Cải cách chính sách tiền lương và BHXH: Cần thể chế hóa triệt để và làm quyết liệt

Thủy Trúc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để thực hiện cải cách chính sách tiền lương (CSTL) và bảo hiểm xã hội (BHXH), theo TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ LĐTB&XH có ba vấn đề lớn cần phải làm đó là thay đổi nhận thức, thiết kế hệ thống bộ máy tổ chức và thể chế hóa CSTL và BHXH.

 Cán bộ làm việc tại UBND huyện Quốc Oai. Ảnh: Công Hùng

Hai giải pháp tạo nguồn

Thưa ông, Hội nghị T.Ư 7 Khóa XII đã nhất trí ban hành nghị quyết về cải cách CSTL và BHXH. Điều mà mọi người quan tâm là làm sao để việc chi trả lương phù hợp với yêu cầu công việc và trở thành động lực để cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ?

- Để trả lương đúng, tạo động lực cho CBCCVC làm việc hiệu quả thì có nhiều việc phải làm, tuy nhiên theo tôi tập trung vào 4 nội dung quan trọng. Thứ nhất, phải xác định thật rõ vị trí việc làm theo chức danh và xây dựng tiêu chuẩn chức danh đối với CBCCVC. Thứ hai, là xây dựng các tiêu chí và đánh giá theo những tiêu chí đó về chất lượng, hiệu quả việc làm của từng CBCCVC. Thứ ba, theo Nghị quyết về cải cách CSTL, đến năm 2021 thực hiện tăng mức tiền lương thấp nhất của CBCCVC tiếp cận với thị trường, vì thế cần phải thiết kế bảng lương theo ngạch bậc (chức vụ, chuyên môn nghiệp vụ). Một nội dung rất quan trọng là tăng ngay quyền cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc sử dụng CBCCVC và trả lương cho họ.

Đã có 7 giải pháp được đưa ra tại Hội nghị T.Ư 7 nhằm tạo nguồn lực để cải cách CSTL. Theo ông giải pháp nào là căn cơ và bền vững để thực hiện?

- Giải pháp nào cũng quan trọng, nhưng giải pháp đầu tiên và căn cơ nhất là duy trì phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, duy trì được tốc độ tăng GDP ở mức cao và ổn định. Giải pháp thứ hai là sắp xếp lại bộ máy và tinh giản biên chế của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết 18 và 19, nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm được số người hưởng lương từ ngân sách.

Với giải pháp thứ hai, có thể đi theo hướng: Đơn vị sự nghiệp nào có thể chuyển sang được thành công ty thì chuyển; đơn vị có khả năng tự chủ cao thì tự trả lương cho NLĐ; còn lại hưởng lương từ ngân sách. Tôi nghĩ các bệnh viện, trường đại học, viện nghiên cứu có thể chuyển dần sang tự chủ, với điều kiện Nhà nước xác định giá dịch vụ tính đủ tiền lương sát với thị trường. Tất nhiên, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người nghèo, người yếu thế để họ có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ này.
 TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ LĐTB&XH

Thu hút đối tượng ngoài quan hệ lao động

Đối với việc cải cách chính sách BHXH, cần làm gì để đảm bảo cân đối Quỹ Bảo hiểm hưu trí trong dài hạn, thưa ông?

- Cân đối quỹ BHXH phụ thuộc nhiều yếu tố, bao gồm mở rộng độ bao phủ để có nhiều người tham gia vào hệ thống này. Điều chỉnh các thông số đóng – hưởng nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc NLĐ khi về hưu sẽ được hưởng lương cao hơn hiện nay. Mở rộng hình thức BHXH tự nguyện cho những người có lương cao cũng là một cách để đảm bảo quỹ BHXH. Cùng với đó là tìm biện pháp chống nợ đọng BHXH nhiều bằng việc giám sát được thu nhập của NLĐ và có chế tài xử lý thật nặng đối với đơn vị, DN không đóng BHXH. Về việc này, ngành thuế có thể tham gia giám sát thu BHXH, tránh tình trạng 1 DN có 2 bảng lương. Một vấn đề nữa là phải đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH vừa đảm bảo không rủi ro nhưng vẫn phải sinh lời.

Hiện nay, tỷ lệ người tham gia BHXH tính trên tổng số người trong độ tuổi lao động vẫn còn thấp, vậy theo ông, nên mở rộng những đối tượng nào tham gia BHXH theo diện bắt buộc và tự nguyện để nâng độ bao phủ?

- Hiện chúng ta chưa thống nhất về quan niệm tiêu chí độ bao phủ BHXH, vì thế, trước tiên cần phải giải quyết vấn đề này (theo Tổ chức lao động Quốc tế, tiêu chí độ bao phủ BHXH là tỉ lệ % lao động tham gia vào hệ thống này so với lực lượng lao động trong độ tuổi). Chúng ta cũng phải xem, tỷ lệ người sau độ tuổi lao động đã được hưởng một chính sách BHXH nào đó. Để từ đó, muốn mở rộng độ bao phủ thì tầng “hưu trí xã hội” nên tăng số người hưởng trợ cấp xã hội so với số người ngoài độ tuổi lao động.

Đối tượng thứ hai rất quan trọng để mở rộng độ bao phủ BHXH là nông dân và những người làm việc ở khu vực phi chính thức có khả năng đóng BHXH thì phải tham gia bắt buộc. Trong trường hợp họ gặp khó khăn đóng BHXH sẽ được Nhà nước hỗ trợ. Ở khu vực phi chính thức, rất nhiều người có thu nhập khá nhưng chưa tham gia BHXH, cần huy động để họ tham gia.

Để giảm tình trạng NLĐ hưởng BHXH một lần, Nhà nước nên quy định họ chỉ được nhận phần mình đóng. Cũng nên có giải pháp giúp DN tiếp tục sử dụng NLĐ sau tuổi 35 hoặc dùng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ NLĐ chuyển đổi nghề nghiệp để họ được đóng nối BHXH.

Ba trở ngại

Tăng tuổi nghỉ hưu cũng là giải pháp để đảm bảo Quỹ BHXH. Theo ông, những người làm công việc gì và trong những ngành nào thì tuổi làm việc kéo dài đến 60 với nữ và 62 với nam?

- Hiện nay điều 187 Bộ luật Lao động quy định, NLĐ làm việc trong điều kiện bình thường, tuổi nghỉ hưu là 55 với nữ và 60 với nam. Nhóm lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục của Bộ Y tế và Bộ LĐTB&XH thì tuổi nghỉ hưu thấp hơn NLĐ làm công việc bình thường là 5 năm.

Sắp tới những lao động làm trong điều kiện bình thường ở tất cả các khu vực đều tăng lên 60 với nữ và 62 với nam, thực hiện có lộ trình. Nhưng với những người làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì không thể tăng tuổi làm việc. Hoặc nếu có tăng thì nhịp độ cách nhau 5 năm, nghĩa là nữ về hưu ở tuổi 55, nam 57, nhưng cũng rất khó khăn vì hiện nay nhiều người đang làm công việc này muốn giảm bớt số năm làm việc. Nhóm cán bộ quản lý, người chuyên môn kỹ thuật cao (TS, PGS, GS) có thể làm việc sau tuổi 60 – 62.

Theo cách tiếp cận ấy như tôi nói, kéo dài tuổi nghỉ hưu không phụ thuộc vào việc người làm ở khu vực cơ quan hành chính Nhà nước, khối sự nghiệp cung cấp dịch vụ công hay chuyên gia làm quản lý trong các DN công nghệ cao. Những người đến tuổi nghỉ hưu nhưng còn sáng tạo, sức khỏe thì vẫn có thể tiếp tục làm việc nếu có mong muốn.

Nhiều năm làm nghiên cứu về lương và BHXH, theo ông trở ngại lớn nhất mà chúng ta phải vượt qua khi thực hiện cải cách CSTL và BHXH là gì?

- Tôi thấy có 3 điểm quan trọng và cũng là trở ngại trong thực hiện CSTL và BHXH. Trở ngại lớn nhất là nếu không thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy, quyết tâm chính trị cao và làm triệt để thì khó thực hiện được. Cái khó thứ hai là phải xây dựng nền công vụ hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách. Thứ ba, nghị quyết của T.Ư về chính sách CCTL và BHXH mới là chủ trương, vì thế tới đây nếu không thể chế hóa một cách triệt để thông qua nghị định, quyết định và bổ sung sửa đổi các luật liên quan thì cũng khó đạt được mục tiêu như đề án đặt ra.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần