Cải cách chính sách tiền lương: Tạo động lực để cống hiến

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện cải cách chính sách tiền lương là sớm hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án vị trí việc làm trong năm 2019, gắn với nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy và tinh giản biên chế. Đó là vấn đề được nhấn mạnh tại cuộc họp của Ban chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công (ngày 14/3) để rà soát, đôn đốc triển khai các nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 27 về cải cách tiền lương từ năm 2021.

Cán bộ công chức mong muốn việc cải cách tiền lương phải có tác dụng kích thích tăng năng suất lao động, làm cho họ thực sự sống được bằng lương. Ảnh: Thanh Hải
Xây dựng khung danh mục vị trí việc làm
“Xây dựng bảng lương mới dựa trên vị trí việc làm (VTVL)” được xem là một trong những đột phá về chính sách tiền lương đã được Nghị quyết số 27-NQ/TW - Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của T.Ư Đảng về cải cách tiền lương từ trước tới nay. Hiện, Bộ Nội vụ đang rà soát các vị trí hiện có trong hệ thống chính trị để xây dựng chế độ tiền lương mới thực hiện từ năm 2021.
Phải xây dựng vị trí việc làm để có căn cứ tuyển dụng, đánh giá và trả lương. Vị trí nào mức lương đó, kể cả anh đang ở trên mà bị điều xuống dưới thì giảm lương, không có kiểu sống lâu lên lão làng. Ở khối tư nhân, một người lái xe có thể kiêm cả thư ký, giúp việc. Còn khối Nhà nước, một vị trí có ngày làm 1,5 hoặc 2 ca mà phải duy trì 2 biên chế là không được

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ

Từ nay tới hết năm 2020, Chính phủ vẫn tiếp tục điều chỉnh tăng lương cơ bản mỗi năm 7% theo Nghị quyết của Quốc hội, sau đó từ 2021 trở đi sẽ cải cách căn bản chính sách tiền lương mà nội hàm bao gồm trong khu vực hành chính Nhà nước (trả lương theo vị trí việc làm và chức danh, chức vụ lãnh đạo thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị; tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực DN). Trong khu vực DN thì thực hiện ngang bằng nhau giữa khối DN Nhà nước và ngoài Nhà nước (loại trừ lương người đại diện chủ sở hữu, người làm công tác quản lý). Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của DN.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu tại cuộc họp của Ban chỉ đạo, trong năm nay và năm 2020, các bộ, ngành và địa phương phải chuẩn bị khung khổ thể chế để thực hiện cải cách, trong đó quan trọng nhất là xây dựng và phê duyệt Đề án VTVL, chức danh, chức vụ cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang. Hệ thống thang bảng lương phải thiết kế theo thang bảng lương nói chung và hệ thống thang bảng lương của các chức danh tương đương trong hệ thống chính trị; tính toán chuyển lương cũ sang lương mới.
Thực hiện được việc trả lương theo VTVL và kết quả công việc là một bước đột phá, người lao động mới có thể sống bằng lương. Đặc biệt, quy định trả lương theo VTVL thì từ trước đến nay nguyên tắc này rất đúng, bây giờ chúng ta phải quyết tâm thực hiện được. 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh

Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, Thường trực Ban Bí thư đã giao Ban Tổ chức T.Ư chủ trì phối hợp với các cơ quan xây dựng khung danh mục VTVL, mô tả VTVL cán bộ, công chức từ T.Ư đến cấp xã chia theo nhóm chức danh lãnh đạo cũng như chuyên môn nghiệp vụ... để trình Bộ Chính trị. “Trong năm 2019, chúng tôi sẽ rà soát các chức danh, chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ T.Ư đến cơ sở, xây dựng bảng phân loại chức vụ tương đương trong hệ thống chính trị. Xây dựng chế độ tiền lương mới. Từ 1/1/2019 – 9/2019, các bộ, cơ quan được phân công nhiệm vụ xây dựng bảng lương theo VTVL, chức danh, chức vụ và bảng phụ cấp theo nghề nếu có”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng thông tin.

Cốt lõi phải đảm bảo tinh giản biên chế

Xây dựng danh mục VTVL được xem là giải pháp căn bản để thực hiện tinh gọn bộ máy, biên chế, cải cách tiền lương… Với tầm quan trọng như vậy, đến nay, nhiều bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai xây dựng và thực hiện. Trong đó, Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH và TP Hà Nội là những nơi đã triển khai xây dựng vị trí việc làm hiệu quả, với những cách làm hay.
Đề án Cải cách chính sách tiền lương từ năm 2021 theo Nghị quyết 27 của T.Ư nếu thực hiện tốt sẽ mang lại hiệu quả rất tích cực thể hiện trên các mặt. Thứ nhất, trả lương đúng người đúng việc theo vị làm trên cơ sở xác định rõ chức danh, chức vụ được đảm nhiệm mà không phải theo bằng cấp, thâm niên, bình quân, không rõ kết quả công việc. Thứ hai, trả lương cho công chức, viên chức trong mối tương quan với khu vực thị trường để khắc phục bất hợp lý, khoảng cách lương giữa khu vực Nhà nước và thị trường, để đảm bảo công bằng trong trả lương giữa các khu vực. Thứ ba, trả lương theo Nghị quyết 27, có điều kiện cần và đủ để tăng mức tiền lương, góp phần nâng cao đời sống của công chức, viên chức và giảm được tiêu cực do lương trước đây quá thấp. Thứ nữa, trả lương theo đúng vị trí việc làm là cơ sở sắp xếp lại bộ máy hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập để tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả công việc.

TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH

Như tại Hà Nội, cách làm là TP chỉ phê duyệt danh mục VTVL, khung năng lực VTVL, bản mô tả VTVL trên cơ sở tổng hợp các quy định của T.Ư, bộ, ngành, địa phương và thực tiễn những năm qua. Từ đó, TP giao thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cụ thể thêm những tiêu chí, nội dung của khung năng lực, bản mô tả và kết quả công việc cụ thể từng VTVL. Bên cạnh đó, biên chế giao cho các đơn vị theo đề án VTVL giai đoạn 2017 - 2021 được khống chế giảm tối thiểu 10% theo đúng chủ trương. Thủ trưởng đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ đang triển khai và trình độ CBCCVC để quyết định biên chế từng VTVL trong tổng biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao. Chính điều này buộc các đơn vị phải tuyển người đủ năng lực thay thế CCVC, người lao động nghỉ hưu hoặc chuyển công tác. Với các đơn vị sự nghiệp (ĐVSN), giao biên chế trên cơ sở định mức đã được quy định tại các văn bản của T.Ư và tập trung đẩy mạnh ĐVSN sang tự chủ để giảm số người hưởng lương ngân sách, giảm biên chế.

Liên quan đến việc xây dựng Đề án VTVL này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh tinh thần của Nghị quyết 27 là Đề án phải bảo đảm nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy gắn với tinh giản biên chế. Muốn thực hiện đề án cải cách tiền lương thì một trong những vấn đề cốt lõi là phải đảm bảo tinh giản biên chế mỗi năm 2,5%. Không chấp nhận xây dựng, phê duyệt Đề án VTVL nhưng biên chế vẫn tăng, không bảo đảm được mục tiêu. Trước thực tế này Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ kế thừa kinh nghiệm triển khai từ trước tới nay, chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp chứ không máy móc áp dụng với Việt Nam để rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp lý VTVL, tiêu chí đánh giá cán bộ công chức, viên chức gắn với VTVL. “Như trong ngành y, nếu áp tiêu chuẩn của nước ngoài một bác sĩ có bao nhiêu hộ lý, y tá thì sẽ “đẻ” quân số rất nhiều. Nhưng khi bệnh viện tự chủ thì bao nhiêu hộ lý là việc của anh. Còn trong điều kiện hiện nay không thể thực hiện được”- Phó Thủ tướng Chính phủ ví dụ.

Nếu triển khai có hiệu quả, Đề án VTVL sẽ đảm bảo “một người có thể làm được nhiều việc” và “một việc chỉ có một cơ quan, đơn vị phụ trách”, không để như trước đây là một việc có nhiều cơ quan, nhiều đơn vị tham gia và không có sự phân công cụ thể xem ai, cơ quan nào là người chủ trì để giải quyết, dẫn tới đùn đẩy trách nhiệm.

Khi làm tốt việc xây dựng VTVL và chức danh, chức vụ vụ lãnh đạo thì xây dựng bảng lương mới chỉ còn là vấn đề kỹ thuật.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 63/KH-UBND triển khai Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 27 của T.Ư. Theo kế hoạch, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2021 sẽ thực hiện áp dụng chế độ tiền lương mới theo VTVL, chức danh và chức vụ lãnh đạo thống nhất đối với CBCCVC, người lao động trong toàn bộ các cơ quan, đơn vị thuộc TP theo quy định của Nhà nước. Theo đó, tiền lương thấp nhất của CBCCVC bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực DN của TP. Mức lương này cũng từng bước có sự gia tăng phù hợp với nguồn lực tài chính của TP gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập…

Đối với khối các DN, từ năm 2021, thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động đảm bảo áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần