Cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020: Chuyển biến tích cực, rõ nét

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ TP đến tận xã, phường đạt những con số ấn tượng trên cả 6 lĩnh vực cải cách hành chính (CCHC), trong đó thể hiện rõ nhất ở việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong chỉ đạo điều hành và phục vụ người dân, DN.

Đó là kết quả nổi bật sau nửa chặng đường Hà Nội triển khai Kế hoạch 158/UBND TP ngày 24/8/2016 về CCHC nhà nước TP giai đoạn 2016 - 2020, nhằm thực hiện Quyết định 225/TTg.

Hiệu quả điều hành tăng cao nhờ công nghệ thông tin

Sơ kết thực hiện kế hoạch này mới đây, UBND TP cho biết: Từ năm 2016, TP chỉ đạo xây dựng, ban hành các kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch ứng dụng CNTT hàng năm; thành lập Ban Chỉ đạo ứng dụng CNTT TP do trực tiếp Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban, chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo tại các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã. Từ đó đến nay, xác định thiết lập hệ thống CNTT sử dụng chung, TP đã đầu tư đồng bộ hạ tầng CNTT trong các cơ quan, hoàn thành kết nối mạng diện rộng tới mọi sở, ngành, 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Họp trực tuyến được duy trì hiệu quả; 100% cơ quan cấp sở, cấp huyện, cấp xã sử dụng phần mềm quản lý văn bản và kết nối trên môi trường mạng... Phần mềm một cửa điện tử dùng chung 3 cấp TP cũng đã được thử nghiệm tại các Sở TT&TT, Tư pháp, LĐTB&XH; quận Long Biên, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, huyện Gia Lâm.
 Làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Thanh Hải
Đáng chú ý, đến nay TP đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân; khai thác để triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, DN. Từ đó, Công an TP chia sẻ cơ sở dữ liệu dân cư kết nối thông tin với BHXH TP, Sở Tư pháp, Sở GD&ĐT, Cục Thuế, Sở KH&ĐT nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đáp ứng liên thông, cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) phục vụ công dân, người nộp thuế. Dưới chỉ đạo quyết liệt của TP, hiện tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng về đăng ký DN, đầu tư nước ngoài đạt 100%, đăng ký kinh doanh tại cấp huyện đạt hơn 50%...

Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trên các lĩnh vực cải cách theo hướng hiện đại hóa quản lý, điều hành, phục vụ của cơ quan Nhà nước; cùng mở rộng, nâng chất lượng cung cấp DVCTT. Điều này thể hiện rõ quyết tâm của TP xây dựng chính quyền điện tử, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, DN khi giao dịch hành chính.

Hà Nội là TP đầu tiên triển khai tuyển sinh đầu cấp trực tuyến, với tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến cả 3 cấp tăng dần, từ 55,74% năm 2016 lên 78,5% trong năm nay; TP đầu tiên triển khai diện rộng hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử cho Nhân dân, quản lý tầm soát ung thư sớm. Ngoài ra, đã thí điểm phần mềm quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo tại một số đơn vị, triển khai hệ thống giao thông, du lịch thông minh…

Người dân, doanh nghiệp hưởng lợi lớn

Số liệu mới nhất đến tháng 9/2018, TP có 623 DVCTT mức 3, 4, trong đó 556 DVCTT đang được vận hành chính thức; phấn đấu hết năm nay hoàn thành 65% thủ tục hành chính thực hiện DVCTT mức 3, 4. Đạt được kết quả này cũng nhờ TP đã đào tạo kỹ năng sử dụng CNTT cơ bản và tập huấn sử dụng DVCTT, các phần mềm dùng chung của TP tới tận cán bộ công chức (CBCC) cấp xã. Đặc biệt, chỉ hai năm đã ghi nhận không ít mô hình sáng tạo tại nhiều địa phương, đơn vị để tuyên truyền, hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận loại hình mới này. Nếu tại các quận Thanh Xuân, Long Biên, Hai Bà Trưng… bố trí nhiều điểm hỗ trợ thực hiện DVCTT tại khu chung cư, tổ dân phố thì tại vùng nông thôn cũng có những cách thức hiệu quả. Đơn cử, huyện Chương Mỹ tiên phong thành lập CLB tin học cựu chiến binh, người cao tuổi. Nhiều quận, huyện đẩy mạnh tuyên truyền tại các cuộc họp thôn, tổ dân phố, phát tờ rơi… Nếu như tháng 10/2016 mới triển khai DVCTT mức 3 cấp xã về tư pháp, CBCC thường phải làm thay, nay tỷ lệ người dân tự nộp hồ sơ trực tuyến trung bình toàn TP đã đạt trên 70%. Công chức bộ phận một cửa thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm) Vũ Văn Mười chia sẻ: “Khi các xã mới triển khai, người dân thấy phải thao tác trên điện thoại, máy tính rất ngại. Nhưng sau khi được hướng dẫn trực tiếp tại bộ phận một cửa, tuyên truyền trên loa, tại nhà văn hóa khu dân cư…, khá nhiều người đã biết tự nộp qua mạng”.

Bà Nguyễn Thị Tỉnh vừa nhận đăng ký khai sinh cho cháu tại bộ phận một cửa xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) phấn khởi: “Vừa hôm trước được biết chỉ cần làm trên máy tính, tôi nhờ người hướng dẫn cách làm khai sinh cho cháu. Chỉ 2 hôm sau, tôi đã nhận được cả giấy khai sinh, đăng ký thường trú, thẻ BHYT mà không phải ra UBND xã”. Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp người dân vui mừng vì được hưởng lợi từ ứng dụng CNTT vào giải quyết thủ tục hành chính. Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức) Bùi Thế Gia, sau khi được trang bị máy tính, đường truyền, UBND thị trấn đã cử CBCC theo học các lớp tập huấn DVCTT do TP, huyện tổ chức và đến nay thao tác thành thạo, đảm bảo giải quyết hồ sơ luôn đúng, trước hạn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần