Cải cách hành chính: Chờ bước đột phá mới

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với rất nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, việc áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông được đánh giá là bước đột phá lớn.

Đặc biệt, với Đề án “Thí điểm đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính” đang được xây dựng và sẽ triển khai trong thời gian tới, hy vọng sẽ tiếp tục một bước đột phá lớn hơn. Điển hình như, năm 2021, thời gian chờ đợi nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức sẽ giảm còn tối đa là 30 phút/trường hợp và đến 2023 tối đa còn 15 phút/trường hợp.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC đã trở nên quen thuộc với người dân, DN. Đồng thời, với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác điều hành, quản lý và giải quyết TTHC đã cho thấy những quyết tâm trong định hình một nền hành chính công minh bạch với tiêu chí phục vụ người dân, DN được đặt lên lên hàng đầu.
Từ thực tế dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, đến hệ thống một cửa điện tử dùng chung ba cấp trong giải quyết TTHC ở địa phương, cổng dịch vụ công trực tuyến ở cấp quốc gia khi triển khai đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Chi phí đi lại, thời gian giải quyết thủ tục, thành phần hồ sơ được rút gọn nhiều. Đồng thời, người dân không tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết TTHC cũng tạo ra sự minh bạch, chống được các chi phí không chính thức, nhiều “cửa”, nhiều “khóa”…
Tuy vậy, nhìn từ thực tế cũng cho thấy, dù đã triển khai hệ thống “một cửa”, “một cửa liên thông” nhưng tỷ lệ điện tử hóa còn thấp. Theo thống kê, số hồ sơ giấy chiếm tới hơn 94%, chỉ có gần 6% lượt nộp hồ sơ điện tử.
Hơn thế nữa, vướng mắc cũng được chỉ ra là thẩm quyền của bộ phận một cửa, một cửa liên thông vẫn chưa rõ ràng. Đặc biệt, như các ý kiến đã nhận định, nói là một cửa, một cửa liên thông nhưng vẫn nhiều dấu, bị cát cứ ở từng khúc; TTHC của một địa phương nhưng giữa các sở lại không có sự liên thông. Cùng với đó là những “trục trặc” về việc nhập dữ liệu đầu vào trên hệ thống chưa chuẩn theo các quy định hiện hành, nhiều thủ tục trùng nhau, có thủ tục đã bị loại bỏ nhưng chưa được xóa trong phần mềm… cũng gây ra khó khăn.

Với đề án đang được xây dựng, sẽ thí điểm đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, DN. Đây là đề án được chờ đợi để giải tỏa những vướng mắc hiện nay. Không chỉ xây dựng hệ thống thông tin một cửa điện tử hiện đại đáp ứng yêu cầu đổi mới, có khả năng số hóa, kết nối với các kho dữ liệu, rút ngắn thời gian làm thủ tục, mà theo tính toán sơ bộ, tổng số tiền có thể tiết kiệm được khi thực hiện các phương án đổi mới là khoảng trên 8.800 tỷ đồng/năm. Trong đó, tiết kiệm chi phí do tái sử dụng lại giấy tờ, tài liệu khoảng 2.518,75 tỷ đồng/năm… quả là con số không hề nhỏ.

Nhưng đúng như nhiều ý kiến đã góp ý, để những mục tiêu thực sự tạo ra bước đột phá mới, vẫn cần đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin; rà soát và điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cắt giảm tối đa TTHC… Đặc biệt, cần tuyên truyền để đổi mới nhận thức; làm rõ trách nhiệm trong công tác phối hợp… tránh liên thông nhưng vẫn cắt khúc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần