừa mang ý nghĩa tốt đẹp tưởng nhớ ơn đức tổ tiên, cốt lõi của tục thờ cúng ông bà, vừa tăng cường sự gắn bó mật thiết, nghĩa đồng bào giữa các cộng đồng con dân trên dải đất hình chữ S này. Nói như vậy để thấy, dù là ngày lễ trọng của đất nước, Giỗ Tổ vẫn nằm trong hệ quy chiếu của tục thờ cúng tổ tiên, một di sản tinh thần quý báu của người Việt.

Mong muốn dâng lên Quốc Tổ những gì tốt đẹp nhất là truyền thống, đạo lý ngàn đời, nhưng cũng có lúc điều này bị hiểu sai, thậm chí méo mó. Đã có những thời điểm, người ta đua nhau làm những thứ được gọi là “kỷ lục” làm lễ vật trong ngày Giỗ Tổ. Vô tình hay cố ý mà nhiều người, trong đó có cả giới truyền thông, đã cổ vũ cho trào lưu lệch lạc này. Rất may là những chiếc bánh chưng nặng 2,5 tấn, chai rượu 4.000 lít, ly cà phê 3.600 lít… đã lui vào quá khứ. Rất may, mới đây lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã bác bỏ ý tưởng làm chiếc bánh dày nặng hơn 2 tấn vào dịp Giỗ Tổ sắp tới của cấp ủy, chính quyền TP Sầm Sơn. Với tất cả những kỷ lục nói trên, ai cũng nhận thấy mục đích mà các tác giả kỷ lục hướng tới không phải là sự thành kính với Quốc Tổ, mà chỉ là mưu đồ đánh bóng cho bản thân hay DN, tổ chức của mình - một biểu hiện của căn bệnh phô trương hình thức mà càng ngày càng nhận rõ tác động tiêu cực của nó đến đời sống kinh tế, văn hóa của xã hội, gây tốn kém, lãng phí.

Với mục đích giữ gìn sự trang nghiêm, thuần phong mĩ tục của lễ Giỗ Tổ, từ nhiều năm trước, Bộ VHTT&DL đã có hướng dẫn nghi thức tưởng niệm các Vua Hùng, trong đó ghi rõ Lễ phẩm dâng lên Quốc Tổ bao gồm bánh dày và bánh chưng (mỗi thứ 18 chiếc dâng lên 18 đời Vua Hùng) cùng hương hoa, trầu cau, nước, rượu và ngũ quả. Với hướng dẫn ấy, vào dịp Giỗ Tổ, Nhân dân chuẩn bị lễ vật như bánh chưng, bánh dày, bánh mật, cỗ tam sinh (lợn, bò, dê) và hoa thơm, trái ngọt để dâng cúng. Những vật phẩm dâng cúng thuần chất nông nghiệp, được coi là tinh hoa của trời đất, thể hiện sự khao khát mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu của cư dân đất nước có nền văn minh nông nghiệp. Lễ vật dâng cúng ấy cũng nằm trong khuôn khổ lễ phẩm mà người Việt bao đời dâng cúng gia tiên trong những ngày giỗ ở mỗi gia đình. Theo phong tục thờ cúng ông bà, lễ vật trong ngày giỗ không thể thiếu hương, hoa, chén nước trong. Tùy theo gia cảnh, mỗi nhà còn thêm hoa quả, trầu cau và mâm cỗ mặn với tâm thức “trước cúng sau ăn” và “trần sao âm vậy”. Nhiều gia đình còn thêm vào mâm cơm cúng món ăn mà sinh thời bố mẹ, ông bà… ưa thích…

Như đã nói ở trên, không khó để nhận thấy cuộc đua lập kỷ lục về những lễ vật “khủng” từng rộ lên một thời là một biểu hiện của bệnh phô trương hình thức mà thời gian gần đây đã được nhận diện là một tệ nạn, nếu không nói là một quốc nạn. Nó nuôi dưỡng và sản sinh những thói xấu như dối trên, lừa dưới, những hành vi vô đạo đức, tham ô, lãng phí, thậm chí vi phạm pháp luật, làm băng hoại đạo đức xã hội. Rất may là những hiện tượng này sớm bị nhận ra chân tướng và đang dần bị loại bỏ khỏi các lĩnh vực khác của đời sông xã hội. Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại như một lời cảnh báo để những hiện tượng trên không tái diễn. Bởi ngay dịp chuẩn bị Giỗ Tổ năm nay vẫn còn những tổ chức, cá nhân mưu đồ đánh bóng tên tuổi bằng những hành vi lỗi thời đã không được chấp nhận trong ngày Quốc giỗ linh thiêng.

Cha ông ta có câu “hữu xạ tự nhiên hương”. Mỗi cá nhân, tổ chức, địa phương sẽ tạo dựng được những kỷ lục thực sự bằng những việc làm ích nước, lợi nhà. Mỗi người hãy sống thật tốt, chăm lo làm tốt phận sự của mình từ trong gia đình ra ngoài xã hội. Đó là cách thể hiện tốt nhất của lòng thành kính với tổ tiên nguồn cội!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần