Café cuối tuần: Nỗi buồn bóng đá tỉnh lẻ

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Trận chung kết ngược hạng Nhất Long An- Đồng Tháp đã kết thúc với tỷ số 1-0, đã tiễn CLB Đồng Tháp, đội bóng từng là nòng cốt của đội tuyển Việt Nam, phải xuống hạng Nhì. Bóng đá tỉnh lẻ đang thất thế.

Đội bóng từng 2 lần lên ngôi ở giải vô địch quốc gia sẽ chia tay sân chơi chuyên nghiệp từ mùa sau. Nên nhớ SLNA và Đồng Tháp chính là những đội bóng hoàng kim bóng đá thời bao cấp. Những năm gần đây, Đồng Tháp chật vật vì gánh nặng tài chính, cùng với việc quản lý lỏng lẻo tuyến trẻ, do đó ngày càng trượt dốc.

Hòa niệm về một đội bóng

Cách đấy khoảng 2 thập kỷ trước, có tuyến trẻ khá tốt nên Đồng Tháp là thế lực của sân cỏ Việt Nam, 2 lần đứng trên đỉnh cao ở giải vô địch quốc gia. Họ là đội đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam có một chiến thắng tại Cúp C2 châu Á (nay là AFC Cup).

Năm 1997, Đồng Tháp với tư cách là nhà đương kim vô địch Việt Nam thắng CLB Churchill (Ấn Độ) 1-0 trên sân khách. Đó là giai đoạn rực rỡ nhất của bóng đá Đồng Tháp dưới sự dẫn dắt của HLV Đoàn Minh Xương.

 Bất luận thế nào thì việc “tượng đài” bóng đá vùng miền Tây là Đồng Tháp sụp đổ là điều đáng tiếc của bóng đá Việt Nam. Ảnh VPF

Cho đến 2010, bóng đá Đồng Tháp từng lấy lại vị thế khi đội hình quy tụ nhiều cầu thủ tốt như Tấn Trường, Được Em, Samson...đã lọt vào vị trí thứ 3. V.League 2016 là lần cuối cùng Đồng Tháp góp mặt ở sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam, Trần Công Minh đã ngồi ghế nóng thay HLV Phạm Công Lộc nhưng không thể cứu được con tàu sắp đắm.

Trong 4 năm thi đấu tại hạng Nhất, không những không quay trở lại V.League mà Đồng Tháp luôn phải thi đấu chật vật. Bảng xếp hạng của Đồng Tháp từ mùa giải V.League 2017 đến nay lần lượt thứ 7/7, 3/10, 9/12 và giờ đây là 12/12. Nguyên nhân chính là tiềm lực tài chính của họ cạn dần theo thời gian, những người tâm huyết lần lượt rời khỏi đội bóng. Nhiều năm nay, những người có tay nghề chuyên môn đành lỗi hẹn với quê hương, bán xới đi mưu sinh các địa phương khác.

Chuẩn bị cho mùa giải 2020, trợ lý Nguyễn Anh Tông đã được bổ nhiệm làm HLV trưởng dẫn dắt Đồng Tháp, thay thế HLV Trần Công Minh. Đồng Tháp cũng phải xây dựng lại bộ khung với dàn cầu thủ có nhiều xáo trộn, chỉ đặt mục tiêu trong nhóm dẫn đầu ở giải hạng nhất năm nay là khó khăn. Vụ 11 cầu thủ của Đồng Tháp liên quan đến việc dàn xếp tỷ số tại giải U21 QG 2019 trong đó 8 cầu thủ nằm trong biên chế đội 1 Đồng Tháp tham dự giải hạng Nhất QG năm 2020 bị cấm thi đấu khiến, đội bóng xứ bưng biền đã phải chạy vạy mượn quân khắp nơi để tham gia giải đấu.

Giật mình

Bất luận thế nào thì việc “tượng đài” bóng đá vùng miền Tây là Đồng Tháp sụp đổ là điều đáng tiếc của bóng đá Việt Nam. Nhưng nó phản ánh thực tại của một nền bóng đá đã xuống cấp, không còn hợp với xu thế mới. Những cái tên như : Công Minh, Tấn Thành, Quốc Cường và thủ môn Thanh Nhạc thi đấu đặc biệt xuất sắc tại SEA Games 18 ở Chiang Mai chỉ còn là hoài niệm.

 Bóng đá V.League 2020 đã sạch bóng các đội bóng miền Tây. Ảnh VPF

Việc nhà cựu vô địch Long An hay một đội bóng khác của miền Tây là Cần Thơ cũng phải chật vật để trụ hạng thành công cũng do vấn đề tài chính cho thấy lứa cán bộ quản lý CLB theo mô hình bao cấp đang gặp khó khăn nhiều với xu thế bóng đá mới. không mạnh vì gạo, bạo vì tiền là không giữ được cả quân, lẫn tướng, cầu thù Đồng Tháp đi đá khắp nới.

Bóng đá V.League 2020 đã sạch bóng các đội bóng miền Tây. Trong khi đó phía bắc Nam Định, SLNA, Hải Phòng và Thanh Hóa đang khá chật vật với các cuộc chiến trụ hạng. Người ta đang thấy, khi không đi theo xu thế kinh doanh sân cỏ: bán bản quyền truyền hình, vé vào sân, áo quần và đồ lưu niệm thì các đội bóng tỉnh lẻ đang gặp quá nhiều khó khăn. Các ông chủ chỉ thích các đội bóng nằm ở các thành phố lớn, tiện cho việc quảng bá thương hiệu.

Đây là điều đáng tiếc, bởi bóng đá miền Tây nói riêng và tỉnh lẻ nói chung mang những nét riêng. Hãy tưởng tượng nếu chiều cuối tuần không thấy đầy ắp người trên sân Thiên Trường, Thanh Hóa hay những cuộc biểu dương lực lượng của cộng đồng cổ động viên xứ Nghệ thì V.League nhạt đi rất nhiều. Bản sắc địa phương là điều V.League rất cần để giải đấu hấp dẫn và đa sắc màu hơn, nhất là Đồng Tháp, SLNA vốn được coi là có truyền thống đào tạo trẻ.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần